Duy Anh là một doanh nghiệp thực phẩm có cơ sở sản xuất tại huyện Củ Chi, TPHCM. Do nhân sự chủ yếu là người địa phương hoặc ở trọ gần đó nên không gặp khó khăn nhiều trong khâu tổ chức lực lượng lao động. Tuy nhiên, việc lưu thông hàng hóa lại bị ảnh hưởng, vì tài xế công ty phải test nhanh Covid-19 mới có thể giao hàng cho đối tác.
"Hiện tại, số nơi test ít mà nhiều người muốn được test nên việc xếp hàng hay tập trung đông cũng gây khó khăn", ông Lê Duy Toàn, Giám đốc Công ty Duy Anh, cho biết.
Theo khảo sát của VnExpress, nhiều doanh nghiệp sản xuất tại TPHCM và các tỉnh lân cận có lưu thông nguyên vật liệu, thành phẩm với thành phố khá "chật vật" trong việc tổ chức logistics trong những ngày qua.
Nguyên nhân bởi hàng loạt địa phương yêu cầu người ra vào địa giới hành chính phải có giấy kết quả xét nghiệm âm tính Covid-19, giới tài xế và doanh nghiệp hay gọi quen thuộc là "giấy thông hành".
Nhiều tỉnh Tây Nam Bộ cũng có lệnh tương tự. Ví dụ, Vĩnh Long đã quy định người đến tỉnh này từ vùng dịch phải có giấy xét nghiệm âm tính hiệu lực trong 72 giờ, từ cuối tháng trước. Hay hôm 7-7, người đến Tiền Giang phải có kết quả xét nghiệm âm tính bằng phương pháp Realtime RT-PCR không quá 3 ngày.
Ở đầu ra vào TPHCM, sáng 8-7, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu tất cả người điều khiển, người phục vụ, hành khách trên phương tiện vận chuyển hành khách, hàng hóa khi từ TPHCM đi các tỉnh, thành phố khác hoặc từ tỉnh, thành phố khác đến TPHCM bắt buộc phải có giấy xét nghiệm âm tính với nCoV.
Bị thiếu hụt tài xế trong đợt bùng phát lần 4, AhaMove, một nền tảng giao hàng khu vực nội thành TPHCM và lân cận cho hay, từ 5-7, sau khi chính quyền một số khu vực yêu cầu giấy thông hành đối với người lao động di chuyển từ TPHCM đi Bình Dương và Đồng Nai, các đơn hàng liên tỉnh của họ và cả của các doanh nghiệp vận chuyển khác bị ùn ứ.
"Diễn biến dịch bệnh quá nhanh khiến cho các lệnh ban hành và áp dụng khá đột ngột, thường chỉ trong vòng hơn một ngày. Trong khi đó, thực tế thời gian có kết quả xét nghiệm tập trung thường kéo dài hơn. Một số tài xế của chúng tôi chưa sắp xếp được thời gian để xét nghiệm đáp ứng điều kiện thông chốt kiểm dịch này", đại diện AhaMove cho biết.
Một doanh nghiệp sản xuất ngành thiết bị điện yêu cầu giấu tên cho biết, vấn đề lớn nhất là ở việc các quy định thuộc Chỉ thị 16 (ra vào thành phố phải có giấy xét nghiệm trong bao nhiêu ngày, thủ tục ra sao, thời hạn có hiệu lực...) vẫn còn chưa thống nhất giữa các tỉnh thành lân cận, và thường có sự thay đổi.
"Do đó, doanh nghiệp sản xuất - nhất là doanh nghiệp có cơ sở sản xuất ở các tỉnh thành phụ cận sẽ vướng phải nhiều khó khăn trong vấn đề lưu thông hàng hoá hoặc bố trí nhân công làm việc", vị đại diện công ty nói.
Ông Phạm Thanh Bình, Tổng giám đốc công ty Bích Chi, một doanh nghiệp thực phẩm trụ sở chính ở Đồng Tháp, cho hay các tỉnh lẻ có rất ít điểm xét nghiệm nên tài xế phải ngồi chầu chực chờ đợi.
"Xét nghiệm liên tục vậy thời gian đâu nữa chở hàng. Nếu xoay không kịp giấy thì tài xế phải tạm nghỉ, hàng hoá phải dừng chứ không biết làm sao", ông Bình nói.
Đó là chưa kể chi phí đang dội lên, khi một lần test nhanh Bích Chi phải tốn khoảng 300.000 đồng. Dù vậy, đây là mức giá đã tương đối "mềm".
Hiện nay, giá xét nghiệm bằng phương pháp Realtime PCR mẫu đơn là hơn 700.000 đồng một lần. Xét PCR mẫu gộp thì hơn 600.000 đồng chia cho số mẫu (5 hoặc 10) cộng với 100.000 đồng một mẫu tiền công lấy mẫu và bảo quản bệnh phẩm. Lựa chọn "nhẹ nhàng" nhất là phương pháp test nhanh giá từ hơn 200.000 đồng đến 400.000 đồng mỗi lần, tùy mỗi cơ sở.
Mới đây, Hiệp hội doanh nghiệp Logistics Việt Nam (VLA) vừa đưa ra kiến nghị không xét nghiệm PCR với lái xe ra vào vùng dịch, để tiết kiệm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp với Sở Giao thông Vận tải, Công Thương TPHCM.
Theo VLA, khi ra vào vùng dịch, tài xế được trang bị bảo hộ và chỉ ngồi trên cabin, không ra khỏi xe khi giao và nhận hàng. Đồng thời, tài xế thực hiện nghiêm theo văn bản 898 về hướng dẫn phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế. Do đó, theo hiệp hội, rủi ro lây nhiễm từ lái xe ra cộng đồng là rất hiếm.
Một số doanh nghiệp nói rằng họ hiểu rõ các địa phương cũng đang phải căng thẳng chống dịch, nên khó có việc giới chức sẽ bỏ "giấy thông hành". Một số lãnh đạo cho rằng họ cũng "không biết đề xuất gì nhiều", vì tình thế đang tiến thoái lưỡng nan cho nhà quản lý lẫn doanh nghiệp.
Trước mắt, doanh nghiệp kỳ vọng việc cấp giấy thông hành được thống nhất giữa TPHCM và các địa phương về thời hạn hiệu lực, quy trình thủ tục và mở rộng các điểm xét nghiệm để giải tỏa quá tải.
"Tôi nghĩ ngoài nghiêm túc 5K, nên tạo điều kiện cho hoạt động giao nhận hàng, hoặc là tiêm đại trà vaccine cho lái xe để họ có chứng nhận mà giao hàng", ông Bình chia sẻ dù hiểu, giờ bỏ quy định giấy xét nghiệm âm tính cũng khó, mà cũng chưa thể tiêm ngay vaccine.
Nhìn chung, các doanh nghiệp sản xuất cho biết đang gặp khó nhất ở khâu logistics. Một số khó khăn còn lại đều đã có lời giải tạm thời. Phía doanh nghiệp thiết bị điện cho hay đã có sự chuẩn bị phần nào nguồn hàng tại các kho trong nội thành TPHCM, vẫn đủ trong một thời gian dài sắp tới.
"Các vấn đề về thiết hụt hàng hoá phục vụ nhu cầu người dân thành phố trong giai đoạn giãn cách sẽ không gặp quá nhiều hạn chế", đại diện công ty khẳng định.
Công ty Duy Anh giờ không tuyển thêm người mới dù có đơn đặt hàng. Lao động tại xưởng chưa được tiêm vaccine, nên công ty sợ có F0 sẽ ảnh hưởng đến cả xưởng. Hàng ngày, ngoài lo sản xuất để kịp các đơn hàng đã ký, ông Lê Duy Toàn liên tục theo dõi tình hình để liên hệ khách cho thêm ngày xuất. Không chỉ lưu thông nội địa, công ty này còn bị ảnh hưởng bởi giá cước tàu vận chuyển tăng, cùng với việc thiếu container.
"Mong muốn lớn nhất là dịch bệnh ổn và kết thúc nhanh chóng, chứ tính hình này mà kéo dài quá thì mọi người kiệt sức hết và cũng không chịu đựng nổi", ông Toàn chia sẻ.