Câu chuyện về quy định này là nguồn cơn của những vụ kiện triệu đô tại Indonesia, đồng thời đặt vấn đề về việc quản lý ngôn ngữ cho người lao động và doanh nghiệp nước ngoài.
Nỗ lực đẩy mạnh quốc ngữ
Câu chuyện bắt đầu với Luật số 24/2009 được thông qua nhằm bảo vệ sự tôn nghiêm của quốc kỳ, quốc ngữ, quốc huy và quốc ca. Ngoài những vai trò phổ biến trong truyền thông và giáo dục, Điều 26 của bộ luật này cũng quy định rằng quốc ngữ phải được sử dụng trong tất cả các thoả thuận hợp đồng liên quan tới các cá nhân và tổ chức Indonesia.
Mặc dù không có các chế tài nào được quy định đối với việc vi phạm, điều luật này đã tạo nên những rủi ro nhất định. Hai phiên toà vào năm 2013 và 2017 đã dẫn chiếu Luật số 24/2009 để tranh chấp về hiệu lực của các hợp đồng sử dụng tiếng Anh giữa các công ty Indonesia và các nhà cung cấp nước ngoài của họ. Tòa án Indonesia sau đó đã phán quyết những hợp đồng này vô hiệu, gây ra những tranh cãi trong cộng đồng luật và doanh nghiệp quốc tế tại Indonesia.
Các cá nhân nước ngoài cũng không thuộc ngoại lệ. Cuối năm 2013, Bộ Lao Động quy định người lao động nước ngoài bắt buộc “có khả năng giao tiếng bằng tiếng Indonesia”. Hai năm sau, khả năng giao tiếp được quy định rõ hơn bằng chứng chỉ năng lực ngôn ngữ Indonesia. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài đã thể hiện sự e ngại về việc hoạt động kinh doanh tại đất nước này.
Lo ngại về việc cản trở đầu tư nước ngoài, Tổng thống Indonesia đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Lao Động khi đó rút lại quy định trên. Tuy nhiên, áp lực từ Hạ viện đã dẫn đến một quy định nhẹ hơn trong Quy định Tổng thống số 20/2018 về việc yêu cầu các nhà sử dụng lao động tạo điều kiện đào tạo tiếng Indonesia cho các lao động nước ngoài của họ. Tiếp theo là Quy định Tổng thống số 63/2019 làm rõ hơn về việc sử dụng quốc ngữ trong đạo luật 2009. Trong khi quy định này phân loại thứ bậc ngôn ngữ trong hợp đồng, nó còn chỉ rõ thêm các trường hợp mà tiếng Indonesia được áp dụng, bao gồm các phương thức giao tiếp tại nơi làm việc.
Sự tác động tới FDI
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một yếu tố nổi bật trong vấn đề ngôn ngữ gây tranh cãi này. Ngay cả doanh nghiệp trong nước cũng cho rằng những quy định như vậy sẽ làm giảm cơ hội thu hút các nhà đầu tư quốc tế. Vậy việc hạn chế trong việc sử dụng ngôn ngữ có thể gây bất lợi cho FDI ở mức độ nào?
Câu trả lời là rất đáng kể. Khi Bộ Kế Hoạch Phát triển Quốc gia Indonesia Bappenas tham vấn các lãnh đạo cấp cao tại các nước Đông Nam Á về những thay đổi đối với các chính sách công, hai trong số ba đề xuất được đưa ra liên quan đến ngôn ngữ, cụ thể là sửa đổi Quy định Tổng Thống số 63/2019 và dịch các quy định quan trọng sang tiếng Anh và các ngôn ngữ quốc tế khác. Hơn nữa, các nghiên cứu cho thấy các doanh nghiệp đa quốc gia (MNE) tại Châu Á ưu tiên sử dụng ngôn ngữ riêng của họ trong các tương tác giữa trụ sở chính với công ty con.
Các hạn chế về ngôn ngữ có ảnh hưởng đặc biệt đến các MNE Nhật Bản - quốc gia gửi vốn và nhân sự lớn thứ hai đến Indonesia vào năm 2018. Một cuộc khảo sát năm 2018 của Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) cũng cho thấy tầm quan trọng của ngôn ngữ trong các hoạt động quốc tế của các MNE Nhật Bản. Khi được yêu cầu xếp hạng 5 thành tích hàng đầu của các nền kinh tế khu vực châu Á, hầu hết tất cả được liệt kê “ít vấn đề về ngôn ngữ / giao tiếp hơn” hoặc “môi trường sống tốt cho người Nhật xa xứ” ngoại trừ Indonesia và Lào. Có thể thấy rằng các chính sách của Indonesia đã vô hình trung ngăn cản một trong những nguồn FDI quan trọng nhất của nước này.
Việt Nam trở thành ngôi sao mới trong khu vực
Khi nhìn vào ASEAN - điểm đến FDI đang thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản, Việt Nam có cách tiếp cận ngược lại với Indonesia về ngoại ngữ. Chính phủ Việt Nam tin rằng việc người dân thành thạo các kỹ năng ngoại ngữ là không thể thiếu trong quá trình hiện đại hóa đất nước.
Năm 2008, Việt Nam đã cam kết hơn 400 triệu USD cho chương trình đào tạo ngoại ngữ trên toàn quốc kéo dài nhiều năm. Mặc dù dân số ít hơn một nửa Indonesia, kỹ năng tiếng Anh của Việt Nam đã vượt Indonesia 9 bậc vào năm 2018. Việt Nam cũng chứng nhận số người học tiếng Nhật nhiều hơn bốn lần vào năm 2017.
Các nhà hoạch định chính sách của Indonesia có thể học hỏi từ ví dụ của Việt Nam. Thay vì bắt buộc sử dụng tiếng Indonesia giữa các doanh nghiệp nước ngoài, chính phủ nên khuyến khích họ đào tạo ngoại ngữ cho nhân viên địa phương. Sau đó, các công ty có thể thu được lợi ích từ chi phí đào tạo và giao tiếp thấp hơn trong khi người Indonesia có thể có được một công cụ có giá trị để tiếp cận thị trường việc làm toàn cầu.