Quy hoạch Măng Đen trở thành khu du lịch hấp dẫn của Tây Nguyên

(ĐTTCO)-Với quy mô hơn 90.000 ha, khu du lịch Măng Đen của tỉnh Kon Tum có mục tiêu đón 2,5 triệu lượt khách vào năm 2030 và tăng lên 5 triệu vào năm 2045...

Khu du lịch Măng Đen, tỉnh Kon Tum.
Khu du lịch Măng Đen, tỉnh Kon Tum.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1492 về Phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đến năm 2045 (ngày 29/11/2023).

Theo đó, khu du lịch Măng Đen sẽ được quy hoạch có diện tích hơn 90.152 ha, bao gồm tổng diện tích tự nhiên của thị trấn Măng Đen và 05 xã Măng Bút, Đắk Tăng, Măng Cảnh, Hiếu và Pờ Ê, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Cụ thể, phạm vi ranh giới: bao gồm tổng diện tích tự nhiên của thị trấn Măng Đen và 05 xã: Măng Bút, Đăk Tăng, Măng Cành, Hiếu và Pờ Ê, huyện Kon Plông.

Phía Bắc giáp các xã Đăk Nên, Đăk Ring, Ngọk Tem; phía Nam giáp huyện Kon Rẫy và huyện KBang tỉnh Gia Lai; phía Đông giáp tỉnh Quảng Ngãi; phía Tây giáp huyện Tu Mơ Rông, huyện Kon Rẫy.

Diện tích nghiên cứu lập Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Măng Đen khoảng 90.152 ha, trong đó: nghiên cứu thiết kế quy hoạch các khu dân dụng, ngoài dân dụng (có tính đến xây dựng công trình tập trung) thực hiện đối với phần diện tích không có rừng tự nhiên khoảng 19.148 ha. Đối với phần diện tích rừng tự nhiên khoảng 71.004 ha.

Định hướng quy hoạch khai thác hoạt động du lịch, tổ chức hệ thống hạ tầng kết nối phải đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Lâm nghiệp và các quy định của pháp luật liên quan.

Mục tiêu quy hoạch là phát triển Khu du lịch Măng Đen thành điểm đến hấp dẫn của vùng Tây Nguyên với các sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học và văn hóa truyền thống.

Dự báo quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 82.000 người (bao gồm cả dân số quy đổi); đến năm 2045 khoảng 184.300 người (bao gồm cả dân số quy đổi). Hiện nay, dân số đang là 19.770 người (năm 2022).

Dự báo quy mô khách du lịch dự kiến đến năm 2030 đạt khoảng 2,5 triệu lượt khách/năm; đến năm 2045 đạt khoảng 5 triệu lượt khách/năm.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo, bố trí nguồn vốn, phê duyệt tổng dự toán chi phí quy hoạch theo quy định pháp luật hiện hành. Giao UBND tỉnh Kon Tum phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và cơ quan liên quan tổ chức lập Đồ án quy hoạch xây dựng Khu du lịch Măng Đen huyện Kon Plông đến năm 2045 theo quy định của pháp luật.

Được biết, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, cách trung tâm thành phố Kon Tum khoảng 60 km, nằm ở độ cao hơn 1.200 m, thời tiết mát mẻ quanh năm. Với không gian gần gũi thiên nhiên cùng vẻ đẹp hoang sơ đang ngày càng hấp dẫn du khách trong và ngoài nước tham quan và khám phá.

Tính đến hết tháng 11/2023, có trên 930.000 lượt khách du lịch đến Măng Đen, tăng gần gấp đôi năm ngoái. Tuy nhiên, việc kết nối giao thông của Măng Đen hiện nay vẫn còn khó khăn.

Để sử dụng hiệu quả các nguồn lực, vào cuối tháng 8/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng ý chủ trương bổ sung sân bay Măng Đen vào quy hoạch cảng hàng không theo đề xuất của tỉnh Kon Tum. Chi phí đầu tư sân bay 4.000 tỷ đồng, theo phương thức đối tác công tư PPP, Sân bay Măng Đen dự kiến có diện tích đất khoảng 350 ha, công suất thiết kế từ 3 - 5 triệu hành khách mỗi năm, thực hiện từ năm 2023 đến 2027 và được đặt tại thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đồng ý chủ trương việc bổ sung tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum vào quy hoạch mạng lưới đường bộ, đoạn qua tỉnh nào thì tỉnh đó sẽ thực hiện. Tuyến cao tốc này sau khi hoàn thành sẽ giúp kết nối Măng Đen nói riêng và toàn khu vực Tây Nguyên nói chung với các tỉnh duyên hải miền Trung và ngược lại.

Tỉnh Kon Tum nằm ở vị trí chiến lược ngã ba Đông Dương (Việt Nam - Lào - Campuchia), có cửa khẩu quốc tế Bờ Y, nơi "một tiếng gà gáy 3 nước cùng nghe".

Tỉnh có "đất rộng, người thưa" với diện tích trên 9,6 nghìn km2 (lớn thứ 8 cả nước); địa hình đa dạng, tạo ra những cảnh quan thiên nhiên phong phú, ấn tượng, hấp dẫn, còn giữ vẻ hoang sơ.

Diện tích rừng lớn (gần 602.000 ha), độ che phủ rừng cao (63%) với hệ động thực vật đa dạng và hệ gene, giống quý. Đỉnh Ngọc Linh được coi là nóc nhà của Tây Nguyên.

Các tin khác