Bứt phá nhanh
Tên cũ của S99 là CTCP Sông Đà 909 (thuộc Tổng công ty Sông Đà), được thành lập năm 1998. Ngành nghề kinh doanh chính của S99 là xây dựng các công trình nhà máy thủy điện. Các công trình thủy điện lớn S99 từng tham gia là Lai Châu, Sơn La, Tuyên Quang, Sê San 3.
Những năm gần đây, S99 còn tham gia thi công xây dựng công trình giao thông hạ tầng, như Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, bệnh viện Việt - Tiệp (Hải Phòng), đường giao thông huyện Kế Sách (Sóc Trăng).
Năm 2003, S99 được cổ phần hóa với vốn điều lệ 3 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành cổ phần hóa, S99 đăng ký giao dịch CP trên sàn HNX năm 2006. Đây được xem là bước ngoặt quan trọng của S99, bởi sau khi niêm yết CP doanh nghiệp này liên tục có những đợt phát hành CP tăng vốn.
Cụ thể, năm 2007 tăng vốn từ 3 tỷ đồng lên 15 tỷ đồng, năm 2009 lên 44,5 tỷ đồng, năm 2010 tăng lên 80 tỷ đồng và lên 99 tỷ đồng vào năm 2011. Kế hoạch tăng vốn của S99 thời gian này diễn ra khá suôn sẻ, bởi đây là thời điểm công ty có sự bứt phá mạnh về hoạt động sản xuất kinh doanh. Cụ thể, lợi nhuận năm 2006 chỉ đạt 3 tỷ đồng, đến năm 2009 tăng lên 22 tỷ đồng (tăng gấp 7 lần).
Trong khoảng thời gian này, S99 đã tạo nên cơn sốt trên TTCK. S99 chào sàn HNX trong phiên giao dịch ngày 22-12-2006 với giá chốt phiên đạt 29.000 đồng/CP. Trong bối cảnh TTCK còn ít doanh nghiệp niêm yết, S99 trở thành mã CP nóng khi liên tục “cháy hàng” do được NĐT săn lùng.
Thậm chí, S99 đã tạo nên cơn “địa chấn” với chuỗi tăng kéo dài và xác lập đỉnh 440.000 đồng/CP ở ngày giao dịch 26-7-2007. Như vậy, chỉ trong vòng 7 tháng sau khi niêm yết, S99 ghi nhận mức tăng đạt hơn 15 lần.
Lao dốc mạnh
Lao dốc mạnh
Tuy nhiên, sau giai đoạn thăng hoa trong năm 2007, S99 đã không thể giữ vững được vị thế của mã CP hàng đầu trên sàn HNX khi liên tục sụt giảm. Tuy nhiên, nguyên nhân của đợt suy giảm này không xuất phát nhiều từ tác động của thị trường chung, mà đến từ hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng đi xuống.
Từ mức đỉnh 440.000 đồng/CP, S99 lao dốc và liên tục tạo nên mức giá đáy. Đến thời điểm giữa năm 2013, S99 giao dịch dưới mệnh giá khi chỉ 3.500 đồng/CP.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của S99 có dấu hiệu chững lại từ năm 2011, với lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 320 triệu đồng và không thể trả cổ tức 4% như kế hoạch đặt ra. Theo giải trình của HĐQT, nguyên nhân do các chủ đầu tư công trình gặp khó khăn về nguồn vốn, cùng với chi phí lãi vay tăng cao, đã ảnh hưởng lớn trực tiếp đến kết quả kinh doanh.
Đến cuối năm 2011, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang lên đến 68 tỷ đồng, các khoản phải thu khách hàng 28 tỷ đồng. Đáng chú ý, chi phí tài chính tăng mạnh lên 19 tỷ đồng do lãi suất thực tế tăng cao, đã đẩy chi phí lãi vay tăng và chi phí trích lập dự phòng đầu tư tài chính lớn. Được biết, S99 đã đầu tư 12 tỷ đồng vào TTCK và phải trích lập dự phòng đến 8 tỷ đồng trong năm 2011.
Năm 2012, S99 bất ngờ lãi lớn nhờ khoản hoàn nhập đầu tư tài chính do những mã CP đang nắm giữ tăng giá trở lại. Thế nhưng, hoạt động đầu tư tài chính vẫn là nguyên nhân chính đẩy S99 vào tình thế khó khăn về vốn.
Năm 2013, S99 thậm chí phải dừng 2 dự án đầu tư trong lĩnh vực bất động sản tại Hà Nội, gồm dự án đầu tư cải tạo xây dựng lại nhà A2, B1, B2, B3 khu tập thể Ngọc Khánh (quận Ba Đình), dự án cải tạo xây dựng lại khu tập thể Vĩnh Hồ (quận Đống Đa).
Chưa thấy ánh sáng
Chưa thấy ánh sáng
Trái với công bố giảm đầu tư thủy điện, mới đây HĐQT S99 công bố kế hoạch rót gần 102 tỷ đồng vào 3 dự án thủy điện: Nậm Lụm 2 (50,4 tỷ đồng), Nậm Xe (20 tỷ đồng) và Nậm Lụm 1 (31,5 tỷ đồng). |
Tại ĐHCĐ năm 2012, HĐQT của S99 thông qua tờ trình hủy kế hoạch tăng vốn lên 400 tỷ đồng, thay vào đó là phương án tăng vốn mới từ 99 tỷ đồng lên 200 tỷ đồng. Trước đó, S99 đã xin giấy phép phát hành thêm CP để tăng vốn từ 99 tỷ đồng lên 170 tỷ đồng, nhưng do giá CP giảm xuống dưới mệnh giá nên việc phát hành không thể thực hiện.
Trước tình cảnh khó khăn này, năm 2014 HĐQT của S99 quyết định tái cấu trúc hoạt động sản xuất kinh doanh dưới mô hình công ty mẹ - công ty con. Theo kế hoạch, S99 tập trung chuyển hướng lĩnh vực ngành nghề, thay vì tập trung vào thi công công trình công nghiệp thủy điện, S99 chuyển sang thi công công trình giao thông hạ tầng.
Đặc biệt, S99 vẫn tiếp tục theo đuổi hoạt động đầu tư tài chính thông qua đầu tư góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng. Nỗ lực này phần nào giúp S99 có lợi nhuận đột biến trong năm 2014 là 20,4 tỷ đồng (tăng 664%), EPS đạt 1.713 đồng/CP (tăng 645%).
Kết quả mỹ mãn này giúp S99 hoàn thành kế hoạch tăng vốn lên 370 tỷ đồng trong quý II-2015. Thậm chí, HĐQT của S99 còn lên kế hoạch phát hành trái phiếu huy động vốn tối đa 200 tỷ đồng, phục vụ kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh theo định hướng tái cấu trúc đã được phê duyệt.
Tuy nhiên, hướng đi mới vẫn chưa thể khiến cổ đông yên tâm khi doanh nghiệp bất ngờ báo lỗ 18,5 tỷ đồng trong năm 2017. Kết quả này khiến S99 bị HNX đưa vào diện cảnh báo. Dù trong năm 2018, S99 đã được đưa ra khỏi danh sách cảnh báo nhờ kinh doanh có lãi trở lại, nhưng giá CP vẫn chưa thể trở về mệnh giá (10.000 đồng/CP), khi NĐT vẫn tỏ ra thận trọng khi đánh giá về triển vọng, nhất là trong bối cảnh doanh nghiêp liên tục có những biến động về mặt nhân sự cao cấp và những bất nhất trong chiến lược kinh doanh.