Nhưng khi đất nước này chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19, bên cạnh việc hạn chế đi lại đang chứng tỏ rất có lợi cho môi trường, thì việc mọi người phải ở nhà nhiều hơn lại đang đảo ngược tiến trình giảm rác thải nhựa ở quốc gia này.
Các báo cáo mới nhất cho biết, chất thải nhựa của Thái Lan hiện đang ở mức khoảng 6.500 tấn/ngày so với mức khoảng 1.500 tấn/ngày trước khi dịch Covid-19 bùng phát.
Viện Môi trường Thái Lan đổ lỗi cho sự gia tăng trên là do nhiều người quay lại sử dụng nhựa dùng một lần trong thời gian này để mua và giao thực phẩm. Ông Wijarn Simachaya, Giám đốc Viện Môi trường Thái Lan, kêu gọi người dân thay thế nhựa dùng một lần bằng các hộp đựng có thể tái sử dụng khi đặt mua thực phẩm mang đi. Đầu năm nay, nhiều nhà bán lẻ lớn nhất của Thái Lan đã ngừng cung cấp túi sử dụng một lần cho khách hàng, trong nỗ lực giải quyết việc lạm dụng nhựa.
Theo Báo Bangkok Post, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Mạng lưới kinh doanh có trách nhiệm Thái Lan (TRBN) đã đưa ra một dự án mang tên Song Plastic Klap Ban (Đưa nhựa trở về nhà) để giúp quản lý sự gia tăng chất thải nhựa từ gia đình. Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Thái Lan Varawut Silpa-archa cho biết, dự án này nhằm thu hút các hộ gia đình trong nỗ lực giảm tiêu thụ nhựa sử dụng một lần. Trong giai đoạn đầu thực hiện, một chiến dịch công cộng sẽ khuyến khích mọi người tách rác thải làm 3 loại: rác tái chế, rác y tế và rác thải sinh hoạt nói chung. Trong giai đoạn thứ hai, sẽ bắt đầu vào tháng 5 và kéo dài đến tháng 6, các cửa hàng và siêu thị dọc theo đường Sukhumvit ở Bangkok sẽ đóng vai trò là địa điểm thu gom rác thải nhựa, sau đó sẽ được vận chuyển đến một trung tâm tái chế.
Trên phạm vi toàn cầu, một hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) được ứng dụng để phát hiện rác thải nhựa trên biển bằng cách phân tích hình ảnh từ các vệ tinh quay quanh Trái đất. Các nhà khoa học sử dụng kỹ thuật này tuyên bố, đây là lần đầu tiên các miếng nhựa ở vùng nước ven biển được phát hiện thông qua các vệ tinh. Hệ thống này nghiên cứu những hình ảnh được thu thập bởi Sent Sentel-2, vệ tinh của Cơ quan Vũ trụ châu Âu, để phát hiện các mảnh vỡ trôi nổi trong các đại dương trên thế giới. Những vật thể này hấp thụ và phản xạ ánh sáng để tạo ra một dải quang phổ sau đó được vệ tinh phát hiện và lưu trữ. Các nhà nghiên cứu từ Phòng thí nghiệm hàng hải Plymouth ở Anh sau đó tạo một thuật toán để phân loại các vật thể khác nhau bằng cách phát hiện ra sự khác biệt trong dải quang phổ của chúng. Trung bình, hệ thống phân biệt giữa nhựa và vật liệu tự nhiên như rong biển với độ chính xác 86%.
Hiện nhóm nghiên cứu đang có kế hoạch cải tiến kỹ thuật để phát hiện chính xác các mảng nhựa nổi ở vùng nước ven biển đục và nước sông lớn. Họ hy vọng phương pháp này sẽ được kết hợp với máy bay không người lái để giám sát việc xả rác nhựa và hỗ trợ các hoạt động dọn dẹp.