Theo lẽ thông thường, tín dụng tăng vào cuối năm sẽ kích thích sản xuất, góp phần thúc đẩy kinh tế. Song trên thực tế, một lượng vốn không nhỏ từ ngân hàng đang chảy vào các kênh tín dụng đen để trả nợ. Các loại ngân hàng trá hình, cho vay tiền nóng đang rầm rộ chăng biển cho vay lãi suất thấp.
9h sáng tại phố Tôn Đức Thắng (Hà Nội) các tiệm cầm đồ, cho vay tiền lãi suất thấp đồng loạt mở hàng với tấm biển ngang nhiên tồn tại giữa phố ghi rõ lời mời vay tiền 1.000 đồng/ngày.
Cũng trong cách làm ăn cho vay nóng, tại phố Lê Thanh Nghị - Bạch Mai, nhiều địa chỉ thu hút khách hàng "vay tiền nhanh, đơn giản thủ tục” với mức lãi suất lên tới 0,2 – 0,5%/ngày (tương đương 72- 180%/năm).
Các lời mời chào vay tiền cũng mọc lên như nấm sau mưa trên trang mạng điện tử. Đón được thời cơ cần vốn cuối năm, nhiều địa chỉ mạng quảng cáo sẵn sàng cung ứng "dịch vụ” như ngân hàng.
Cụ thể, địa chỉ"Chovaytien.vn – Ngân hàng bán lẻ hàng đầu Hà Nội”, ghi rõ: vay vốn tại các tỉnh. Không thế chấp, thủ tục nhanh, đơn giản thu hút nhiều người quan tâm. Địa chỉ, giải ngân.vn; vay 24. vn… gần như đang thay đổi cách nhìn nhận của người về dịch vụ cầm đồ với mô hình ngân hàng bán lẻ thân thiện hơn. Mà về bản chất, đây chính là những tiệm cầm đồ cho vay lãi suất nóng cắt cổ.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng, hành vi cho vay tiền, mời gọi vay tiền trên đều có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Về hợp đồng cho vay, theo quy định hiện hành, các giao dịch cho vay tiền không vi phạm, với điều kiện lãi suất không vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do NHNN công bố.
Còn theo luật gia Đinh Kiều Hưng – Văn phòng Luật Giải phóng, hoạt động liên quan đến cho vay, tín dụng là của riêng ngân hàng, tổ chức tín dụng. Bất kỳ tổ chức nào hoạt động lấn sân sang có nghĩa là vi phạm pháp luật.
Nhưng nguyên nhân tại sao các địa chỉ cho vay tiền lãi suất thấp, "các ngân hàng trá hình” ngang nhiên tồn tại, đặc biệt phát triển mạnh trong giai đoạn cuối năm?
Thật ra có cầu thì ắt có cung, việc ra đời và hình thành nhiều các cửa hàng cầm đồ cho vay nặng lãi, các địa chỉ vay tiền trên mạng cũng là do người dân không thể tiếp cận với vốn từ các kênh truyền thống, buộc họ phải tìm ra chợ trời.
Dịch vụ cầm đồ, cho vay với tấm biển ngang nhiên tồn tại giữa phố. |
Theo ông Tô Hoài Nam, Tổng thư ký Hiệp hội DN vừa và nhỏ, hiện nay, tuy lãi suất đã dễ thở hơn, song điều kiện vay vốn vẫn khiến các DN vừa và nhỏ khó lòng vay được vốn ngân hàng. Đây cũng là lý do khiến tín dụng đen bùng phát.
Chính sách thắt chặt tín dụng, các ngân hàng tái cơ cấu và không muốn cho vay trong khi nền kinh tế cần vốn để hoạt động… là những lý do dẫn tới tình trạng trên.
Thống kê của cơ quan chức năng, tính đến cuối tháng 11, tốc độ tăng trưởng tín dụng đã đạt 9%. Song trái ngược với kỳ vọng vốn tín dụng tăng để kích thích sản xuất, dường như, vốn đang chảy ngược vào các kênh tín dụng đen.
Nhiều ngân hàng cho biết, khi các thị trường tín dụng truyền thống khó có khả năng tăng trưởng cao, họ đã đẩy mạnh cho vay tiêu dùng.
Giám đốc khối bán lẻ của một ngân hàng tại Hà Nội cho hay, lượng hồ sơ vay tiêu dùng của ngân hàng tăng mạnh. Các chuyên gia trong ngành tài chính ngân hàng nhấn mạnh, có một lượng tiền lớn đã được dùng trả nợ "tín dụng đen”.
Chuyên gia kinh tế tài chính Nguyễn Trí Hiếu khuyến cáo, các ngân hàng cũng như nhà quản lý cần xem lại khâu sử dụng vốn. Hệ lụy của việc không kiểm soát được dòng tiền rất lớn. Nhãn tiền là những vụ vỡ nợ tín dụng đen, tác động sang cả hệ thống tài chính chính thống. Nợ xấu cũng nguy cơ bị phình to.
"Bộ Tài chính cần phối hợp với NHNN có định nghĩa rõ ràng về lãi suất hợp pháp, các giao dịch hợp pháp và không hợp pháp. Có như thế, mới xử lý được các trường hợp vi phạm. Còn bây giờ, lội vào thị trường ngân hàng ngầm này, cũng như lội vào một vùng biển tối đen, không có cơ sở gì để xử lý.
Mà thực tế, nhưng người đã dám xông vào hoạt động trong thị trường ngầm này, hầu hết là những người cực kỳ khôn ngoan, có thể qua mặt được ngân hàng chính thống, đối phó với cả pháp luật, nên sẽ rất dễ cài bẫy được người dân”, ông Hiếu đề xuất.