Quy định phá sản nhưng không để phá sản

(ĐTTCO) - Khi thảo luận, xem xét dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, có khá nhiều ý kiến đề nghị cần rà soát kỹ các quy định liên quan đến “kiểm soát đặc biệt” và phương án cơ cấu lại các TCTD được kiểm soát đặc biệt.
 
Việc này bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với quy định của Luật NHNN Việt Nam, Luật Doanh nghiệp và Luật Phá sản, cũng như các quy định pháp luật có liên quan. ĐTTC đã trao đổi với TS. TRẦN DU LỊCH, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính- tiền tệ quốc gia, xung quanh vấn đề này
Sửa chỉ mang tính tạm thời
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, quan điểm của ông như thế nào về việc sửa đổi Luật Các TCTD?
 Để khắc phục tình trạng yếu kém, đặc biệt là vấn đề đạo đức kinh doanh của người chủ NH, trước hết phải tái cấu trúc lại hệ thống các TCTD hiện nay. Đồng thời siết chặt kỷ cương trong hoạt động, kiểm soát dòng tiền và nhất thiết phải xử lý dứt điểm những chủ NH đẻ ra các công ty con bên ngoài núp bóng để vay tiền của chính NH mình. Dĩ nhiên, trong khắc phục đồng bộ có việc sửa đổi Luật Các TCTD để tạo khung pháp lý thúc đẩy quá trình tái cơ cấu. 
TS. TRẦN DU LỊCH: - Tôi đồng tình với việc phải sửa đổi Luật Các TCTD năm 2010. Bởi khi Quốc hội khóa XII thông qua Luật Các TCTD, hoạt động của hệ thống NHTM dù chưa xảy ra những nguy cơ đổ vỡ như giai đoạn 2011-2012, nên chưa dự liệu hết vấn đề phát sinh, xử lý những vướng mắc trong quá trình tái cơ cấu hệ thống NHTM.
Luật chưa nhìn bao quát được nhiều vấn đề như tình trạng xử lý các NH thua lỗ yếu kém, phương án phục hồi, chuyển giao bắt buộc, giải thể cũng như củng cố TCTD được kiểm soát đặc biệt như thế nào… Bên cạnh đó, khung pháp lý để bảo đảm minh bạch trong quản lý và tạo điều kiện cho các TCTD tuân thủ pháp luật còn có nhiều chỗ trống. 
Luật Các TCTD liên quan đến Luật NHNN Việt Nam, tức quyền hạn, trách nhiệm quản lý nhà nước của NH Trung ương, vì thế để xây dựng đồng bộ hệ thống pháp luật này là vấn đề lâu dài. Do vậy, lần này phạm vi sửa đổi Luật Các TCTD như giải trình của Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chỉ sửa một số điều mang tính cấp bách để hoàn thiện khung pháp lý xử lý các TCTD yếu kém, hạn chế ngăn ngừa những TCTD yếu kém mới phát sinh và xử lý những vướng mắc bất cập trong quá trình tái cơ cấu lại các TCTD.
Còn việc sửa đổi toàn diện, kể cả Luật NHNN, theo tôi sau khi hoàn thành quá trình tái cơ cấu các TCTD giai đoạn 2016-2020 phải tổng kết toàn diện lại quá trình phát triển, quản lý các TCTD, đặc biệt là NHTM. Trên tinh thần đó, chúng ta rà soát, xây dựng lại một cách đồng bộ kể cả Luật Các TCTD và Luật NHNN.
- Theo dự án luật có 5 phương án cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt, trong đó có phương án chuyển giao bắt buộc. Chính phủ cũng nói không dùng biện pháp mua 0 đồng mà sẽ thực hiện chuyển giao bắt buộc. Nhưng có ý kiến cho rằng bản chất của 2 giải pháp này như nhau, chỉ khác về cách nói. Ông bình luận gì về vấn đề này?
- Lúc NHNN tiến hành mua NH 0 đồng đã có nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, việc NHNN mua lại các NH 0 đồng là chuyển giao cho NHNN quản lý những NH đứng trước nguy cơ đổ vỡ. Thời điểm đó không có một định chế tài chính, doanh nghiệp hay cá nhân nào, chỉ có NHNN tạo được niềm tin trong việc mua và cơ cấu lại các NH này để người dân không ồ ạt rút tiền khỏi các NH đó. Cách làm của NHNN xử lý NH 0 đồng là cần thiết, nhưng xét về mặt pháp lý không chặt chẽ. 
Chính vì vậy, lần này tờ trình sửa đổi Luật Các TCTD năm 2010 đưa ra 5 phương án để tổ chức lại các TCTD lâm vào tình trạng phải kiểm soát đặc biệt, gồm phương án phục hồi; phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp, cổ phần đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt; phương án giải thể; phương án chuyển giao bắt buộc và phương án phá sản. Lần này, phương án chuyển giao bắt buộc cho NHNN như cách gọi thông thường là mua 0 đồng được quy định chặt chẽ hơn và trong luật cũng tập trung vào những điểm này. Do đó, có thể nói bản chất 2 vấn đề giống nhau, nhưng sẽ xử lý những vấn đề pháp lý không chặt chẽ bằng các quy định.

Tránh đổ vỡ hệ thống
- Một lần nữa vấn đề cho NH phá sản lại nóng trong kỳ họp Quốc hội khi dự án luật dành riêng một mục quy định về phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt. Ý kiến của ông ra sao?
- Vào thời điểm thông qua Luật Phá sản, cách hiểu về phá sản cũng không giống nhau. Lần này, khi dự án luật đưa ra 5 phương án để xử lý các TCTD được kiểm soát đặc biệt, trong đó phương án cuối cùng là phá sản, có thể hiểu theo nghĩa TCTD được kiểm soát đặc biệt được thực thi những thủ tục theo quy định của Luật Phá sản. Tuy vậy, TCTD khác với doanh nghiệp bình thường. TCTD kinh doanh tiền gửi của công chúng nên ở đây quản lý nhà nước phải có việc bảo vệ quyền lợi người gửi tiền. 
Vấn đề nữa là phải tránh đổ vỡ hệ thống. Hệ thống NH các NHTM cũng như bức tường gồm nhiều viên gạch, khi rút 1 viên gạch ra sẽ có nguy cơ đổ vỡ cả bức tường. Do đó, cho phá sản NHTM là việc chẳng đặng đừng. Khi áp dụng phương án phá sản, bảo hiểm tiền gửi sẽ chia sẻ rủi ro cho người gửi tiền, bởi đây là bảo hiểm cho công chúng có yếu tố xã hội như cán bộ hưu trí, người dân liên quan đến đời sống của họ. Nghĩa là tiền đó không phải kinh doanh tiền tệ.
Song một thời gian dài, Luật Bảo hiểm tiền gửi quy định số tiền bảo hiểm tối đa 50 triệu đồng cho 1 khoản tiền gửi nếu NH phá sản và theo quy định hiện hành 75 triệu đồng. Đây là mức quá thấp. Nhưng muốn nâng lên lại vướng, vì cơ sở để bảo hiểm tiền gửi đưa ra mức bồi thường này là tại 1 TCTD, trong khi đa số người gửi tiền là cán bộ hưu trí, người dân gửi mức tiền thấp nên chỉ bảo hiểm các đối tượng này. Chính vì vậy trong hoạt động hơn 30 năm qua, bảo hiểm tiền gửi chỉ mới xử lý các TCTD là những hợp tác xã tín dụng nông thôn, những định chế tín dụng vi mô, còn NHTM chưa xử lý phá sản để áp dụng trường hợp này. 
Trở lại với quy định phương án thứ 5 là phá sản cũng chỉ là quy định dự kiến rủi ro, phòng ngừa rủi ro để củng cố theo 4 phương án trước, không phải tập trung cho phá sản. Khi phải để 1 TCTD phá sản, NHNN cũng cân nhắc các yếu tố tác động nhiều mặt, không thể phá sản đơn giản được nên không thể nghĩ rằng có quy định này sẽ cho phá sản dễ dàng, ảnh hưởng đến quyền lợi người gửi tiền. Ở các nước, các NH yếu kém được áp dụng phương án sáp nhập, mua lại, thậm chí NH Trung ương đứng ra đỡ đầu một thời gian để củng cố sau đó bán lại. Còn TCTD có thể phá sản chủ yếu nhỏ, định chế tài chính vi mô.
- Nhìn lại các vụ đại án liên quan TCTD đã xét xử những năm gần đây, khó khăn nhất là việc giải quyết, xử lý hậu quả các TCTD yếu kém và pháp lý của những người có liên quan. Theo ông cần có giải pháp gì để khắc phục?
- Phải nói rằng trong quá trình đi vào kinh tế thị trường, hệ thống các TCTD có sự đổi mới và phát triển rất nhanh, rất mạnh và một phần đã hiện đại hóa về phương diện quản lý, việc tiếp cận thông lệ quốc tế trong kinh doanh. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển đó, hệ thống TCTD đã có những yếu kém, quan trọng nhất là quản lý yếu kém và vấn đề đạo đức kinh doanh của người chủ NH.
Tôi không nói tất cả mà chỉ một bộ phận, nhưng hệ quả nghiêm trọng mà vụ án NHTM vừa qua là minh chứng rõ nét. Ở đây cũng có nguyên nhân kiểm soát, quản lý yếu kém của Nhà nước. Nhưng về mặt chính vẫn là đạo đức kinh doanh, tức tinh thần tuân thủ pháp luật, tình trạng sở hữu chéo hay bằng mọi cách để “vẽ đường cho hươu chạy”. 
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác