Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khoá XI, công tác bảo vệ môi trường đã được chú trọng, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, bước đầu hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế, yếu kém, trong đó một số loại tài nguyên bị lạm dụng, khai thác quá mức dẫn đến suy thoái, cạn kiệt. Ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục gia tăng, nhất là tại các khu đô thị lớn.
Quản lý tài nguyên còn yếu kém, gây bức xúc
Tại phiên họp vào đầu tháng Tám, sau khi nghe Ban Chỉ đạo sơ kết Nghị quyết Trung ương báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khoá XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường và ý kiến của các cơ quan liên quan, Bộ Chính trị đã thảo luận và đưa ra kết luận: Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết, các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể các cấp đã nghiêm túc triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Nhận thức trong hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân về chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường được nâng lên. Tổ chức bộ máy, hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách từng bước được hoàn thiện.
Đặc biệt, năng lực phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu được nâng lên một bước. Tài nguyên thiên nhiên được quản lý chặt chẽ hơn, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả hơn. Công tác bảo vệ môi trường được chú trọng, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, bước đầu hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, Bộ Chính trị khẳng định vẫn còn những hạn chế, yếu kém. Đơn cử là, biến đổi khí hậu diễn biến nhanh hơn dự báo, gây hậu quả ngày càng lớn. Khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai còn thấp, nền kinh tế dễ bị tổn thương và chịu thiệt hại lớn khi có thiên tai xảy ra.
Vấn đề gây bức xúc nhất là quản lý tài nguyên thiên nhiên còn nhiều yếu kém, sử dụng chưa hiệu quả, nhất là tài nguyên đất đai, tài nguyên nước, một số loại tài nguyên bị lạm dụng, khai thác quá mức dẫn đến suy thoái, cạn kiệt. Ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục gia tăng, nhất là tại các khu đô thị, thành phố lớn, ảnh hưởng lớn tới đời sống, sinh hoạt của người dân, trở thành vấn đề bức xúc của xã hội.
Theo kết luận, những hạn chế, yếu kém nêu trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng do nguyên nhân chủ quan là chính. Cụ thể là, nhận thức và ý thức trách nhiệm của một số cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên chưa đầy đủ. Bộ máy quản lý nhà nước còn bất cập, hệ thống pháp luật, công cụ quản lý thiếu đồng bộ, còn phân tán, chồng chéo, thực thi kém hiệu quả; thiếu nguồn lực để thực hiện các chương trình, đề án, nhiệm vụ đề ra.
Bên cạnh đó, công tác quản lý, phương thức tiếp cận về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường chậm được đổi mới. Nhiều quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chưa được lồng ghép, thực hiện gắn với yêu cầu ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường làm gia tăng tác động tiêu cực của thiên tai.
Hiện nay, vẫn còn tình trạng thu hút đầu tư thiếu chọn lọc, không cân nhắc, xem xét các yếu tố, tiêu chí về môi trường. Việc triển khai nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ gắn với yêu cầu ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường còn chậm. Công tác thanh tra, kiểm tra thực thi pháp luật về tài nguyên, bảo vệ môi trường chưa đáp ứng yêu cầu.
Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được cũng như những khó khăn còn tồn tại, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan tiếp tục tổ chức thực hiện quyết liệt các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã nêu trong Nghị quyết; nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm về chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Xác định môi trường không chỉ là không gian sinh tồn của con người, mà còn là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Vì thế, tuyệt đối không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế; thực hiện sàng lọc, lựa chọn đầu tư phát triển dựa trên các tiêu chí về môi trường xanh.
Song song với việc nâng cao nhận thức, là việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đặc biệt là sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013, Luật Khoáng sản năm 2010, Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013, Luật Đê điều năm 2006, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010... theo hướng khắc phục các chồng chéo, xung đột pháp luật, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, bổ sung các quy định mới nhằm tạo môi trường pháp lý đầy đủ.
Các cấp cần chủ động tăng cường, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, tranh thủ các nguồn lực của cộng đồng quốc tế trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật, đấu tranh phòng, chống tội phạm về tài nguyên, môi trường.
Kết hợp xử lý hành chính, hình sự với áp dụng công cụ kinh tế, thị trường để bảo đảm thực thi hiệu quả các chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Rà soát, điều chỉnh các quy định xử lý vi phạm theo hướng nâng cao hơn mức xử phạt.
Giải pháp trước mắt là tăng cường các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát đối với các dự án đầu tư, cơ sở sản xuất có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường. Có chính sách hạn chế sản xuất, nhập khẩu và sử dụng đồ nhựa có tính năng sử dụng một lần trên toàn quốc. Tăng cường năng lực quan trắc, giám sát, cảnh báo ô nhiễm môi trường. Thực hiện các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính.
Để thực hiện tốt những nhiệm vụ nêu trên, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp uỷ, cơ quan, tổ chức đảng các cấp tiếp tục chỉ đạo tổ chức thực hiện các nội dung của Nghị quyết và Kết luận, tạo sự thống nhất cả trong nhận thức và hành động. Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo, chỉ đạo việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng các văn bản pháp luật có liên quan, hình thành khuôn khổ pháp lý đủ mạnh, thống nhất, để phòng, chống thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo rà soát, xây dựng các văn bản dưới luật; lồng ghép các nhiệm vụ về ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn đến năm 2030 và tổ chức thực hiện; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia và giám sát việc thực hiện Nghị quyết và chính sách, pháp luật phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết Nghị quyết và Kết luận này, định kỳ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư...