PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, dưới góc nhìn luật pháp hoạt động kinh doanh đa cấp của Công ty Saivian có phù hợp?
Luật sư TRƯƠNG THANH ĐỨC: - Hoạt động kinh doanh đa cấp dịch vụ của Saivian về bản chất không khác gì các mô hình kinh doanh đa cấp đã đổ vỡ trong thời gian qua. Lợi nhuận của công ty này vẫn phụ thuộc phần lớn vào việc phát triển mạng lưới thành viên, đóng phí 125USD, phí mở thẻ Master Card 25USD, theo phương thức thành viên mới sẽ mang lại lợi nhuận cho thành viên cũ.
Việc hình thành kho dữ liệu Big Data giống như Google, Facebook thông qua việc huy động, trả cho các thành viên trong mạng lưới 20% hoa hồng khi cung cấp hóa đơn mua hàng bằng thẻ Visa, Master chỉ là một chiêu thức, không đủ để hình thành nên Big Data.
Hoạt động của Công ty Saivian đã vi phạm nghiêm trọng việc kinh doanh đa cấp không giấy phép. Ngay cả khi Saivian được Bộ Công Thương cấp phép hoạt động kinh doanh đa cấp cũng không được kinh doanh đa cấp dịch vụ. Dưới góc nhìn luật pháp, Saivian đang có dấu hiệu lừa đảo. Bản chất vấn đề là hoạt động kinh doanh đa cấp dịch vụ không xuất phát từ việc mua bán hàng hóa thực.
Chẳng hạn như kích thích các thành viên mua hàng thông qua giảm giá, hay kích thích thành viên đầu tư vào một dự án sản xuất nào đó sẽ có lãi, sẽ phát sinh lợi nhuận còn có thể chấp nhận được. Trong khi mô hình hoạt động của Saivian hoàn toàn là lừa đảo, vì không có cơ sở gì để hình thành lợi nhuận, ngoài việc lấy tiền của người trước trả cho người sau.
Khi có hàng ngàn thành viên tham gia mạng lưới, thời gian đầu có thể Saivian có lãi thật, vì công ty này thu được nhiều tiền của thành viên và chỉ lấy một phần ra trả. Nhưng rủi ro tham gia mạng lưới đa cấp này của các thành viên rất lớn, bởi mô hình công ty đa cấp dịch vụ có thể sập bất cứ giờ, phút nào, khi số lượng thành viên tham gia giảm.
- Nếu người dân tham gia sâu mạng lưới của Saivian, hậu quả sẽ thế nào thưa ông?
- Hậu quả cuối cùng là mất trắng, dù có thể một số người sẽ thu được lợi nhuận trước mắt. Kinh doanh đa cấp dịch vụ giống như kinh doanh đa cấp hàng hóa, tức sẽ có một số người thu được lợi nhuận, nhưng chắc chắn số người thu được lợi nhuận sẽ thấp hơn số bị mất tiền.
Chỉ cần số thành viên tham gia mạng lưới giảm, lập tức Saivian hết nguồn thu, không còn tiền để chi trả các thành viên tham gia mạng lưới, đồng nghĩa các thành viên đến sau sẽ mất toàn bộ số tiền. Bởi hoạt động kinh doanh này dường như vô hình, núp bóng tồn tại ở đâu đó và không được pháp luật bảo vệ. Việc các thành viên nộp tiền cho Saivian cũng không rõ ràng về hóa đơn, chứng từ, núp bóng dưới hình thức kinh doanh nào đó, nó ảo và người bị hại sẽ không biết kiện cáo ở đâu.
- Ông có lo ngại hành vi làm giả thẻ Visa, Master của khách hàng khi Saivian thu thập dữ liệu thẻ hàng loạt khách hàng thông qua việc mua bán hóa đơn. Và Saivian lấy tiền đâu để trả cho khách hàng 20% hoa hồng theo giá trị hóa đơn mua bán?
- Đây không phải lo ngại chính, vì muốn làm giả thẻ Visa, Master còn phụ thuộc vào nhiều thứ khác. Bởi các thông tin về chủ thẻ hiện vẫn đang giao dịch hàng ngày tại các hệ thống siêu thị, nếu muốn họ vẫn có thể lấy thông tin qua kênh này. Tuy nhiên việc dễ lấy thông tin hơn sẽ dẫn tới khả năng làm giả thẻ cao hơn.
Về việc Saivian lấy tiền đâu để trả cho khách hàng 20% hoa hồng, trên thực tế Saivian có thể trả cho khách hàng 300% hoa hồng theo giá trị hóa đơn mua bán, vì họ vẫn có khả năng ngắn hạn. Bởi lẽ cứ 1 người tham gia mạng lưới nộp 125USD, vậy nếu 10 người, 100 người, 1.000 người, 10.000 người tham gia, Saivian đã thu về cả triệu USD, tức họ vẫn có nguồn để chi trả hợp pháp. Vì đó là tiền thật thu từ phí thành viên. Nhưng khi mọi người nhận ra dấu hiệu lừa đảo, không tiếp tục tham gia nữa hệ thống này có thể sập ngay lập tức.
- Từ những hiện tượng kinh doanh đa cấp như Thiên Ngọc Minh Uy, Lô Hội… đã đổ vỡ, theo ông có cần sự cảnh báo sớm của các cơ quan chức năng về hoạt động kinh doanh đa cấp dịch vụ của Saivian và hiện tượng Tresmore đang nổi lên ở TPHCM?
- Bản chất kinh doanh đa cấp vẫn có khả năng thu lợi nhuận. Nhưng ở ta kinh doanh đa cấp thường bị biến tướng thành lừa đảo, gian dối, chụp giật.
Việc đưa ra cảnh báo sớm là cần thiết, vì đó là nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan công an. Còn để cho hiện tượng kinh doanh đa cấp đổ vỡ mới vào cuộc thì vô nghĩa. Bởi lúc đó những người bị hại không thể lấy lại số tiền đã mất. Cần sớm đưa ra cảnh báo để ngăn chặn kịp thời hiện tượng này. Bởi đây là hoạt động kinh doanh bất hợp pháp, chưa xử lý được cũng cần cảnh báo sớm cho người dân.
Cũng có nhiều người dân hám lợi cố tình tham gia hệ thống đa cấp dịch vụ, vì cứ nghĩ mô hình kinh doanh này là có lý, là hợp pháp, bởi công ty này đã có đăng ký kinh doanh, có trụ sở chỗ này, chỗ kia, có giao dịch đàng hoàng và có mở tài khoản NH… Những yếu tố này thường khiến các thành viên tham gia hệ thống nhầm lẫn.
- Xin cảm ơn ông.
Lo ngại lớn nhất với kinh doanh dịch vụ đa cấp là sự lừa đảo và hệ thống này có thể đổ vỡ bất cứ lúc nào, không thể biết trước được. Bản chất của hoạt động kinh doanh đa cấp dịch vụ là không có nguồn thu thực, người này ăn của người kia. Về nguyên tắc kinh doanh, thu phải nhiều hơn chi mới có lãi, nhưng ở đây luôn luôn không có nguồn thu, hoặc có nguồn thu không đáng kể, đương nhiên sẽ dẫn đến sụp đổ. |