Nhiều ý kiến cho rằng, hạ tầng là quy hoạch khâu đột phá cho Thủ Đức phát triển trong thời gian tới, bên cạnh đó cũng cần xây dựng một thành phố bản sắc riêng, một “đô thị xanh” sông nước…
Xây dựng Thành phố tương tác cao
TS Nguyễn Đỗ Dũng, Tổng giám đốc Công ty EnCity- một công ty trong liên danh Sasaki- Encity đạt giải nhất cuộc thi Ý tưởng quy hoạch khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TPHCM do TPHCM tổ chức- cho rằng, có 4 nội dung mà TP Thủ Đức phải hướng đến trong quá trình xây dựng và phát triển đó là kinh tế có ứng dụng công nghệ cao; là khu vực trọng điểm về sáng tạo của TPHCM; là trung tâm giao thương của cả vùng không chỉ của TPHCM mà còn của các vùng phụ cận như Biên Hòa, Đà Lạt, Vũng Tàu….; là nơi thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước.
Tại hội thảo hầu hết các ý kiến cho rằng, để TP Thủ Đức tạo đột phá trong thời gian tới, hạ tầng giao thông là vấn đề cần phải quan tâm đầu tư hàng đầu, tạo sự kết nối cao, nhanh, thuận tiện giữa các vùng, tạo sự tương tác nhanh giữa con người với con người, doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với chính quyền… thông qua hệ thống viễn thông hiện đại, đồng bộ.
TS Trương Minh Huy Vũ, Giám đốc Khu Công nghệ phần mềm (Đại học Quốc gia TPHCM), cho rằng quy hoạch TP Thủ Đức đưa ra trong bối cảnh kinh tế của cả nước nói chung và TPHCM nói riêng đang phục hồi sau đại dịch. Hàng loạt dự án về hạ tầng giao thông liên quan đến TPHCM như Vành đai 2, Vành đai 3… tập trung đầu tư.
Trong quá trình xây dựng đồ án quy hoạch cho thành phố Thủ Đức theo TS Vũ có 3 yếu tố giữ vai trò then chốt là con người, cơ sở hạ tầng và công nghệ. Thủ Đức là nơi có rất nhiều trường đại học, viện, khu công nghệ cao đang thu hút nguồn nhân lực có trình độ tập trung học tập, làm việc khá đông đây là một thuận lợi để phát triển trong thời gian tới.
Phải đột phá về hạ tầng
Tại hội thảo rất nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhận định quy hoạch- đầu tư cho hạ tầng giao thông là một trong những bước đột phát để Thủ Đức phát triển trong thời gian tới. Hiện nay hàng hóa tại các cảng đi qua địa bàn Thủ Đức gần như quá tải, gây ùn tắc giao thông, đẩy chi phí doanh nghiệp lên cao…
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM đề xuất, khôi phục lại quy hoạch tuyến đường sắt trên cao chở hàng hóa kết nối từ ga Sóng Thần – cảng Cát Lái (từ cảng Cát Lái- kết nối Cái Mép-Thị Vải, từ Cát Lái kết nối cảng Hiệp Phươc và cảng Tân Lập- Long An).
Bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc Phúc Khang Corp cho rằng, Thủ Đức tiếp giáp với hệ thống sông ngòi khá nhiều, hệ thống kênh rạch khá đa dạng. Do đó quá trình xây dựng đồ án quy hoạch cần giũ gìn cảnh quang sông nước. Cần nghiên cứu và phát triển mô hình Đô thị Xanh cho TP Thủ Đức. Đây là cơ hội quý báu để có những chiến lược thay đổi cả về lượng và chất cho TP này.
Theo bà Mẫu, trước những đe dọa của các kịch bản biến đổi khí hậu, sự suy thóai về chất lượng môi trường và suy giảm tài nguyên, năng lượng trong tương lai gần, những chiến lược về phát triển đô thị bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường đang ngày càng trở nên quan trọng và cấp thiết. Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển đô thị bền vững, việc phát triển các đô thị theo hướng xanh và bền vững là một hướng đi tất yếu.
Nếu vẫn giữ tốc độ phát triển đô thị thần tốc như hiện nay mà thiếu sự quan tâm tới tính xanh và bền vững, diện tích bê tông hóa sẽ thay thế dần các mảng xanh tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, hệ sinh thái và đa dạng sinh học bị hủy họai, chất lượng môi trường ngày càng suy thóai… cùng với đó là sự suy giảm về sức khỏe thể chất, tinh thần của người dân đô thị, cũng như sự đứt kết nối dần giữa con người với thiên nhiên.
Phát biểu tại hội thảo, Giám đốc Sở QHKT TP Nguyễn Thanh Nhã cho rằng, TP nhận thức rằng để đồ án quy hoạch thực hiện được là phải dựa vào cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia cũng như người dân. Các ý tưởng cũng từ đây và nguồn lực cũng từ đây. Do đó hội thảo phải lắng nghe ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp hết sức nghiêm túc từ đó xây dựng một đồ án hết sức “đồi thường” dễ hiểu và dễ thực hiện thiết thực với đời sống ngườ dân và tạo được sự phát triển không chỉ cho TP Thủ Đức mà còn cho cả TPHCM.
Theo ông Nhã, không chỉ giai đoạn đómng góp ý tưởng mà sau này cũng cần sự đồng hành của doanh nghiệp, người dân để công tác thực hiện quy hoạch được tốt hơn, xuyên suốt hơn.
Trước đó, ngày 16-9-2021, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Quyết định số 1538/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chung TP Thủ Đức thuộc TPHCM đến năm 2040 với mục tiêu TP Thủ Đức trở thành một trong những trung tâm kinh tế tri thức, khoa học - công nghệ, tài chính quan trọng của TPHCM và quốc gia. Theo Quyết định, phạm vi nghiên cứu trực tiếp gồm toàn bộ địa giới hành chính TP Thủ Đức thuộc TPHCM với tổng diện tích khoảng 211,56 km2. Phạm vi nghiên cứu gián tiếp gồm các quận huyện thuộc TPHCM và 2 tỉnh giáp ranh là tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương. Mục tiêu lập quy hoạch nhằm đề xuất định hướng phát triển phù hợp với cấu trúc, định hướng phát triển không gian của TPHCM và vùng TPHCM; đáp ứng mục tiêu trở thành một trong những trung tâm kinh tế tri thức, khoa học - công nghệ, tài chính quan trọng của TPHCM và quốc gia. Quy hoạch đáp ứng các yêu cầu mới trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; tạo điều kiện khả thi để thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề trong phát triển đô thị hiện nay như dân số, nhà ở, hạ tầng, giao thông, môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trên cơ sở chuyển đổi và phát triển hạ tầng số. Hướng tới phát triển đô thị có chất lượng sống tốt và môi trường làm việc hấp dẫn; có văn hóa đặc trưng trên cơ sở bảo tồn di sản và cảnh quan sông nước; phát triển hạ tầng đô thị thông minh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý phát triển, đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và các khu vực trong TP Thủ Đức theo quy hoạch, đảm bảo chất lượng đô thị theo tiêu chuẩn đô thị loại I trực thuộc TPHCM. Theo phê duyệt, TP Thủ Đức là đô thị loại I trực thuộc TPHCM, phát triển theo mô hình đô thị sáng tạo, tương tác cao; trung tâm phía đông của TPHCM về kinh tế, khoa học kỹ thuật và công nghệ, văn hóa, giáo dục đào tạo. Là trung tâm đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng kinh tế tri thức, khoa học - công nghệ và hợp tác phát triển; tập trung vào các lĩnh vực giáo dục đào tạo bậc cao, nghiên cứu và sản xuất công nghệ cao, tài chính và thương mại - dịch vụ; có vai trò là hạt nhân trong đổi mới sáng tạo, phát triển hạ tầng số của thành phố và vùng TPHCM; là đầu mối kết nối khu trung tâm hiện hữu TPHCM với cảng hàng không quốc tế Long Thành và các đô thị, khu chức năng trọng điểm phía đông của vùng TPHCM. Dự kiến đến năm 2030 dân số toàn TP Thủ Đức đạt khoảng 1.500.000 người; năm 2040 đạt khoảng 2.200.000 người, hướng đến 3.000.000 người sau năm 2040. Từ mục tiêu trên, yêu cầu trọng tâm đối với công tác lập quy hoạch TP Thủ Đức là rà soát quy hoạch chung TPHCM và các quy hoạch chuyên ngành đã được triển khai thực hiện trên địa bàn TP Thủ Đức. Trên cơ sở phân tích, đánh giá việc triển khai thực hiện quy hoạch chung TPHCM năm 2010 trên địa bàn, tập trung vào việc thực hiện các định hướng phát triển tại khu đô thị hướng đông TPHCM với vai trò là trung tâm mới mở rộng của thành phố (Khu đô thị mới Thủ Thiêm) và là Khu đô thị khoa học công nghệ, hạt nhân là Khu Công nghệ cao và Khu Đại học quốc gia. Đồng thời, dự báo các nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới, trong bối cảnh phát triển của TPHCM và các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, đảm bảo phù hợp với thực tiễn phát triển, bám sát các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, định hướng phát triển không gian TPHCM, chủ trương phát triển đô thị sáng tạo tương tác cao, đô thị thông minh, đô thị phát triển bền vững. |
Nghiên cứu, cập nhật những chủ trương, định hướng quan trọng có liên quan đến quy hoạch, phát triển đô thị và phát triển kinh tế xã hội; phối hợp các chương trình, đề án, dự án… của thành phố trong một khung phát triển có tầm nhìn dài hạn và có tính thực thi cao; nghiên cứu trên nền đô thị đã hình thành và phát triển qua nhiều thời kỳ, đề xuất mô hình phát triển TP Thủ Đức theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD) gắn với quy hoạch sử dụng đất có hiệu quả, tạo thêm dư địa phát triển từ giá trị đất và bảo đảm khả năng dự trữ cho tương lai và bảo vệ môi trường sinh thái,… |