Thị trường BĐS tỉnh Bình Dương được xem là khá “nóng” bởi hoạt động mở bán, giới thiệu dự án mới của hàng loạt doanh nghiệp. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay thị trường này hoàn toàn yên ắng, bất chấp trung tâm hành chính của tỉnh vừa chuyển về TP mới Bình Dương vào đầu năm nay, dù trước đó được nhận định đây là điểm nhấn thúc đẩy thị trường BĐS Bình Dương.
Một chuyên gia môi giới khá rành thị trường Bình Dương cho rằng, thị trường BĐS Bình Dương có hơn 95% là các dự án đất nền, trong đó một số là các dự án nhà ở khu đô thị mới, đất tái định cư của các hộ dân, doanh nghiệp thu gom và bán lại cho nhà đầu tư, khách hàng có nhu cầu xây nhà dưới dạng ủy quyền. Lâu nay thị trường đất nền Bình Dương hoạt động khá nhộn nhịp bởi phần lớn giá đất còn khá rẻ, tiềm năng phát triển của địa phương tốt…
Tuy nhiên, số dự án BĐS trên địa bàn quá nhiều. Theo báo cáo của Sở Xây dựng Bình Dương, hiện trên địa bàn có 220 dự án - khu đô thị mới, nhưng trong thời gian qua nhiều dự án hầu như không triển khai gì. Ngoài ra còn có nhiều khu tái định cư các doanh nghiệp thu gom phiếu tái định cư sau đó gắn mác thương mại cho dễ bán. Chính vì vậy sau một thời gian đến nay thị trường này trở nên bão hòa nhu cầu.
Tuy nhiên đó chỉ là một trong nhiều nguyên nhân, nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thị trường Bình Dương im ắng suốt thời gian qua là do tác động trực tiếp từ quyết định tạm dừng chuyển nhượng đất nền tại hàng loạt dự án trên địa bàn tỉnh chờ đến khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ).
Theo đó, vào giữa tháng 3-2014 vừa qua, ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, có văn bản yêu cầu Tổng công ty Becamex IDC và công ty con TDC tạm ngưng việc bán đất cho khách hàng, chờ đến khi nào đất có giấy chứng nhận QSDĐ, Becamex IDC và TDC mới tiếp tục việc kinh doanh buôn bán… Quyết định này như một gáo nước lạnh dội vào thị trường Bình Dương.
Có ý kiến cho rằng đây cũng là quyết định “chữa cháy” cho thông báo trái luật trước đó cũng của chính ông Lê Thanh Cung. Cụ thể tại Thông báo 72/TB-UBND ngày 15-4-2013, ông Cung đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và TP Thủ Dầu Một như sau: “Để giải quyết vướng mắc đối với việc cấp phép xây dựng công trình cho chủ đầu tư thứ cấp trong Khu liên hợp công nghiệp, dịch vụ và đô thị Bình Dương chưa có QSDĐ, chỉ có Hợp đồng nguyên tắc với Becamex IDC (chủ đầu tư cấp 1). Đồng ý cho phép Sở Xây dựng được ký giấy phép xây dựng (GPXD) tạm, đến khi chủ đầu tư cung cấp được giấy chứng nhận QSDĐ thì Sở Xây dựng cấp GPXD chính thức. Đối với các công trình đã khởi công xây dựng, nhưng chưa cấp giấy phép, Sở Xây dựng tạo điều kiện cấp giấy phép tạm để nhà đầu tư hoàn chỉnh hồ sơ.
Becamex IDC phối hợp cùng các chủ đầu tư công chứng các hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng QSDĐ, bổ sung cho Sở Xây dựng để cấp phép. Đối với các trường hợp xây dựng trong khu tái định cư, thuộc dự án đất thương mại phân lô bán nền chuyển nhượng cho các hộ dân chưa có giấy chứng nhận QSDĐ, thì giao UBND TP Thủ Dầu Một theo thẩm quyền cấp GPXD tạm cho dân, đến khi chủ đầu tư cung cấp được giấy chứng nhận QSDĐ thì cấp lại GPXD chính thức...”.
Một dự án nhà ở xã hội tại Bình Dương. |
Trong khi đó, theo quy định mới về cấp phép xây dựng các thửa đất phải có giấy chứng nhận QSDĐ, nhưng để có được QSDĐ buộc doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính tiền sử dụng đất. Điều này trong bối cảnh hiện nay có thể nói là rất khó khăn với nhiều doanh nghiệp.
Để thị trường BĐS Bình Dương sớm “sôi nổi” trở lại, nhiều chuyên gia nhận định cần một thời gian dài khi các dự án có đầy đủ cơ sở pháp lý, tạo niềm tin cho người dân, lúc đó nhà đầu tư mới quay lại thị trường.