Số cổ phần tại 2 NH vừa được Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) rao bán đấu giá với giá khởi điểm chưa đến 5.000 đồng/cổ phiếu, mức giá thấp hơn so với giá các cổ phiếu này đang giao dịch trên thị trường OTC. Phải chăng các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang quyết tâm thoái vốn khỏi hệ thống NH. Thực tế, Nghị định 91/2015NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 13-10-2015 cho thấy Chính phủ đang rất quyết tâm trong việc buộc các DNNN phải thoái vốn đầu tư tài chính ngoài ngành.
DNNN quyết tâm
Mới đây, DATC thông báo bán đấu giá cổ phần tại 2 NHTMCP Phương Đông (OCB) và NHTMCP Sài Gòn (SCB). Đáng chú ý, giá khởi điểm DATC đưa ra chưa đến 5.000 đồng/cổ phiếu. Cụ thể, DATC sẽ bán đấu giá 26.660 cổ phần OCB với giá khởi điểm 4.900 đồng/cổ phiếu và 24.662 cổ phần SCB với giá khởi điểm 4.100 đồng/cổ phiếu.
Nếu so sánh với giá trên thị trường OTC, giá bán của DATC thấp hơn nhiều. DATC là một công ty mua bán nợ tồn đọng của DNNN. Việc DATC thoái vốn với giá thấp cho thấy tổ chức này cũng đang ráo riết cơ cấu lại danh mục nợ.
Kết quả việc thực hiện cổ phần hóa DNNN trong thời gian qua khá khiêm tốn, với việc chỉ có gần 100 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa trong 9 tháng năm 2015. Kết quả này mới hoàn thành khoảng một phần ba mục tiêu cổ phần hóa 289 doanh nghiệp của cả năm 2015. Nguyên nhân do cơ chế chính sách cho quá trình cổ phần hóa đã tháo gỡ nhưng vẫn còn sự e ngại từ phía nhà đầu tư. Ông Đặng Quyết Tiến, |
Cũng liên quan đến việc thoái vốn khỏi ngành NH của DNNN, tin từ Công ty Chứng khoán An Bình (ABS) mới đây cho biết có 6 nhà đầu tư đã mua thành công hơn 40 triệu cổ phiếu của NHTMCP An Bình (ABBank) trên tổng số gần 81,6 triệu cổ phiếu do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng công ty Điện lực Thành phố Hà nội (EVNHANOI) thực hiện thoái vốn.
Điều đáng nói là các cổ phiếu này đều được mua với giá bằng hoặc cao hơn mệnh giá và cao hơn 2 lần so với giá cổ phiếu ABBank đang được giao dịch trên thị trường OTC.
Theo số liệu được ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính), công bố từ đầu năm đến nay các tập đoàn, tổng công ty đã thoái vốn được gần 4.500 tỷ đồng và hiện còn 18.000 tỷ đồng vốn Nhà nước chưa thoái được theo lộ trình.
Trong đó, lĩnh vực NH là 11.000 tỷ đồng, bất động sản gần 6.000 tỷ đồng. Cũng theo báo cáo của Cục Tài chính, một số trường hợp cần thoái vốn trong lĩnh vực NH đã được giải quyết, như khoản đầu tư của Petrolimex tại PGBank (tỷ lệ 40%) sẽ được xử lý sau khi NH này sáp nhập vào VietinBank. Còn khoản đầu tư của PetroVietnam tại PVcomBank (tỷ lệ 52%) cũng đang được thoái.
Đánh giá về việc thoái vốn, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng Nhà nước nên có lộ trình thoái vốn hợp lý, tránh ồ ạt khi thị trường chưa kịp hấp thụ có thể khiến cho cổ phiếu giảm sâu. Còn ông Phạm Viết Muôn, Cố vấn cấp cao của VinaCapital, đánh giá kế hoạch đến hết năm 2015 hoàn thành việc cổ phần hóa hơn 500 doanh nghiệp là không thực tế, có khả năng sẽ kéo dài đến 2016, thậm chí cả 2017 mới thực hiện được.
Xem xét lộ trình phù hợp
Trước đây, hầu hết DNNN tham gia mạnh vào đầu tư tài chính, trong đó có cổ phiếu lĩnh vực NH và bất động sản. Đây được xem là một lĩnh vực đầy hấp dẫn với khả năng sinh lời cao và được nhiều lãnh đạo DNNN nhắm đến. Thực tế đây là một sai lầm và gây hệ quả nặng nề không chỉ với doanh nghiệp mà cả với nền kinh tế.
Rất nhiều khoản đầu tư ngoài ngành của DNNN lợi nhuận rất thấp, thua lỗ, thậm chí mất trắng. Nhận ra những hạn chế này, một trong những mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế đã được Chính phủ phê duyệt là tái cấu trúc DNNN với việc buộc DNNN phải thoái vốn ngoài ngành.
Thời gian qua Chính phủ cũng đã chỉ đạo DNNN thực hiện ráo riết chủ trương này. Đặc biệt ngày 13-10-2015, Chính phủ ban hành Nghị định 91/2015NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.
Nội dung của Nghị định quy định cụ thể lộ trình thoái vốn của các DNNN. Theo đó từ ngày 1-12-2015, DNNN không được đầu tư vào bất động sản, NH, chứng khoán và quỹ đầu tư, trừ những trường hợp đặc biệt được Chính phủ cho phép.
Trường hợp DNNN đã góp vốn, đầu tư vào các lĩnh vực trên mà không được Thủ tướng cho phép, phải tiến hành cơ cấu lại và chuyển nhượng toàn bộ vốn đã đầu tư theo quy định. Với Nghị định 91 được ban hành cho thấy Chính phủ một lần nữa thể hiện đang rất quyết tâm trong việc thực hiện lộ trình tái cơ cấu DNNN.
EVN đã thoái thành công gần 1/2 tổng số vốn đầu tư vào ABBank. |
Liên quan đến việc thoái vốn nhà nước tại NH, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, đề xuất Chính phủ nên xác định lộ trình cho phép giảm tỷ lệ sở hữu vốn của Nhà Nước tại các NHTM nhà nước xuống tới 51%, để các NHTM chủ động thực hiện các kế hoạch kinh doanh. Ngoài ra ông Thành cũng kiến nghị nên đẩy mạnh quá trình phân loại, sắp xếp các DNNN, thực hiện tái cơ cấu nâng cao năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.
Những diễn biến trong thời gian gần đây cho thấy việc thoái vốn khỏi DNNN đang được thực hiện một cách ráo riết. Theo ý kiến của các chuyên gia, đây là một việc cần thiết vì vốn Nhà nước cần phải tập trung vào những lĩnh vực phục vụ phát triển chung của nền kinh tế. Thực tế trong thời gian qua vốn DNNN đầu tư vào lĩnh vực tài chính và bất động sản đã để lại nhiều hệ lụy cho nền kinh tế.