Các yếu tố tác động giá
Nguồn cung quặng sắt trong nước chỉ đủ đáp ứng 30% nhu cầu tiêu thụ của ngành sản xuất thép, nên mỗi năm Việt Nam cần nhập khẩu quặng sắt để phục vụ cho nhu cầu phát triển ngành thép.
Tuy nhiên do chi phí quặng sắt thường chiếm tỷ lệ từ 20-30% giá vốn sản xuất của ngành thép, nên diễn biến tăng/giảm của giá quặng sắt là mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp trong ngành vì nó có tác động không nhỏ tới lợi nhuận kinh doanh hàng năm. Kể từ tháng 4-2020, giá quặng sắt (62% FE) trên sàn SGX đã tăng liên tục từ mức đáy 78USD/tấn và thiết lập mức giá đỉnh 226,85USD/tấn vào ngày 12-5-2021, tương ứng tăng 190,8%.
Sau khi thiết lập mức đỉnh trong tháng 5-2021, giá quặng sắt đã lao dốc mạnh và thiếp lập mức đáy 88,5USD/tấn vào ngày 10-11-2021, tương ứng giảm 61%. Nguyên nhân của các đợt tăng/giảm giá mạnh này bởi cuộc chiến tranh thương mại diễn ra giữa Trung Quốc (quốc gia nhập khẩu quặng sắt lớn nhất thế giới) và Australia (quốc gia xuất khẩu quặng sắt lớn nhất thế giới).
Trung bình mỗi năm, giá quặng sắt thế giới biến động khoảng 50% với nguyên nhân đến từ các yếu tố ảnh hưởng như: trữ lượng dự trữ quặng sắt của thế giới, sức mạnh đồng AUD (đô la Australia) so với đồng USD, nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc.
Theo Statista, trữ lượng quặng sắt thế giới tính đến năm 2020 vào khoảng 82 tỷ tấn. Trong đó, Australia là nước chiếm tỷ trọng nhiều nhất, với 29,3%, tương đương 24 tỷ tấn. Kế đó là Brazil với 15 tỷ tấn (18,3%); Nga 14 tỷ tấn (17,1%); Trung Quốc 6,9 tỷ tấn (8,4%); Ấn Độ 3,4 tỷ tấn (4,1%); Ukraine 2,3 tỷ tấn (2,8%); Canada 2,3 tỷ tấn (2,8%); Iran 1,5 tỷ tấn (1,8%); Mỹ 1 tỷ tấn (1,2%) và các quốc gia khác 11,6 tỷ tấn (14,2%).
Triển vọng giá năm 2022
Hiện tại giá quặng sắt (62% Fe) trên sàn SGX đã đi lên từ mức đáy 88,5USD/tấn. Tính đến 23-12-2021, giá đang giao dịch quanh mức 115USD/tấn, tương ứng tăng gần 30% chỉ trong vòng hơn 1 tháng. Nguyên nhân do thị trường kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ tăng trở lại tại Trung Quốc, sau sự cố vỡ nợ của tập đoàn bất động sản Evergrande, cũng như nguồn cung cấp điện đã giảm tình trạng căng thẳng, giúp phục hồi hoạt động sản xuất thép.
Tuy nhiên, nhìn xa hơn thì các yếu tố gây bất lợi đối với giá quặng sắt vẫn còn hiện hữu. Với mối tương quan nghịch cao với tỷ giá AUD/USD, xu hướng tăng giá của USD vẫn còn tiếp tục và gây áp lực giảm giá lên quặng sắt. Nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc vẫn là yếu tố không chắc chắn, khi biến chủng virus mới Omicron đang còn là ẩn số. Trong khi Trung Quốc lựa chọn chiến lược Zero Covid nên hoạt động sản xuất khó có thể trở lại trong thời gian sớm, do đó nhu cầu đối với quặng sắt chưa thể phục hồi vững.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang thúc đẩy việc cắt giảm khí thải carbon theo như cam kết trong Hội nghị biến đổi khí hậu COP26, dẫn tới hạn chế sử dụng nguồn năng lượng từ than đá. Những điều này đều ảnh hưởng tới nhu cầu sử dụng quặng sắt cho hoạt động sản xuất thép của Trung Quốc.
Các nhà phân tích tại CITIC Futures nhận định rằng, nhu cầu quặng sắt sẽ giảm dần do thị trường bất động sản khá yếu và các nhà máy thép cũng có xu hướng sử dụng tái chế thép phế liệu thay vì sản xuất thép từ quặng sắt. Các hãng phân tích lớn cũng đều có nhận định tiêu cực đối với giá quặng sắt trong năm 2022. Hãng UBS nhận định giá quặng sắt sẽ đạt trung bình ở mức 85USD/tấn.
Trong khi đó Citigroup dự báo giá trung bình sẽ là 96USD/tấn và Capital Economics dự báo giá quặng sắt sẽ giao dịch ở mức 70USD/tấn vào cuối năm 2022. Các mức dự báo này đều thấp hơn khá nhiều so với mức giá quặng sắt 115USD/tấn đang giao dịch hiện tại trên sàn SGX.