Tại buổi toạ đàm trực tuyến với chủ đề “Nghẽn lệnh tại HoSE - Thực trạng và giải pháp” tổ chức sáng nay (24-6) tại Hà Nội, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết hệ thống HoSE đã chỉnh sửa chuẩn bị đưa vào vận hành. Theo ông Dũng, hiện tượng nghẽn lệnh của sàn HoSE được xem là trường hợp “khẩn cấp quốc gia”. Đây cũng là lý do Bộ Tài chính thành lập Ban chỉ đạo xử lý quyết liệt, với quyết tâm đầu tiên là không được để thị trường ngừng giao dịch dù chỉ 1 ngày.
"Kế hoạch chỉnh sửa hệ thống giao dịch HoSE trong vòng 100 ngày hoàn toàn có khả năng về đích đúng thời hạn ban đầu dự kiến là cuối tháng 6, đầu tháng 7", ông Dũng cho biết.
Theo ông Lê Hải Trà, Tổng giám đốc HoSE, hệ thống mới đã bước vào giai đoạn cuối cùng, và đang trình lên Bộ Tài chính. Cụ thể, vào 14 giờ chiều nay, Ban chỉ đạo đạo xử lý hệ thống giao dịch HoSE sẽ có buổi họp với Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải, để công bố thời điểm triển khai hê thống mới.
Chia sẻ tại buổi toạ đàm, ông Dương Dũng Triều, Tổng giám đốc FPT IS, cho biết hệ thống giao dịch của HoSE sau khi chỉnh sửa thành công sẽ đạt trên 3-5 triệu lệnh, hiện tại là 900.000 lệnh.
Đầu năm 2020, giá trị giao dịch bình quân trên HoSE mới vào khoảng 3.600-3.800 tỷ đồng/phiên. Đến cuối 2020, số này đã tăng vọt lên mức 10.000-12.000 tỷ/phiên, tương đương tăng gấp 3-4 lần.
Việc dòng tiền lớn đổ vào TTCK khi dịch Covid-19 bùng phát đã làm cho hệ thống giao dịch của HoSE cũng xuất hiện tình trạng nghẽn lệnh trở lại. Thậm chí, tình trạng quá tải còn trậm trọng hơn khi thanh khoản bình quân trên HoSE đã tăng vọt lên mức 15.000-17.000 tỷ đồng/phiên.
Để hạn chế tình trạng này, HoSE đã phải áp dụng nhiều giải pháp khắc phục tạm thời, như nâng lô giao dịch tối thiểu từ 10 lên 100 CP, chuyển giao dịch tự nguyện sang HNX, dừng niêm yết CP mới trên HoSE. Đồng thời hợp tác cùng FPT xây dựng hệ thống giao dịch dự phòng; đặc biệt là cải tiến kỹ thuật để tăng khối lượng lệnh xử lý mỗi phiên.
Theo ông Lê Hải Trà, nâng lô giao dịch từ 10 lên 100 CP thì giảm được 15-18% số lượng lệnh. Tuy nhiên, do số NĐT mới tăng mạnh nên nỗ lực này cũng không còn hiệu quả nhiều. Về huỷ/sửa lệnh, theo thống kê số lượng lệnh này chiếm đến 30% tổng số lượng lệnh, nên việc hạn chế huỷ/sửa lệnh giúp thị trường có thêm 200.000 lệnh được khớp.
Tuy nhiên, các biện pháp này vẫn chưa giải quyết được dứt điểm tình trạng quá tải. Thậm chí, những sự cố gần đây diễn ra trên HoSE còn mang tính nghiêm trọng hơn, khi lượng tiền đổ vào thị trường ngày càng lớn. Ước tính, thanh khoản bình quân ghi nhận trên HoSE tháng 5 đã tăng lên mức 22.425 tỷ/phiên, cao hơn 21% so với tháng trước và gấp 4 lần cùng kỳ.