Phát biểu tại tọa đàm, ông Vũ Ánh Dương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VIAC nhận định, sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin trên toàn thế giới và của mạng internet kết nối toàn cầu tạo ra một thế giới ảo đang dần có tầm quan trọng tương đương với thế giới thực của chúng ta hiện nay, điều này cũng ảnh hưởng và làm thay đổi căn bản cách thức chúng ta thực hiện các hoạt động trong đời sống kinh tế, xã hội.
Xu hướng dịch chuyển số nêu trên có thể thấy rõ nét qua việc hàng loạt sản phẩm ứng dụng công nghệ cho nhu cầu thiết yếu hàng ngày ra đời, các doanh nghiệp kinh doanh truyền thống cũng nắm bắt và tiến hành chuyển đổi mô hình kinh doanh để thích nghi và tận dụng được ưu điểm mà số hóa mang lại.
Với bản chất là một loại hình dịch vụ phục vụ giải quyết tranh chấp thương mại, hòa giải thương mại cũng không nằm ngoài sức ảnh hưởng nói trên. Theo đó, việc ứng dụng công nghệ vào một phần hoặc toàn bộ quy trình giải quyết tranh chấp được đánh giá là hướng đi tối ưu và là xu hướng phù hợp.
Là phương thức có nhiều ưu điểm vượt trội, hòa giải thương mại dễ dàng hấp thụ các tiến bộ của khoa học công nghệ để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của cộng đồng, hay nói theo thuật ngữ của thời đại kinh tế số hiện nay, là “nâng cao trải nghiệm người dùng” hòa giải.
Tuy vậy, để có thể triển khai phương thức giải quyết tranh chấp trực tuyến nói chung và hòa giải trực tuyến nói riêng, bên cạnh điều kiện cần - “mở cửa” khung pháp lý về ODR, phải hội tụ thêm điều kiện đủ - sự nỗ lực của các tổ chức có tiềm năng cung cấp giải pháp giải quyết tranh chấp trực tuyến và sự cởi mở trong quan điểm, nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp, luật sư và các nhóm người dùng tiềm năng.
Theo đó, song song với việc vận hành quy trình hòa giải thương mại truyền thống, VMC đã tiến hành xây dựng nền tảng hòa giải trực tuyến MedUp nhằm cung cấp thêm một mô hình giải quyết tranh chấp hiệu quả về thời gian, chi phí với sự ứng dụng công nghệ, kỹ thuật số.