Thí dụ, doanh nghiệp Mỹ hoạt động ở Việt Nam phải nộp báo cáo lợi nhuận của cả công ty mẹ. Quy định của Nghị định 132 nghe có vẻ sẽ kiểm soát được hoạt động của doanh nghiệp có giao dịch liên kết đang hoạt động ở Việt Nam. Nhưng nếu nhìn sâu hơn sẽ thấy nó không khả thi, không tác dụng, phải kết hợp rất nhiều biện pháp mới có thể đấu tranh được.
Đáng lưu ý, nghị định này đã “đánh nhầm” các doanh nghiệp không có yếu tố chuyển giá. Trong khi với doanh nghiệp có yếu tố chuyển giá liên quan đến nước ngoài, nghị định này chỉ là điều kiện cần, chưa đủ. Chúng ta cần kết hợp với nhiều biện pháp kỹ thuật, ngoại giao và pháp lý khác mới có khả năng bóc tách để thu thuế. Việc yêu cầu nộp báo cáo lợi nhuận của cả công ty mẹ chỉ là biện pháp hỗ trợ thêm.
Năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Trong đó, Khoản 3, Điều 8 quy định: “Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ, khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế”. Với chi phí lãi vay, nếu doanh nghiệp chi đúng, chi thật, hợp lý, hợp lệ, không có lý do gì để bị loại trừ. Việc loại trừ chỉ được đặt ra trong trường hợp mọi thứ đều hợp pháp, hợp lệ, nhưng có hoạt động chuyển giá, chuyển hết lợi nhuận ra nước ngoài, trên cơ sở hợp thức hóa bằng các giao dịch liên kết.
Không thể lý luận chính sách thuế này áp dụng chung cho mọi doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Vì điểm cốt yếu ở đây không phải áp dụng với doanh nghiệp có giao dịch liên kết hay có chi phí lớn, mà là có chuyển giá hay không. Giới hạn này cần thiết đối với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có doanh thu cao, thị phần lớn, tăng trưởng mạnh, lợi nhuận lớn nhưng không nộp thuế doanh nghiệp vì cứ hạch toán lỗ. Doanh nghiệp nào không có yếu tố chuyển giá sẽ không đủ điều kiện cần thiết tối thiểu áp vào chính sách này. Chi phí lãi vay cũng giống như chi phí quảng cáo, có hay không có giao dịch liên kết, khoản chi của doanh nghiệp này là khoản thu của doanh nghiệp khác. Chỉ đặt ra vấn đề ngăn chặn chuyển giá, nếu chi phí trong nước chịu còn thu nhập doanh nghiệp khác ở nước ngoài hưởng, dẫn đến thất thu thuế.
Càng sai lầm nếu áp vào cái lý là đánh thuế đối với doanh nghiệp có vốn mỏng, ít vốn chủ sở hữu, phải đi vay nhiều. Như vậy là vi hiến, trái luật, là đánh vào quyền tự chủ trong việc huy động vốn và quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, đi ngược lại nguyên tắc của nền kinh tế thị trường. Đánh thuế như vậy là nhầm lẫn mục tiêu.
Giới hạn 20% của Nghị định 20/2020/NĐ-CP áp đặt với mọi doanh nghiệp có giao dịch liên kết đã bị cộng đồng doanh nghiệp phản đối dữ dội ngay từ khi chưa có hiệu lực. Ngày 24-6, Nghị định 68/2020/NĐ-CP ra đời, đã sửa đổi, tăng giới hạn này lên 30%, đồng thời cho phép doanh nghiệp được hồi tố khấu trừ các khoản đã nộp trong thời hạn 5 năm. Nhưng hơn 4 tháng sau, ngày 5-11 Nghị định 132 được ban hành tiếp tục giữ nguyên trần chi phí lãi vay 30%.
Tại sao chi phí đúng, cần thiết để trực tiếp phục vụ sản xuất, kinh doanh, không nhằm giảm lãi, giảm thuế, không lách thuế, trốn thuế, lại không được công nhận là chi phí hợp pháp, hợp lệ của doanh nghiệp? Tại sao lại “vơ đũa cả nắm”, “nhét chung một rọ”, cào bằng tất cả đối tượng doanh nghiệp có giao dịch liên kết nhưng với mục đích hoàn toàn khác nhau để tận thu? Đang có sự nhầm lẫn cơ bản từ mục tiêu “ngăn chặn chuyển giá” thành “ngăn chặn giao dịch liên kết”, nhầm thu lãi thành “thu cả lỗ”.
Cả 2 mục tiêu chống chuyển giá và chống vốn mỏng cứ mặc định áp đặt cho mọi doanh nghiệp có giao dịch liên kết đều trái luật, phủ nhận sự hợp lý. Do vậy, cần nhanh chóng và dũng cảm sửa sai, tương tự việc khống chế tỷ lệ chi phí quảng cáo từ 15% cho đến xóa bỏ hoàn toàn, để doanh nghiệp không phải chờ đợi sửa sai giới hạn chi phí lãi vay hơn 10 năm như với câu chuyện chi phí quảng cáo.