Theo thống kê của Bộ TT-TT, đến hết tháng 6-2021, có 829 MXH được cấp phép. Trong đó, số lượng MXH có từ 1 triệu người sử dụng thường xuyên trở lên chiếm dưới 5%. Tổng lượng người sử dụng tại Việt Nam của nhóm 10 MXH hàng đầu có thể đạt tới 80 triệu người (riêng zalo khoảng 60 triệu người).
Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng và phổ biến vẫn còn rất hạn chế so với MXH nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam như facebook, youtube, tiktok... (facebook có khoảng 65 triệu thành viên, youtube khoảng 60 triệu, tiktok khoảng 20 triệu). Có mức độ ảnh hưởng cao đến người dùng nhưng các MXH xuyên biên giới lại chưa được quản lý hiệu quả.
Bộ TT-TT khẳng định các MXH xuyên biên giới này chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Các quy định hiện hành đối với hoạt động cung cấp thông tin, dịch vụ qua biên giới vẫn còn nhiều bất cập. Đây cũng là môi trường tồn tại nhiều thông tin vi phạm pháp luật, lan truyền tin giả, gây mất ổn định xã hội, gây bất bình đẳng với doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Đó là lý do việc quản lý MXH nhất là MXH xuyên biên giới lâu nay vẫn được rất nhiều người quan tâm. Đặc biệt, quản lý các hoạt động livestream để thực sự có được môi trường livestream sạch, công bằng cho người sử dụng.
Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 72 đã đề xuất các MXH đã được Bộ TT-TT cấp giấy phép cung cấp dịch vụ mới có quyền livestream, hoặc các dịch vụ có phát sinh doanh thu. Theo đó, các tài khoản, trang cộng đồng, kênh nội dung trên MXH trong nước hoặc nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam có lượng người theo dõi/đăng ký từ 10.000 người trở lên, phải thông báo thông tin liên hệ với Bộ TT-TT.
Những tài khoản, trang cộng đồng, kênh nội dung trên MXH có lượng người theo dõi/đăng ký dưới 10.000 người không phải thông báo thông tin liên hệ, nhưng nếu muốn livestream hoặc tham gia các dịch vụ có phát sinh doanh thu dưới mọi hình thức phải thông báo với Bộ TT-TT. Theo dự thảo, chỉ các tài khoản đã được định danh 2 lớp (xác thực tài khoản với tên thật và số điện thoại) mới được viết bài, đăng bình luận, livestream, nếu không chỉ được xem tin, bài.
Quy định cho thời hạn để gỡ bỏ nội dung vi phạm đối với video livestream cũng thấp hơn các nội dung vi phạm khác. Với các thông tin vi phạm pháp luật nói chung, các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ mạng phải tiến hành gỡ bỏ trong vòng 24 giờ kể từ khi có thông báo của Bộ TT-TT.
Với livestream vi phạm pháp luật phải được thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ chậm nhất 3 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của Bộ TT-TT. Nếu tất cả quy định này được thực thi hiệu quả, chắc chắn môi trường MXH sẽ được thanh lọc.
Tuy nhiên câu chuyện quản lý các hoạt động trên không gian mạng nói chung và quản lý các MXH xuyên biên giới nói riêng không hề đơn giản. Chúng ta đã từng bàn đến nhiều vấn đề xung quanh các MXH này nhưng rồi dường như đâu lại vào đó.
Đơn cử, việc thu thuế các ông lớn như facebook, google đến nay vẫn chỉ là những quyết tâm như “phải thu được thuế”, hay “bịt lỗ hổng thất thu thuế”… nhưng thực tế cơ quan thuế vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu.
Vì thế, dự thảo lần này có nhiều vấn đề cần được quan tâm. Như con số Bộ TT-TT đưa ra cho thấy lượng tài khoản trên các MXH xuyên biên giới cực lớn, chúng ta có thực sự quản lý hết được hay không. Việc các tài khoản muốn phát livestream phải đăng ký thông tin liên hệ với Bộ TT-TT khó tránh được thông tin giả, vậy việc kiểm chứng sẽ như thế nào.
Hay việc gỡ bỏ nội dung vi phạm là quy định, nhưng liệu có đủ người, đủ thời gian, đủ nhanh nhạy chạy theo quản lý tất cả nội dung vi phạm cần gỡ bỏ. Thực tế không gian mạng rộng, các hoạt động vi phạm nhiều, nhanh, trong khi phản ứng của cơ quan quản lý đôi khi chậm chạp làm sao quản xuể.
Đừng để nghị định ra rồi nhưng thực thi không hiệu quả, hay thực thi theo kiểu “đầu voi đuôi chuột”, ban đầu ráo riết nhưng về sau lại bỏ ngỏ vì thiếu lực lượng.