Bộ Công Thương và Bộ Tài chính "đẩy qua đẩy lại" việc quản lý xăng dầu
Tại dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu đang được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến, cơ quan này đề xuất trao lại quyền điều hành giá xăng dầu về Bộ Tài chính.
Bộ Công Thương nêu: Bộ Công an quản lý về phòng chống cháy nổ xăng dầu, Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý về chất lượng, tiêu chuẩn xăng dầu, còn quản lý nguồn cung và giá là Bộ Công Thương và Tài chính đảm trách... Bộ Công Thương lập luận, nếu giữ nguyên các quy định hiện nay về điều hành, quản lý với xăng dầu sẽ đúng với phân công nhiệm vụ của các Bộ từ nhiều năm qua. Trong đó, điều hành giá xăng dầu, Bộ Tài chính rà soát, hướng dẫn xác định các chi phí và công bố cho Bộ Công Thương tính toán giá cơ sở. Tuy nhiên, khi có vấn đề phát sinh, như thời điểm thị trường thiếu hụt nguồn cung cuối năm 2022, sự phối hợp giữa các Bộ, ngành xử lý vấn đề trong điều hành chưa được chặt chẽ, lúng túng.
Vì thế, Bộ Công Thương đề nghị nên đưa về một đầu mối điều hành giá xăng dầu, cũng như rà soát, hướng dẫn và tính toán các chi phí kinh doanh xăng dầu là Bộ Tài chính. Bộ Công Thương chỉ là đơn vị phối hợp thực hiện theo chức năng nhiệm vụ được giao.
Trước đó, tại kỳ họp Quốc hội hồi tháng 10/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã đề xuất chuyển quyền quản lý xăng dầu về một đầu mối thống nhất là Bộ Công Thương, gồm việc điều hành giá, chi phí kinh doanh định mức... Ngay sau đó, Chính phủ đã thống nhất giao Bộ Công Thương xem xét đề xuất này để đưa vào dự thảo sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 về quản lý thị trường xăng dầu.
Liên quan tới đề xuất của Bộ Công Thương, trả lời báo chí tại họp báo thường kỳ quý IV/2022 và phương hướng nhiệm vụ cho quý I/2023 của Bộ Tài chính mới đây, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho rằng, Bộ Công Thương chủ trì soạn thảo sửa đổi Nghị định 95 và có đưa ra các đề xuất, điều này là bình thường. Các đề xuất sau đó được đưa ra thảo luận, lấy ý kiến dư luận, rồi các cơ quan quản lý phối hợp quản lý hiệu quả, tốt hơn.
Thứ trưởng Bộ Tài chính khẳng định: "Quan điểm Bộ Tài chính là thị trường xăng dầu cần một cơ quan đầu mối quản lý để chủ động điều hành và quy rõ trách nhiệm. Và những quan điểm này chúng tôi đã nêu ra tại Quốc hội, quyết định cuối cùng là của Chính phủ. Chính phủ sẽ cân nhắc cơ quan nào sát sao, đúng chức năng nhiệm vụ và đúng chuyên môn thì giao việc".
"Nếu Chính phủ tiếp tục giao Bộ Công Thương, Bộ Tài chính sẽ phối hợp tốt nhất. Nếu trong trường hợp khác, Bộ Tài chính cũng luôn chấp hành phân công của Chính phủ. Dù giao cho bất kỳ cơ quan nào quản lý đi nữa, giá và thị trường xăng dầu cũng phải điều hành tốt”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.
Đề xuất của Bộ Công Thương là không hợp lý
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VOV, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, đề xuất đưa quản lý xăng dầu sang Bộ Tài chính là không hợp lý.
Theo ông Thịnh, trước đây, Bộ Tài chính đã có giai đoạn quản lý mặt hàng xăng dầu và việc quản lý này thực hiện rất chặt chẽ, tuy nhiên, trong bối cảnh chiến tranh biên giới tây Nam, phía Bắc, xăng dầu là mặt hàng an ninh, chiến lược, phục vụ quân sự là chính yếu. Sau đó, nền kinh tế thị trường phát triển, Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương quản lý mặt hàng xăng dầu, Bộ Tài chính cùng 6 Bộ khác tham gia cùng, nhưng Bộ Công Thương vẫn chịu trách nhiệm quản lý chính.
“Bộ Công Thương quản lý cả nguồn cung xăng dầu nhập khẩu, phân giao xăng dầu thành phẩm. Kể cả nếu như Việt Nam có lọc được xăng dầu thì Bộ Công Thương về chức năng nhiệm vụ, cũng là cơ quan quản lý nhập khẩu dầu thô. Bộ Công Thương quản lý xuất nhập khẩu, quản lý doanh nghiệp đầu mối, quản lý thương nhân trung gian… và cũng là người quản lý doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu (qua Sở Công Thương). Trong thực tế, quản lý hay kết cấu thị trường là Bộ Công Thương, vì đây là vấn đề thương mại thông thường, Bộ Tài chính chỉ quản lý và điều hành giá, nên trước sau gì Bộ Công Thương cũng là người quản lý toàn diện”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh phân tích.
Do đó, ông Thịnh cho rằng, việc Bộ Tài chính đề xuất Bộ Công Thương quản lý toàn diện là có lý do. Còn việc đề xuất cho Bộ Tài chính quản lý toàn bộ thị trường xăng dầu thì không hợp lý, Bộ Tài chính không làm được và không có kỹ năng nghiệp vụ về thương mại, kinh doanh để quản lý thị trường xăng dầu.
“Nếu không chuyển hết về Bộ Công Thương mà cứ để hiện tượng như hiện nay thì rất khó giải quyết tận gốc và truy trách nhiệm bộ ngành khi xảy ra sự cố được”, ông Thịnh nhấn mạnh, đồng thời cho rằng “Rất không nên đá qua đá lại như thế. Việc đá qua đá lại giữa 2 bộ là không đáng có”.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Trần Văn Lâm, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, đề xuất giao toàn bộ việc điều hành giá xăng dầu, tính toán các chi phí kinh doanh xăng dầu cho Bộ Tài chính là không phù hợp và quan điểm này đi ngược với chủ trương của Luật Giá (sửa đổi) dự kiến được thông qua vào kỳ họp Quốc hội tháng 5/2023.
Theo ông Lâm, trong Luật Giá, có một chủ trương, định hướng rất quan trọng, đó là phân cấp, phân quyền trong vấn đề quản lý giá cho các bộ, ngành, địa phương. Tức là lĩnh vực hàng hoá do bộ ngành nào quản lý, bộ đó mới nắm sâu được, xem xét các yếu tố đầu vào để quyết định giá; lĩnh vực do bộ ngành nào phụ trách thì sẽ giao trực tiếp về cho bộ đó. Ví dụ như thuốc men, Bộ Y tế xác định giá tốt hơn Bộ Tài chính vì Bộ Y tế biết một sản phẩm thuốc có cấu phần như thế nào. Hay như giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo, lĩnh vực xăng dầu cũng tương tự như vậy.
“Nghiệp vụ giá là thuộc về Bộ Tài chính nhưng tới đây Luật Giá sẽ minh bạch, làm rõ hơn yếu tố này để hoàn toàn trách nhiệm thuộc Bộ Công Thương. Khi Luật Giá sửa đổi được thông qua, lĩnh vực nào do bộ ngành nào phụ trách thì sẽ giao trực tiếp về cho bộ đó. Bộ Tài chính sẽ chỉ mang tính chất hướng dẫn về nghiệp vụ cho bộ, ngành", ông Trần Văn Lâm nêu rõ.