PHÓNG VIÊN: - Ông có thể chia sẻ những cơ sở để hình thành sàn giao dịch heo hơi tại TPHCM?
Ông NGUYỄN NGỌC HÒA: - Có hai nhóm cơ sở để hình thành sàn giao dịch heo hơi là nhóm điều kiện cần và nhóm điều kiện đủ. Với nhóm điều kiện cần bao gồm 4 yếu tố: thứ nhất, sàn giao dịch hàng hóa nói chung, thịt heo nói riêng là hình thức giao dịch văn minh hiện đại, rất phổ biến ở các nước. Sàn giao dịch cho phép kết nối trực tiếp người sản xuất và thị trường người tiêu dùng. Thông qua sàn giao dịch sẽ có hệ thống thông tin đầy đủ, công khai, minh bạch về các giao dịch hàng hóa.
Thứ hai, quy mô thị trường thịt heo TPHCM đủ lớn để vận hành sàn giao dịch. Mỗi ngày tiêu thụ hơn 10 ngàn con heo, tổng giá trị lên tới 750 triệu USD/năm, nguồn heo cung cấp tập trung từ 6-10 tỉnh thành chủ yếu phân phối 2 chợ sỉ lớn Bình Điền và Hóc Môn, cùng với kênh phân phối hiện đại khoảng 12 chuỗi siêu thị.
Thứ ba, số lượng chủ thể tham gia tương đối tập trung, bình quân mỗi ngày có 90 trại chăn nuôi xuất bán hàng, có 24 cơ sở giết mổ, 280 thương nhân chợ đầu mối nhưng chỉ 100 thương nhân bán sỉ, cùng 12 chuỗi siêu thị bán lẻ.
Thứ tư, với đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo cho phép chúng ta có nguồn dữ liệu tương đối đầy đủ, được cập nhật, quản lý tập trung tại trung tâm dữ liệu dùng chung của TPHCM trong đề án đô thị thông minh của TP.
Về nhóm điều kiện đủ cũng có 4 yếu tố. Thứ nhất, hiện nay với thành tựu công nghiệp 4.0, cho phép tìm những giải pháp phù hợp để vận hành và quản lý sàn giao dịch hiệu quả, thao tác tương đối đơn giản, chi phí đầu tư không quá cao.
Thứ hai, qua khảo sát các chủ thể liên quan, chúng tôi thu nhận sự đồng thuận cao. Họ đều mong muốn có thị trường minh bạch, đầy đủ thông tin để yên tâm đầu tư, hiện đại hóa, mở rộng quy mô và đặc biệt xây dựng thương hiệu trên thị trường.
Thứ ba là sự chỉ đạo cao của nhà nước trong hiện đại hóa ngành chăn nuôi và tiêu thụ thịt heo theo hướng an toàn thực phẩm, bình ổn thị trường giá cả hướng đến xuất khẩu chính ngạch. Riêng thị trường TPHCM, chúng ta lại có thêm quyết tâm của lãnh đạo TP trong việc xây dựng đô thi thông minh, và TP rất quan tâm sẵn sàng đầu tư hỗ trợ và khuyến khích việc ứng dụng đưa CNTT vào hoạt động kinh doanh và quản lý của tất cả các thành phần kinh tế.
Cuối cùng quan trọng là chúng ta có thể tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn của các tổ chức quốc tế và các chủ thể liên quan.
Kỳ vọng khi có sàn giao dịch heo hơi sẽ kết nối từ người bán đến người mua và trung tâm tiêu thụ, không bị cảnh ép giá.
- Cụ thể với lần ký kết biên bản ghi nhớ này, phía Cục thực thi quy định quốc tế của Anh sẽ hỗ trợ TPHCM như thế nào trong quá trình hoàn thiện sàn giao dịch heo hơi?
- Phía Cục thực thi quy định quốc tế của Anh sẽ hỗ trợ chúng tôi trong việc tư vấn kỹ thuật, cách thức vận hành sàn giao dịch hàng hóa nói chung, sàn giao dịch heo hơi nói riêng. Đồng thời tư vấn về pháp lý, các quy chế hoạt động của sàn như thế nào.
Sau khi ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác, dự kiến các hoạt động hợp tác sẽ bắt đầu từ ngày 31-3-2019 và kết thúc vào ngày 31-3-2021 (trong thời gian 2 năm). Tất nhiên, ngoài sự trợ giúp của phía Anh, chúng tôi cũng phải nghiên cứu học tập kinh nghiệm của các sàn giao dịch hàng hóa khác trên thế giới, để hiểu rõ hơn phương thức vận hành của sàn giao dịch, bởi sàn giao dịch heo hơi sẽ là tiền đề để mở rộng ra các sản phẩm nông sản khác, hướng tới hình thành phương thức kinh doanh mới văn minh, hiện đại cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.
- Theo lộ trình thì khi nào sàn giao dịch heo hơi tại TPHCM sẽ chính thức được vận hành, thưa ông?
- Ngay tại thời điểm này, chúng tôi chưa thể khẳng định lộ trình chi tiết, nhưng nhìn vào biên bản hợp tác mà chúng tôi ký với phía Cục thực thi quy định quốc tế Anh, có thể khái quát lộ trình này khoảng 2 năm. Cái đầu tiên là phải hình thành được mô hình hoạt động sàn giao dịch như thế nào, kết nối các chủ thể ra sao giữa người chăn nuôi gắn người giết mổ gắn thương nhân chợ đầu mối.
Cùng với đó là vai trò của các cơ quan kiểm định độc lập. Phải hình thành quy trình vận hành sàn, hình thành cơ quan quản lý vận hành, hình thành hệ thống các luật chơi, các quy định trong sàn. Càng nhiều chủ thể càng phải có quy chế và cần có thời gian để tất cả mọi người trong cuộc chuyển động và thay đổi.
Ngay như việc chúng ta muốn có thịt heo VietGap, để vận hành sàn đâu phải một sớm một chiều mà có ngay. Heo VietGap dễ với các công ty lớn nhưng còn nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cần phải có thời gian. Chính vì những yếu tố này nên chúng tôi dự kiến khoảng 2 năm để cùng làm, cùng xây dựng, cùng thay đổi.
Trước đây, đề án truy xuất nguồn gốc cũng phải mất 1,5 năm mới đưa đến được thời khắc ủy ban ra quyết định hàng vào chợ đầu mối phải có truy xuất nguồn gốc. Tất cả sẽ có phân kỳ, có giai đoạn vận hành thử, đối tượng nào áp dụng thử nghiệm trước, đầu tư công nghệ thông tin, kết nối thanh toán ra sao… Trong quá trình nghiên cứu chúng tôi sẽ phải giải quyết hết tình huống đặt ra.
- Theo phương thức vận hành truyền thống thương lái có vai trò quyết định, vậy ở phương thức mới thương lái còn có vai trò gì hay không?
- Theo phác thảo định hướng xây dựng, sàn giao dịch sẽ kết nối các chủ thể quan trọng: thứ nhất các cơ sở chăn nuôi, thứ hai là cơ sở giết mổ (phải là cơ sở công nghiệp giết mổ hiện đại), thứ ba các thương nhân tại 2 chợ đầu mối. Sàn giao dịch ra đời phải đảm bảo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap với ngành chăn nuôi.
Phải thực hiện được việc truy xuất nguồn gốc trong chăn nuôi, tiêu dùng và phân phối và trải qua giết mổ công nghiệp. Sàn là nơi giao dịch, kết nối mua bán của các chủ thể với nhau, song ở đó có sự tham gia của các cơ quan kiểm định độc lập để đánh giá chất lượng heo hơi đầu vào, heo mảnh sau khi giết mổ, sau khi tiêu thụ ngoài thị trường. Đặc biệt không thể thiếu vai trò thương lái.
Nhưng thương lái không còn vai trò chi phối, vì đã có giao dịch trực tiếp giữa 3 chủ thể quan trọng này mà thương lái đảm nhiệm chức năng chính là logistics (cung ứng, hậu cần giao nhận vận chuyển).
- Xin cảm ơn ông.