Nhiều NH đang liên tục thực hiện các giao dịch bán bớt cổ phần nắm giữ tại các doanh nghiệp nhằm giảm tỷ lệ sở hữu theo chủ trương thoái vốn ngoài ngành, hoặc hiện thực hóa các khoản đầu tư tài chính. Sắp tới đây khi Thông tư 36 có hiệu lực, các thương vụ thoái vốn của NH sẽ còn gia tăng. Nhiều dự báo cũng cho rằng đây sẽ là khoản lợi nhuận bất thường NH ghi nhận trong năm 2015.
Theo một chuyên gia tài chính, nhóm cổ phiếu NH trên thị trường chứng khoán đang tăng điểm và thu hút sự chú ý của nhà đầu tư trong thời gian gần đây nhờ thông tin tích cực từ sáp nhập, hợp nhất trong năm mới. Do đó, việc thực hiện thoái vốn của NH trong năm 2015 được cho là sẽ khả quan hơn. |
Đầu tháng 1-2015, NHTMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) đã giao dịch bất thành khi muốn thoái hết 855.404 cổ phần Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD), tương đương 0,28% vốn tại đây. Tuy nhiên, trước đó NH này đã bán thành công hàng triệu cổ phiếu PVD.
Mục đích nhằm cơ cấu lại danh mục đầu tư. Cũng chỉ trong một thời gian ngắn gần đây, PVcomBank liên tục thoát hàng tại những doanh nghiệp mình đang nắm giữ trên sàn chứng khoán. Kể từ đầu quý IV-2014, PVcomBank đã thực hiện 5 đợt giao dịch bán bớt cổ phần tại CTCP Dịch vụ Vận tải Dầu khí Cửu Long (PCT) và đã giảm tỷ lệ nắm giữ từ 13,04% xuống còn 4,76% vốn; bán bớt hàng triệu cổ phiếu nhằm thoái bớt vốn tại các công ty như Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS), Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVT), CTCP Xây dựng Phục Hưng Holdings (PHC), CTCP Đầu tư PV2 (PV2).
Nguyên nhân thoái vốn bất thành của PVcomBank mới đây do sự kiện giá dầu rơi xuống mức thấp kỷ lục kiến cho nhóm cổ phiếu ngành dầu khí bị sụt giảm. Trước đây nhóm ngành này đã có giai đoạn tăng mạnh từ trước quý IV-2014 trên thị trường chứng khoán, nhờ vậy hoạt động thoái vốn của PVcomBank cũng thuận lợi hơn.
Chỉ tính trong các đợt giao dịch để giảm tỷ lệ không còn là cổ đông lớn tại PCT mang về cho NH này gần 30 tỷ đồng, chưa kể đến các thương vụ bán cổ phần với số lượng lớn tại hàng loạt doanh nghiệp dầu khí khác đúng ngay thời điểm tăng giá đã mang về hàng trăm tỷ đồng cho NH.
Tương tự, mới đầu năm 2015, NHTMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho hay muốn chuyển nhượng toàn bộ hơn 18 triệu cổ phần CTCP Điện Việt - Lào (VLPC), tương đương với 10,8% vốn tại công ty này. Theo BIDV, chiến lược thực hiện thoái vốn tại các doanh nghiệp không thuộc lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh chính theo chỉ đạo của Chính phủ.
Trước đó, gần giữa tháng 10-2014, BIDV đã đăng ký bán hết gần 2,5 triệu cổ phiếu CTCP Ngô Han (NHW), chiếm 10,89% vốn tại doanh nghiệp này trong thời gian 1 tháng. Kết quả của giao dịch này vẫn chưa được công bố. Cũng cùng mục đích cơ cấu lại danh mục đầu tư, BIDV đã giảm khối lượng sở hữu tại CTCP Đầu tư Hạ tầng - Đô thị Dầu khí (PTL) còn 6,9 triệu cổ phần, tương đương giảm tỷ lệ từ 7,7% vốn xuống 6,9% vốn sau khi bán xong 800.000 cổ phiếu PTL vào cuối tháng 9-2014.
Trong nửa cuối năm 2014, BIDV đã thực hiện 2 đợt bán cổ phần khác không phải doanh nghiệp niêm yết. Một là đã ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ 50% vốn góp tại NH Liên doanh VID Public (VPB) cho NH Public Bank Berhad (PBB) của Malaysia với giá cao hơn mệnh giá.
Đơn vị này sau đó là NH 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Hai là BIDV thông báo bán đấu giá 500.000 cổ phần của Tổng CTCP Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đang được giao dịch trên sàn OTC với mức giá khởi điểm 73.000 đồng/cổ phiếu.
Một cái tên khác cũng được nhắc nhiều mà chủ yếu là bán cổ phần phải là NHTMCP Việt Á (VietABank). Kể từ những ngày cuối tháng 12-2014 đến nay, VietABank đã thoái vốn hết gần 3 triệu cổ phần, tương đương 3,99% vốn tại CTCP Dịch vụ và Xây dựng Địa ốc Đất Xanh (DXG) và 2,8 triệu cổ phần (3,91%) CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF). Đồng thời, NH này bán ra rồi lại mua vào 11% vốn CTCP Công Viên Nước Đầm Sen (DSN).
Ngoại từ trường hợp của BIDV thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo chủ trương của Chính phủ nhằm đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước khỏi doanh nghiệp, phần lớn các giao dịch còn lại là thoái vốn những khoản đầu tư tài chính với mục đích cơ cấu lại danh mục đầu tư.
Có trường hợp như NH Sài Gòn-Hà Nội (SHB) với Công ty Chứng khoán SHS liên tục đăng ký bán ra hàng triệu cổ phần 2 đơn vị đang nắm giữ chéo lẫn nhau để giảm tỷ lệ sở hữu. Bởi theo Thông tư 36 của NHNN, quy định về giới hạn góp vốn, mua cổ phần của NHTM, công ty tài chính.
Theo đó, mức góp vốn mua cổ phần của một NHTM và các công ty con, công ty liên kết vào một doanh nghiệp không được vượt quá 11% vốn điều lệ của doanh nghiệp nhận góp vốn. Như vậy tới đây, những vụ thoái vốn để giảm tỷ lệ sở hữu của NH tại doanh nghiệp sẽ gia tăng khi Thông tư có hiệu lực.
![]() |
Giao dịch tại PVcomBank. |
Đồng thời Thông tư 36 quy định những NH đang sở hữu trên 5% vốn điều lệ và có cổ phần tại hơn 2 NH thương mại hoặc tổ chức tín dụng khác sẽ phải tiến hành thoái vốn. Đây là mục đích Thông tư 36 hướng đến nhằm giảm việc sở hữu chéo giữa các tổ chức tín dụng.
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán TPHCM (HSC), lợi nhuận của NH Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) hoàn toàn có khả năng đột biến trong năm 2015 nhờ việc bán một phần hoặc toàn bộ lượng cổ phần đang nắm giữ tại các NH khác như như Eximbank (8,19%), MBB (9,59%) và OCB (5,06%).
Nếu VCB bán 3,19% cổ phần EIB để giảm tỷ lệ sở hữu về dưới 5% vốn, 4,59% cổ phần MBB và 0,06% cổ phần OCB thị giá ngày ngày 13-11, NH có thể thu về 1.226 tỷ đồng. So với giá trị sổ sách của các cổ phần trên tại thời điểm quý III-2014, VCB có thể lãi tổng cộng khoảng 403 tỷ đồng.