Trong đó, công nghiệp, xây dựng là động lực cho tăng trưởng kinh tế với mức tăng 11%. Kim ngạch xuất khẩu cũng tăng 23% so với cùng kỳ năm 2017 với 8 loại mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Mặt bằng lãi suất tương đối ổn định và chỉ số giá tiêu dùng bình quân được kiểm soát tốt ở mức tăng 2,82%.
Theo đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, giá cả và lạm phát trong tầm kiểm soát, chỉ số tài chính tiền tệ đều tích cực, mặt bằng lãi suất ổn định, thanh khoản tốt, thị trường chứng khoán tăng trưởng ổn định. Công nghiệp - xây dựng là động lực cho tăng trưởng kinh tế với mức tăng 11%, và đóng góp mạnh nhất là công nghiệp chế biến chế tạo.
Trong khi nông nghiệp tiếp tục duy trì tăng trưởng khi tận dụng được những thuận lợi từ thời tiết và quá trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp; thủy sản có nhiều khởi sắc cả về khai thác và môi trường. Lĩnh vực dịch vụ cũng diễn biến sôi động, sức mua tăng mạnh nhờ ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó chi tiêu cá nhân ngày càng tăng.
Đặc biệt, xuất khẩu tiếp tục khởi sắc với nhiều đơn hàng lớn được ký. Tính chung kim ngạch xuất khẩu quý I ước đạt 33,62 tỷ USD tăng 23% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó đã có 8 loại mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 32,54 tỷ USD, tăng 13,6%. Như vậy quý I đã xuất siêu 1,1 tỷ USD.
Trong 3 tháng đầu năm, cả nước có 26.800 DN thành lập mới - mức cao nhất trong vòng 7 năm qua. Bộ Kế hoạch và Đầu tư hy vọng số lượng DN thành lập mới trong năm sẽ vượt con số 126.000 DN của năm 2017, thu hút vốn đầu tư đạt khá, nhất là giải ngân vốn FDI. Với kết quả này, tăng trưởng GDP của năm 2018 có thể đạt ở mức 6,7- 6,8%.
Kết quả trên càng ấn tượng hơn khi cùng kỳ năm trước, tăng trưởng GDP quý I đạt thấp nhất trong 3 năm trước đó, với mức tăng 5,1%. Nhưng năm nay, GDP đã tăng tốc ngay từ đầu năm với mức tăng tương đương nửa cuối năm 2017. Như vậy, Thông điệp không được kéo dài tình trạng “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả” của Thủ tướng Chính phủ đã truyền tải đến nhiều bộ, ngành, địa phương và được cụ thể hóa tại Nghị quyết 01 được ban hành đúng ngày 1-1-2018
Điều đáng mừng là chất lượng tăng trưởng đã có nhiều cải thiện. Báo cáo của các tổ chức trong nước cho thấy, xuất khẩu của cả khối DN trong nước và DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đều tăng cao. Đặc biệt trong tháng 2, tăng trưởng xuất khẩu của khối DN trong nước cao hơn khối DN FDI, một chỉ số báo hiệu tích cực cho thấy sự phục hồi của khối DN Việt Nam.
Tuy vậy, các chuyên gia cũng lưu ý chỉ số lao động đang giảm xuống. Tổng vốn FDI đăng ký mới và tăng vốn 3 tháng đầu năm giảm là thách thức cho năm 2018 trong việc duy trì tốc độ thu hút nguồn vốn này, đặc biệt ở các dự án quy mô lớn sử dụng nhiều lao động để gia tăng việc làm và thu nhập, từ đó có thể kéo sức cầu tiêu dùng. Tín hiệu chững lại của dòng vốn FDI cần phải được quan tâm đặc biệt để có những chính sách mới nhằm vực dậy dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Vấn đề đặt ra là năm 2017 tăng trưởng GDP đạt 6,81%, cao nhất trong 10 năm qua, nhưng có đến 50% số DN tư nhân thua lỗ. Đây là một thực tế rất đáng suy ngẫm trong bối cảnh kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng khả quan và môi trường kinh doanh đang có nhiều cải thiện.
Điều này cho thấy, không có ổn định kinh tế vĩ mô, DN chỉ đầu tư ngắn, lướt sóng vào các kênh đem lại lợi cao trong ngắn hạn như bất động sản, vàng, chứng khoán; khi cơ hội qua đi thì bán tháo, tác động ngay đến lạm phát, lãi suất, tăng trưởng. Hoặc việc trong các quý II, III-2017 tăng trưởng bứt phá hơn hẳn là nhờ công nghiệp chế biến chế tạo, cụ thể là hãng Samsung trình làng sản phẩm Galaxy Note 8 và bán chạy. Nhưng sang đến quý IV, yếu tố đột biến mất đi đã kéo theo sự đột biến tăng trưởng không còn.
Vì thế, kết quả 3 tháng đầu năm chưa đủ cơ sở để khẳng định GDP sẽ phát triển ở tốc độ nào, để dự báo chắc chắn GDP 2018 cao hơn 6,5% hay không, vì nền kinh tế thế giới đang có những biến chuyển mạnh. Bên cạnh đó, những vấn đề đang tồn tại như tái cơ cấu ngân sách, đầu tư công, tái cơ cấu ngân hàng… đòi hỏi phải có những giải pháp quyết liệt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, sau đó là kiểm soát lạm phát, và cuối cùng mới là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Điều này đòi hỏi cần tiếp tục có những nghiên cứu chuyên sâu để giúp việc cải cách kinh tế và điều hành có hiệu quả và hiệu lực cao. Có như vậy mới thúc đẩy nền kinh tế vượt qua thách thức mới và đạt được nhiều thành tựu về chất trong năm 2018. Và quan trọng là tăng trưởng ổn định, chứ không phải tăng đột biến.