Nhằm thúc đẩy Thỏa thuận hợp tác công-tư hỗ trợ phát triển ngành dệt may Việt Nam về quản lý hóa chất và chất thải, thông qua chương trình không thải hóa chất độc hại, ngày 13/9, tại Hà Nội, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp cùng Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH) tổ chức Hội thảo “Các giải pháp sử dụng hiệu quả năng lượng, tài nguyên nước và không thải hóa chất độc hại ra môi trường trong ngành dệt may.”
Tham dự hội thảo có các chuyên gia thuộc các tổ chức IDH, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Dày da và túi xách Việt Nam; các chuyên gia kỹ thuật Reset Carbon, Enteam; các doanh nghiệp dệt may và đại diện một số bộ, ngành liên quan.
Phát biểu tại hội thảo, Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường Nguyễn Việt Dũng cho biết, cũng như ở nhiều quốc gia khác, ngành dệt may tại Việt Nam đã gây ô nhiễm, tác động đến môi trường đáng kể.
Để hạn chế tác động xấu đến môi trường trong lĩnh vực này, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương đã xây dựng và thực hiện những chính sách về phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, như xác định các khu vực được phép đầu tư nhà máy dệt nhuộm; yêu cầu xử lý và quan trắc nước thải; xây dựng tiêu chuẩn xả thải mới; tăng cường kiểm tra, thanh tra và xử lý các vi phạm về môi trường…
Giới thiệu về tài liệu “Hướng dẫn quản lý hóa chất hướng tới giảm phát thải hóa chất độc hại trong doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam,” Phó Viện trưởng Viện Khoa học Môi trường Nguyễn Thị Phương Mai đánh giá tính đến năm 2017, số lượng doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam có khoảng 7.000 doanh nghiệp với 2,7 triệu lao động.
Trong lĩnh vực nhuộm, in hoa và hoàn tất có 177 doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp được chuyển đổi dây chuyền hoàn tất bằng thiết bị châu Âu có trình độ tiên tiến, còn hầu hết là dây chuyền cũ hoặc có trình độ trung bình.
Trình độ công nghệ trong ngành dệt nhuộm nói chung chậm hơn các nước trong khu vực từ 15-20 năm.
Số doanh nghiệp sử dụng dây chuyền công nghệ đồng bộ cao chỉ chiếm 15-20%; công nghệ hiện đại, tự động hóa chiếm 10-15%.
Trong khi đó, lượng hóa chất các loại sử dụng trong các doanh nghiệp dệt nhuộm khoảng 500-2.000kg/tấn sản phẩm (ước khoảng 9 triệu tấn/năm), có cả hóa chất dạng vô cơ và hữu cơ là axit, kiềm, dung môi và các loại muối khác nhau.
Đặc biệt, đa số các doanh nghiệp trong ngành dệt may Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ nên thường có phản ứng rất thụ động đối với công tác quản lý hóa chất.
Do đó, việc phát hành tài liệu “Hướng dẫn quản lý hóa chất hướng tới giảm phát thải hóa chất độc hại trong doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam” là một trong những bước đầu tiên, cụ thể để hiện thực hóa chính sách thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn của Chính phủ Việt Nam.
Đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp tuân thủ các quy định của Việt Nam và chính sách quốc tế.
Hội thảo đã tập trung trao đổi về những vấn đề phát triển bền vững ngành dệt may; những quy định mới về môi trường trong các hiệp định thương mại thế hệ mới áp dụng cho ngành dệt may Việt Nam; các quy định về đánh giá môi trường đối với ngành theo Nghị định 40 ngày 13/5/2019 của Chính phủ.
Các đại biểu tham dự cũng chia sẻ, bàn về các giải pháp áp dụng sản xuất sạch hơn và quản lý hóa chất độc hại trong ngành dệt may; tạo sự kết nối giữa các doanh nghiệp để họ có cái nhìn sâu sắc hơn về các giải pháp sử dụng hiệu quả nguyên liệu, hóa chất để tiết kiệm chi phí tài chính và bảo vệ môi trường.