Quốc hội vẫn chưa nhận được hồ sơ dự án Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi

(ĐTTCO) - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết dự án Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi dù dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, nhưng đến nay vẫn chưa có hồ sơ dự án.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp chuyên đề pháp luật
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp chuyên đề pháp luật

Sáng nay, 12-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) bắt đầu phiên họp chuyên đề pháp luật. Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lý giải, phiên họp diễn ra trong 2,5 ngày, trống 0,5 ngày làm việc (chương trình ban đầu là 3 ngày), là do dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) dù dự kiến trình UBTVQH cho ý kiến nhưng đến nay vẫn chưa có hồ sơ dự án.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ dù đã đôn đốc nhiều lần nhưng vẫn xảy ra tình trạng chậm gửi hồ sơ, tài liệu dự án luật. Trong thời gian 2,5 ngày làm việc, Chủ tịch Quốc hội lưu ý về 3 dự án luật trong Chương trình xây dựng luật pháp lệnh 2023 để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 gồm: Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Viễn thông (sửa đổi) và Luật Căn cước công dân (sửa đổi).

Về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu tập trung cho ý kiến về phạm vi điều chỉnh; nghiên cứu kỹ lưỡng vấn đề tính thống nhất của hệ thống pháp luật. “Sửa đổi là cần thiết, nhưng phải tránh việc gỡ vướng mắc này lại tạo ra những vướng mắc khác”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Với dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Tần số vô tuyến điện và dự kiến tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Nếu sửa đồng bộ được Luật Viễn thông thì sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi cho phát triển về công nghệ thông tin cũng như quá trình chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, công dân số và xã hội số ở Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý bảo đảm sự thống nhất với các luật như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và phù hợp với các cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA.

Về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại phiên họp thường kỳ thứ 21 (tháng 3) vừa qua, UBTVQH đã nhất trí bổ sung dự án luật này vào Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh 2023 để trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 6.

Nhận định đây là dự án luật rất quan trọng, liên quan đến đông đảo nhân dân và cử tri, Chủ tịch Quốc hội đề nghị phân tích rõ thêm tính hợp lý, khả thi, sự phù hợp của quy định trong dự thảo luật với đường lối, chủ trương của Đảng, cân nhắc kỹ lưỡng tác động của các chính sách mới được đề xuất đối với việc đảm bảo thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công dân.

Các tin khác