Tuy nhiên, điều gây lo lắng là việc “nhà nhà” đóng đường mở phố đi bộ, phố ẩm thực sẽ làm gia tăng tình trạng kẹt xe, nhất là trong bối cảnh diện tích đất dành cho giao thông (tính trên đầu người) ở TPHCM hiện rất thấp.
Mong tạo điểm nhấn khác biệt
Dự kiến, từ giữa tháng 12-2020, quận 10 sẽ chính thức ra mắt phố đi bộ đêm khu vực Kỳ Đài Quang Trung (gần chợ Nguyễn Tri Phương, phường 6, quận 10). Theo UBND quận 10, phố đi bộ đêm này có 49 gian hàng, hoạt động từ 18 giờ đến 23 giờ mỗi ngày. Nét khác biệt tạo sự hấp dẫn tại đây là người dân, du khách khi đến phố đi bộ này sẽ có cơ hội thưởng thức các món ăn phong phú và tham quan mua sắm các sản phẩm quà lưu niệm, đồ thủ công mỹ nghệ…
Cùng với quận 10, nhiều nơi khác cũng rục rịch lên ý tưởng, xây dựng kế hoạch mở phố đi bộ, phố ẩm thực trên địa bàn. Mới nhất, tại buổi làm việc của đồng chí Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TPHCM với quận 3, lãnh đạo quận 3 chia sẻ về kế hoạch lập 2 tuyến phố đi bộ trên địa bàn. Đó là tuyến phố đi bộ ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền (phường 5) và phố đi bộ quanh khu vực Hồ Con Rùa (phường 6).
Trong khi đó, quận Phú Nhuận cũng xây dựng đề án phố ẩm thực Phan Xích Long thuộc phường 1, phường 2 và phường 7. Theo ông Đỗ Đăng Ái, Phó Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận, quận đã lấy ý kiến của người dân cũng như các hộ đang kinh doanh trên tuyến đường về kế hoạch này và nhận được sự đồng thuận cao. “Tuyến đường Phan Xích Long có nhiều cây xanh, rộng, thoáng. Tận dụng lợi thế này và quận cũng không phát triển hàng rong nên khi mở phố ẩm thực sẽ không ảnh hưởng đến giao thông khu vực”, ông Đỗ Đăng Ái khẳng định.
Các địa phương đều chú trọng đến điểm nhấn khác biệt tại các phố đi bộ, phố ẩm thực. Đơn cử, quận 3 tận dụng lợi thế của đường Nguyễn Thượng Hiền là bán hàng ăn vặt - được các tạp chí du lịch, diễn đàn du lịch của người nước ngoài giới thiệu tìm đến - để tổ chức lại thành phố đi bộ ẩm thực chuyên bán đồ ăn vặt, thức ăn đường phố. Trong khi, quận 10 xác định, phố đi bộ đêm khu vực Kỳ Đài Quang Trung sẽ không kinh doanh rượu bia, thức uống có cồn nhằm tạo một điểm đến văn hóa.
Tương tự, phố ẩm thực Phan Xích Long cho phép kinh doanh ẩm thực kết hợp các hoạt động phụ trợ phục vụ du khách nhưng không phát triển loại hình ẩm thực đường phố. Mặt khác, điểm nhấn quan trọng là việc kết hợp phát triển du lịch trên sông. Theo đó, sẽ có một bến thuyền du lịch trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè kết hợp để mở tour du lịch đường thủy từ quận Phú Nhuận đi quận 3, quận 1, thậm chí đi cầu Phú Mỹ hoặc huyện Cần Giờ.
Lo lắng giao thông bát nháo
Có thể thấy được mong muốn tích cực của các địa phương trong việc đề xuất mở phố đi bộ, phố ẩm thực. Quận 10 tin tưởng, phố đi bộ đêm sẽ là nơi buôn bán sạch đẹp, văn minh, an toàn thực phẩm nhằm tạo một điểm đến có ý nghĩa về văn hóa và du lịch trên địa bàn. Lãnh đạo quận 3 thì kỳ vọng việc cải tạo cảnh quan, chiếu sáng nghệ thuật tại khu vực Hồ Con Rùa sẽ tạo thêm một không gian, khu vực cho người dân sinh hoạt và phát triển du lịch. Tương tự, việc lập phố đi bộ ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền cũng nhằm nâng chất lượng phục vụ, thu hút du lịch và tạo thuận lợi cho người dân buôn bán, cải thiện kinh tế.
Nhìn lại, có thể thấy những tác động tích cực từ hoạt động của phố đi bộ, phố ẩm thực thời gian qua. Cụ thể, từ tháng 8-2017, khi phố đi bộ Bùi Viện (quận 1) hoạt động đến nay, kinh tế khu vực có bước phát triển. Lợi ích về tài sản, giá nhà đất, giá thuê mặt bằng của khu vực cũng tăng cao. Các cơ sở kinh doanh và người dân đã quan tâm đến chất lượng, phong cách phục vụ du khách…
Lượng khách đến vui chơi và sử dụng các dịch vụ du lịch tại đây tăng thường xuyên. Tuy nhiên, hoạt động của phố còn một số tồn tại, như tình trạng say xỉn, gây rối trật tự; du khách ca hát gây ồn ào, cơ sở kinh doanh, loa di động đua nhau mở nhạc với âm lượng lớn sau 22 giờ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân khu vực. Ngoài ra, theo UBND quận 1, phố đi bộ Bùi Viện cũng chịu áp lực lớn về việc đảm bảo an ninh trật tự, giữ xe do lượng khách tập trung về quá đông.
Tương tự, gần 3 năm đi vào hoạt động, phố ẩm thực Vĩnh Khánh (quận 4) đã thu hút được đông đảo người dân. Ngày khánh thành, UBND quận 4 kỳ vọng nơi đây sẽ thành tuyến đường kinh doanh ăn uống chuyên nghiệp và giúp phát triển sản phẩm du lịch. Quận lập ban quản lý, chốt điều hành và ban hành quy chế hoạt động, tuyên truyền bộ quy tắc ứng xử văn hóa để nâng cao ý thức của người kinh doanh, đảm bảo phố hoạt động nền nếp, trật tự. Dù vậy, khi phố bắt đầu hoạt động, hàng quán thường xuyên lấn chiếm vỉa hè, lòng đường và làm gia tăng kẹt xe, gây mất mỹ quan đô thị.
Thực tế trên cho thấy, việc mở phố ẩm thực, phố đi bộ ở những nơi sầm uất, đường hẹp, mật độ lưu thông cao như đường Nguyễn Thượng Hiền cần hết sức cân nhắc. Nhược điểm lớn nhất của tuyến đường này là bề ngang hẹp, mặt cắt khoảng 7m, vỉa hè rất hẹp.
Trong khi, đường này bố trí làm 2 chiều và có vai trò quan trọng trong kết nối giao thông khu vực, giao cắt với nhiều trục đường huyết mạch như Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Đình Chiểu, Võ Văn Tần… Vì thế, vấn đề nan giải là giải pháp đảm bảo khi đóng đường làm phố đi bộ mà không ảnh hưởng đến giao thông khu vực. Không những thế, bố trí bãi giữ xe phục vụ cho “phố đi bộ Nguyễn Thượng Hiền” cũng không dễ.