Tăng thị phần xuất khẩu, phải sản xuất xanh
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, trong 3 năm qua, hội đã gấp rút triển khai mô hình sản xuất xanh, thân thiện với môi trường cho các doanh nghiệp thành viên. Theo đó, các doanh nghiệp phải giảm chất thải phát sinh, thay đổi thói quen và công nghệ sử dụng năng lượng hóa thạch sang nguồn năng lượng sinh học, năng lượng tái tạo…
Vitas đã phối hợp với Tổ chức Quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF) triển khai dự án “Xanh hóa ngành dệt may Việt Nam thông qua cải thiện quản lý nước và năng lượng bền vững”. Dự án này thúc đẩy cải thiện chất lượng nguồn nước và sử dụng năng lượng bền vững. Đồng thời, hỗ trợ được nhiều hơn cho các khu công nghiệp trong việc tiếp cận gói “tín dụng xanh” để đầu tư khu công nghiệp dành riêng cho ngành dệt may.
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest) chia sẻ, trung bình kim ngạch xuất khẩu gỗ đạt 12,5 tỷ USD/năm. Hầu hết các thị trường xuất khẩu chính của ngành gỗ là Mỹ, châu Âu, Nhật Bản…
Các thị trường này đều có quy định nghiêm ngặt về nguồn gốc gỗ, tính hợp pháp của gỗ. Người tiêu dùng tại các thị trường này không chấp nhận các sản phẩm gỗ có nguồn gốc từ rừng tự nhiên, đặc biệt là các loài gỗ nhiệt đới, gỗ quý. Đây cũng là cách mà các nước này tuân thủ những quy định liên quan đến phát triển kinh tế tuần hoàn. Do vậy, để duy trì được thị phần xuất khẩu, doanh nghiệp trong nước bắt buộc phải đáp ứng yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu gỗ là khai thác từ rừng trồng.
Ở góc độ khác, việc cam kết xanh cũng nhằm thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế mà Chính phủ Việt Nam đã ký liên quan đến phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, bao gồm Công ước về Buôn bán quốc tế đối với các loài nguy cấp (CITES) và Hiệp định Đối tác tự nguyện VPA/FLEGT.
Liên quan đến lĩnh vực này, bà Hoàng Thị Thanh Nga thuộc WWF cho rằng, đây chỉ là hai trong số các ngành sản xuất của Việt Nam phải tuân thủ cam kết bảo vệ môi trường, thực hiện trách nhiệm xã hội nhằm hướng đến nền kinh tế tuần hoàn, không phát sinh chất thải, không gây ô nhiễm môi trường.
Cũng theo bà Nga, không chỉ riêng những cam kết môi trường mà Việt Nam đã ký kết, trong những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á Âu, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)… ngoài những cam kết về đầu tư, thương mại hàng hóa, dịch vụ, thì môi trường hay phát triển bền vững là những nội dung không thể thiếu.
Liên minh xanh chi phối chuỗi cung ứng toàn cầu
Ở góc độ khác, theo kết quả điều tra của Bộ TN-MT, kinh tế phát triển trong những năm qua đã dẫn đến nhiều hệ lụy cho môi trường. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến thị phần xuất khẩu của doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người dân. Hiện có đến 80% lượng nước ngọt của hệ thống sông kênh rạch bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Tại những con sông vốn là nguồn cấp nước sinh hoạt cho hàng chục triệu người dân như sông Hồng, sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, sông Hương… nhiều chất thải đã vượt ngưỡng cho phép. Lượng chất thải rắn cũng không ngừng gia tăng trong khi công nghệ xử lý còn lạc hậu. Trung bình mỗi năm môi trường Việt Nam tiếp nhận khoảng 12 triệu tấn rác thải sinh hoạt, lượng rác thải tăng 10% - 15%/năm. Tại khu vực siêu đô thị như TPHCM, trung bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng 9.000 tấn rác thải sinh hoạt và tỷ lệ tăng hàng năm là 12%.
Việt Nam hiện nằm trong tốp 10 nước có lượng rác thải nhựa ra môi trường lớn nhất thế giới. Việc áp dụng kinh tế tuần hoàn không những giảm chất thải phát sinh mà còn giúp chuyển đổi rác thải thành nguồn nguyên liệu sản xuất, chấm dứt tình trạng đưa rác thải ra môi trường. Và để làm được việc này không chỉ dựa vào cơ quan chức năng trong việc tăng hạ tầng tiếp nhận và xử lý chất thải phát sinh nói chung mà ngay từ khâu sản xuất của doanh nghiệp, sinh hoạt của người dân cần áp dụng biện pháp kinh tế tuần hoàn.
“Về phía Chính phủ, cần tạo điều kiện và thiết lập các quy chuẩn để thúc đẩy hợp tác. Lộ trình hệ thống quản lý rác thải nhựa nói riêng, chất thải nói chung cần có khuôn khổ cụ thể và quy trình rõ ràng. Các cơ quan quản lý cần chủ động giải quyết vấn đề trong xuyên suốt chuỗi giá trị, từ việc sửa đổi cấu trúc thuế đến đưa ra các đặc quyền thuế cho các doanh nghiệp kinh doanh tái chế và quản lý rác thải. Cần áp dụng công nghệ để quản lý tài nguyên nhằm đạt hiệu quả tối đa và giảm thiểu lãng phí nguyên liệu. Ngoài ra, có thể đưa ra các đặc quyền về thuế nhằm khuyến khích các doanh nghiệp chuyển sang sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường hoặc tái chế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh”, ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn SCG, nhấn mạnh.
Kinh tế tuần hoàn (tiếng Anh: circular economy) là một mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất, và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Các hệ thống tuần hoàn áp dụng quy trình tái sử dụng (Reuse) thông qua chia sẻ (Sharing), sửa chữa (Repair), tân trang (Refurbishment), tái sản xuất (Remanufacturing) và tái chế (Recycling) nhằm tạo ra các vòng lặp kín (close-loops) cho tài nguyên, nhằm giảm đến mức tối thiểu số lượng tài nguyên sử dụng đầu vào và số lượng phế thải tạo ra, cũng như mức độ ô nhiễm môi trường và khí thải. |