Quản lý khủng hoảng học đường

(ĐTTCO) - Bạo lực học đường không phải là chuyện mới, nhưng vụ việc xảy ra mới đây tại Trường Quốc tế American Academy ở TP Thủ Đức lại kịch tính hơn khi một phụ huynh lên mạng xã hội livestream, cho rằng nhà trường thiếu trách nhiệm.

 Tình hình trầm trọng đến mức Bộ Giáo dục -Đào tạo đề nghị UBND TPHCM chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng có liên quan nhanh chóng xác minh thông tin và xử lý vụ việc kịp thời, đúng quy định, đảm bảo an toàn và ổn định tâm lý cho học sinh, giáo viên và phụ huynh. 

Bạo lực có thể xảy ra ở bất kỳ môi trường giáo dục nào. Trên bình diện rộng hơn, bạo lực học đường là một trong những thách thức lớn nhất trong quản lý tổng thể của một cơ sở giáo dục. Mặc dù phần lớn trường quốc tế trên thế giới đều đã xây dựng hệ thống quản trị rủi ro để có thể xử lý các vấn đề bạo lực học đường nói riêng và các tình huống khủng hoảng trong nhà trường nói chung, nhưng thông tin và kiến thức về các vấn đề nói trên vẫn còn bất cập với giáo viên, nhất là các bậc phụ huynh - những người có quyền lợi và nghĩa vụ và quan hệ mật thiết đối với con em mình.

Theo định nghĩa của nhiều chuyên gia, khủng hoảng học đường liên quan đến các sự kiện có thể gây ra khủng hoảng học đường gồm hành vi tự tử hoặc tự làm hại bản thân, tử vong đột ngột hoặc do tai nạn và thương tích nghiêm trọng của học sinh hoặc nhân viên cũng như bạo lực và thiên tai. Những sự cố này có thể mang lại sự hỗn loạn trong trường học, đe dọa sự ổn định của môi trường giáo dục khiến học sinh và nhân viên cảm thấy bị đe dọa, khó chịu, bất an, bất lực… 

Bên cạnh đó, tin đồn thường lan rộng sau các sự cố khủng hoảng, trong khi các nhận xét chủ quan và độc đoán có thể tiếp tục làm học sinh và nhân viên tổn thương. Tất cả tình huống trên có thể tạo ra áp lực lớn trên hệ thống quản lý. Do đó, nhà trường phải thực hiện các biện pháp dự phòng để hạn chế tối đa các tác động tiêu cực. Đáng lưu ý, các tác động tương tác của các yếu tố khác nhau thay vì yếu tố duy nhất, lại quyết định ảnh hưởng của sự cố khủng hoảng đối với con người. Do vậy nhà trường cũng cần hiểu phản ứng của học sinh và nhân viên để đánh giá tác động của khủng hoảng. 

Với định nghĩa trên, chúng ta có thể thấy Trường American Academy đã phải đối đầu với yếu tố rủi ro cá nhân, khi vị nữ phụ huynh đơn phương cho rằng con gái mình bị xâm hại, mà quên rằng khi bạo lực xảy ra tất cả học sinh đều là nạn nhân.

Theo các nhà tâm lý, khi đối mặt với một cuộc khủng hoảng, thông thường học sinh và nhân viên có nhiều phản ứng về cảm xúc, nhận thức, sinh lý, xã hội và hành vi khác nhau. Chắc hẳn Trường American Academy đã có những động thái hỗ trợ cần thiết, nhưng qua livestream chúng ta có thể thấy sự thiếu mềm mỏng - và cả cứng rắn trong giao tiếp của vị hiệu trưởng người nước ngoài trước phản ứng thái quá của vị phụ huynh, đã làm dư luận càng bức xúc khi mọi việc trắng đen chưa rõ ràng.

Vai trò của hiệu trưởng và quy trình quản lý khủng hoảng

Theo lẽ thông thường, hiệu trưởng nhà trường đóng vai trò lãnh đạo và giám sát cao nhất trong việc quản lý khủng hoảng và phải phân công nhiệm vụ một cách hợp lý, nắm bắt tốt tiến trình can thiệp và xử lý các yêu cầu bên ngoài. Trên thực tế, hiệu trưởng có thể chỉ định một hiệu phó hay một giáo viên kinh nghiệm, hoặc một người đã quen thuộc với các hoạt động tổng thể của trường học làm Trưởng ban quản lý khủng hoảng (QLKH).  

Mục tiêu của ban này: a) Đảm bảo sự an toàn của tất cả học sinh và nhân viên; b) Thiết lập lại sự ổn định của các hoạt động ở trường càng sớm càng tốt; c) Đảm bảo tính nhất quán của thông tin trong và bên ngoài trường học và để loại bỏ sự lan truyền của tin đồn; d) Tránh gây ra những tác động tâm lý tiêu cực không cần thiết cho học sinh và nhân viên; e) Xác định đối tượng có nguy cơ để tư vấn và theo dõi; f) Hỗ trợ tinh thần cho học sinh và nhân viên gặp nạn và giúp họ điều chỉnh lại cuộc sống của họ; g) Nâng cao sự phát triển cá nhân của học sinh và nhân viên thông qua việc ứng phó hiệu quả với sự cố khủng hoảng.

Mục tiêu của ban quản lý khủng hoảng

Phần lớn trường quốc tế được sự công nhận của Hội đồng các trường quốc tế (CIS) đều nhận thức rõ tầm quan trọng của ban QLKH và thường tổ chức huấn luyện cho tất cả nhân viên để tiếp thu và củng cố kiến thức và kỹ năng về QLKH. Các trường phải phối hợp các biện pháp quản lý khủng hoảng cần thiết một cách có hệ thống, điều phối nhân viên hiệu quả và triển khai nhân lực khi cần thiết để hỗ trợ học sinh và nhân viên vượt qua khủng hoảng. Từng trường có thể có những cách tiếp cận khác nhau nhưng phần lớn quy trình QLKH thường được tổ chức theo trình tự như sau:

uy trình quản lý khủng hoảng và hỗ trợ tâm lý học đường

STT

Nhiệm vụ

Người phụ trách

Thành viên hỗ trợ

1

Xác minh thông tin

Trưởng Ban QLKH
(Các) giáo viên
liên quan đến
đối tượng học sinh

2

Thông báo cho giám thị trường và cơ quan quản lý

Hiệu trưởng

3

Họp Ban QLKH

Trưởng Ban QLKH
Hiệu trưởng,
các thành viên
Ban QLKH

4

Liên kết với tổ chức bên ngoài để được hỗ trợ

Người phụ trách quan hệ cộng đồng
Giáo viên, nhân viên
có liên quan

5

Hỗ trợ nhân viên - Tổ chức họp để trao đổi thông tin và hỗ trợ cảm xúc

Hiệu trưởng, nhân viên đặc trách
Thành viên Ban QLKH,
tư vấn tâm lý,
tình nguyện viên

6

Hỗ trợ học sinh - Thông báo cho lớp/ Họp lớp

Hiệu trưởng, giáo viên có liên quan
Thành viên Ban QLKH,
tư vấn tâm lý, tình nguyện viên

7

Hỗ trợ phụ huynh - Thông báo/họp phụ huynh

Hội trưởng / phụ trách hội phụ huynh
Hiệu trưởng,thành viên Ban QLKH, tư vấn tâm lý, tình nguyện viên

8

Quản lý truyền thông

Phát ngôn viên

9

Đánh giả QLKH

Trưởng Ban QLKH
Hiệu trưởng, thành viên
Ban QLKH

Nguồn: School Crisis Management, Education Psychology Service, Kowloon, Hong Kong, 2021

Tham khảo nội dung trên, chúng ta có thể thấy Trường Quốc tế American Academy đã thực hiện “đúng quy trình”, khi  việc đầu tiên là xác minh thông tin về vụ việc bạo lực đã xảy ra. Tuy nhiên, dường như trường đã chưa kịp thời thông báo cho phụ huynh về sự cố khủng hoảng và những hỗ trợ trường có thể cung cấp. Trong quá trình tìm hiểu vụ việc, trường đã đảm bảo các nguyên tắc tôn trọng  quyền riêng tư, không tiết lộ thông tin nhận dạng cá nhân, đặc biệt là dữ liệu cá nhân của nạn nhân, chỉ báo cáo sự kiện và tránh đưa ra bất kỳ suy đoán hoặc giả định nào.

 Trong mọi trường hợp, việc ứng xử của cá nhân nào cũng phải đảm bảo sự an toàn của môi trường giáo dục, không phải để phán xử kẻ thắng người thua mà tôn trọng những giá trị nhân bản. 

Các tin khác