Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, TP đang trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng, không chỉ thể hiện việc gia tăng dân số mà cả tiến trình cơ giới hóa, tăng trưởng kinh tế và những thay đổi trong lối sống của người dân.
Hiện UBND TP đang giao Sở Quy hoạch - kiến trúc thực hiện nghiên cứu lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2040 và tầm nhìn đến 2060, dự báo biến động dân số, nhu cầu đi lại gắn với kết nối các đô thị lân cận ở Đồng Nai, Bình Dương, Long An.
Rà soát, đánh giá vai trò của các loại hình vận tải công cộng như đường sắt khối lượng lớn, đường sắt chuyên dụng, đường sắt một ray (Monorail, Tramway), BRT, xe buýt…
Từ đó, nghiên cứu bổ sung quy hoạch hệ thống đường sắt chuyên dụng kết nối giữa các cảng hàng hóa, cảng container khu vực TP Thủ Đức, khu vực dọc sông Sài Gòn và kết nối cảng các tỉnh thành lân cận.
Bổ sung vào quy hoạch các tuyến đường sắt đô thị phía tây, tuyến kết nối nhà ga T1, T2, T3 ở sân bay Tân Sơn Nhất; kéo dài tuyến monorail số 2 (đường sắt một ray) tới Tân Kiên (huyện Bình Chánh).
Bổ sung đoạn tuyến đường sắt nhẹ đi theo vành đai 2 - đường Phạm Văn Đồng để kết nối và trung chuyển hành khách trực tiếp giữa sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay quốc tế Long Thành.
Điều chỉnh bổ sung quy hoạch tuyến đường sắt nhẹ, monorail hoặc loại hình vận chuyển tương tự để kết nối các nhà ga ở sân bay Tân Sơn Nhất với tuyến metro số 2, 4, 5, thay thế tuyến metro 4b.
Sở Giao thông vận tải TP cũng phân tích mạng lưới giao thông cần được mở rộng phù hợp để kết nối với các trung tâm đô thị ở các tỉnh lân cận.
Cụ thể như rà soát tuyến kết nối TP.HCM - Nhơn Trạch (Đồng Nai) và kết nối TP.HCM - Cần Giuộc (Long An).
Ngoài ra, mạng lưới giao thông cũng cần được đánh giá, bao gồm các tuyến đường trên cao để lựa chọn, áp dụng loại hình giao thông phù hợp với tầm nhìn phát triển TP.