Sáng, tối bức tranh nông sản Việt - Hướng đi bền vững từ sản xuất sạch

(ĐTTCO) - Nông sản Việt đang bộc lộ rõ 2 mảng sáng, tối. Từ đầu năm 2022 đến nay, theo Tổng cục Hải quan, có đến 9 sản phẩm nông nghiệp chạm mốc kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD như cà phê, cao su, điều, rau quả, gạo, cá tra, tôm...

 Nhóm ngành nông nghiệp nói chung có kim ngạch xuất khẩu đạt gần 28 tỷ USD, tăng 13,9% so cùng kỳ. Nông sản Việt có mặt tại 180 thị trường trên thế giới, trong đó có nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu… 

Thế nhưng, từ đầu năm đến nay, ngành chức năng cũng đã phát hiện nhiều vụ rau quả… có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hoặc phân hóa học. Đỉnh điểm là đợt kiểm tra chợ đầu mối nông sản ở TPHCM vừa qua, có tới 50% mẫu xét nghiệm thực phẩm, rau quả có dư lượng hóa chất, 40% mẫu hải sản phát hiện có kim loại nặng.

Sáng, tối bức tranh nông sản Việt - Hướng đi bền vững từ sản xuất sạch ảnh 1Vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long

Trên nhiều tỉnh, thành cả nước, không ít nơi đã và đang áp dụng sản xuất, nuôi trồng thủy hải sản sạch hơn, không những theo tiêu chuẩn của Việt Nam mà còn đáp ứng nhiều tiêu chuẩn của thế giới. 

Vừa nuôi tôm vừa bảo vệ rừng 

Chúng tôi đến nhà ông Ba Dân (Lý Công Dân, xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) vào đợt con nước kém nên chưa đến lúc xổ vuông tôm. Những ngày này, ông Ba Dân khá nhàn nên lấy các phiếu bán tôm từ đầu năm ra xem số lượng bao nhiêu. Thấy chúng tôi thắc mắc việc này, ông Ba Dân chia sẻ: “Các năm trước, bán tôm xong tôi không quan tâm số lượng mà chỉ quan tâm số tiền thu về. Tuy nhiên, từ khi tham gia vào mô hình nuôi tôm theo tiêu chuẩn quốc tế, tôi phải giữ lại phiếu cẩn thận, xem số lượng được bao nhiêu. Nếu người dân nuôi đạt số lượng và chất lượng theo yêu cầu, sẽ được doanh nghiệp trả thêm một phần chi phí”. 

Sáng, tối bức tranh nông sản Việt - Hướng đi bền vững từ sản xuất sạch ảnh 2

Những năm qua, các doanh nghiệp (DN) chế biến xuất khẩu thủy sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau phối hợp với Ban Quản lý bảo vệ rừng, chính quyền các địa phương và người dân triển khai thực hiện nhiều dự án phát triển liên kết chuỗi giá trị nuôi tôm - rừng ven biển. Hiện trên địa bàn Cà Mau có khoảng 27.577ha nuôi tôm - rừng. Trong đó, diện tích nuôi tôm sinh thái đã được các tổ chức quốc tế cấp chứng nhận là hơn 19.000ha tôm - rừng theo các tiêu chuẩn quốc tế (Naturland, EU Organic, Canada Organic, Selva Shrimp, ASC, BAP…). Tôm nuôi theo phương pháp này được nhiều thị trường ưa chuộng và đánh giá cao nên các DN chế biến xuất khẩu thu mua với giá cao hơn khoảng 5%-10% so với sản phẩm truyền thống khác.


Chưa hết, đối với diện tích tôm - rừng được chứng nhận, các DN tham gia liên kết sẽ hỗ trợ nông dân chi trả dịch vụ môi trường rừng, hỗ trợ con giống chất lượng cao để thả nuôi. Ngoài sản phẩm chính là tôm sú, các hộ nuôi tôm - rừng, nông dân tham gia có thể có thu nhập thêm từ nuôi cua, cá, sò huyết… kèm theo. Tùy nỗ lực của mỗi người, nhưng ước chung lợi nhuận thu về từ việc nuôi tôm như vậy, khoảng 80 triệu đồng/ha. 

Theo Sở NN-PTNT Cà Mau, sở dĩ người nuôi tôm có thu nhập ổn định là do mô hình sản xuất tôm - rừng tiêu hao ít năng lượng và chi phí đầu tư thấp, sử dụng nguồn thức ăn tự nhiên nên gần như không tốn chi phí thức ăn. Ngoài ra, người nuôi tôm còn được chi trả về dịch vụ rừng và được hưởng lợi từ khai thác rừng nên đời sống ngày càng khấm khá. Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN-PTNT Cà Mau, cho biết, canh tác xen ghép tôm trong rừng ngập mặn là cơ chế tốt, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ rừng. Đây được đánh giá là giải pháp hiệu quả nhất giúp khôi phục, bảo vệ, phát triển rừng tại các tỉnh ven biển trên cả nước mà Cà Mau là một ví dụ.  

Không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật

Ông Đào Văn Minh, Tổ phó Tổ hợp tác sản xuất Bưởi da xanh Phú Thành (xã Quới Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre), cho biết: “Lâu nay, Bến Tre được xem là vùng sản xuất và xuất khẩu bưởi da xanh lớn nhất vùng ĐBSCL. Cây bưởi đã giúp nhiều nông dân ở đây thoát nghèo, vươn lên khá giả”. 

Để cây bưởi sai trái, mang lại lợi ích kinh tế cao, người nông dân ở đây vẫn sử dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Tuy nhiên, họ cân nhắc rất kỹ và tuyệt đối thực hiện đúng theo khuyến cáo của ngành chức năng. Bình quân mỗi năm, nông dân bón phân cho vườn bưởi 12 lần, trong đó có 6 lần bón phân hữu cơ và 6 lần bón phân hóa học, tháng này bón phân hữu cơ thì tháng sau bón phân hóa học. Cây bưởi từ 6 tuổi trở lên là đã cho trái và sẽ được bón NPK, phân hữu cơ. Khi cây xuất hiện sâu bệnh (như sâu đục trái, nhện…), nông dân mới phun thuốc điều trị. Việc phun thuốc trừ sâu phải tuân thủ theo quy định trước từ 7-14 ngày (hoặc xa hơn), tùy loại thuốc, trước thời điểm thu hoạch bưởi nhằm đảm bảo an toàn dư lượng thuốc theo quy định. Tuyệt đối không phun thuốc quá gần ngày thu hoạch. 

Cũng theo ông Minh, nông dân giờ ngày càng tiến bộ, có kiến thức trong sản xuất nông nghiệp, nên dù sản xuất bình thường hay áp dụng VietGAP cũng không quá lạm dụng thuốc BVTV. Rất nhiều người trong số họ đã hiểu rằng, nếu lạm dụng thuốc BVTV, hóa chất thì họ chính là người đầu tiên bị ảnh hưởng nên đã rất cẩn trọng khi sử dụng những hóa chất này. Vấn đề chỉ là khi bà con sản xuất theo chuẩn VietGAP thì phải ghi chép cẩn thận mọi thông tin liên quan để khi cần có thể truy xuất nguồn gốc - với nhiều nông dân, đây là việc khá rối. Hiện nay, năng suất bưởi da xanh dao động khoảng 10-15 tấn/ha, giá bán khoảng 30.000 đồng/kg, trong đó chi phí giá thành chỉ khoảng 10.000 đồng/kg, vì vậy nông dân có lãi khá tốt. 

Không xa Bến Tre, tại tỉnh Đồng Tháp, ông Nguyễn Văn Đời, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ Bình Thành (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp), cho biết: “Trung bình 1 vụ sản xuất lúa, nông dân phun thuốc trừ sâu phòng bệnh, diệt cỏ, ốc, sâu rầy… từ 8-10 lần; bón phân 4-5 lần/vụ”. Tuy nhiên, ông Đời khẳng định, việc phun thuốc phải dứt điểm đợt cuối trước khi thu hoạch lúa từ 20 ngày trở về trước, nhằm đảm bảo dư lượng thuốc không tồn lưu trong hạt gạo. Với cách làm như vậy, hạt gạo luôn đạt chuẩn VietGAP. 

Liên kết sản xuất theo chuẩn

Là thủ phủ của rau đồng thời là nơi cung cấp rau, hoa chủ yếu cho TPHCM, tỉnh Lâm Đồng đã định hướng từng bước giảm dần lượng thuốc BVTV, hóa học trong sản xuất nông nghiệp cũng như đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh - đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Lâm Đồng. Cũng theo ông Châu, ngành nông nghiệp tỉnh đang tập trung hướng dẫn các biện pháp canh tác sử dụng giống kháng sâu bệnh, cây giống khỏe, sạch bệnh, vệ sinh đồng ruộng, bón phân cân đối, sử dụng bả dẫn dụ côn trùng, thiên địch… Biện pháp hóa học chỉ sử dụng trong trường hợp các biện pháp trên chưa kiểm soát được dịch hại. Đồng thời, triển khai các chương trình, đề án hỗ trợ các DN, HTX, hộ nông dân sản xuất và chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn như VietGAP, GlobalGAP; HACCP, 4C, UTZ... 

Bên cạnh đó, việc giám sát và kiểm soát dư lượng hóa chất các sản phẩm nông nghiệp thông qua thu thập mẫu phân tích định tính và định lượng dư lượng hóa chất trên sản phẩm nông nghiệp (tập trung vào nhóm rau quả tươi, dâu tây) được  ngành chức năng cập nhật kịp thời cho nông dân, HTX nông nghiệp. Việc này giúp các HTX, DN, nông dân cảnh giác không sử dụng thuốc ngoài danh mục, thuốc cấm sử dụng; chỉ sử dụng thuốc sinh học, thảo mộc, thuốc có độ độc thấp, có trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam.

Chưa hết, Lâm Đồng còn đẩy mạnh xây dựng, phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng, tất cả sản phẩm sản xuất trong chuỗi cơ bản đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. Hiện toàn tỉnh Lâm Đồng có 190 chuỗi liên kết với 18.631 hộ liên kết. Quy mô liên kết trong trồng trọt đạt diện tích trên 30.527ha, với sản lượng 437.226 tấn, trong chăn nuôi đạt sản lượng trên 126.560 tấn. Hầu hết các sản phẩm trong chuỗi có giá trị cao hơn sản phẩm truyền thống từ 20%-25%, giúp mang lại lợi nhuận tốt cho nông dân.

Các tin khác