Sau đại dịch sắp xếp lại các khu công nghiệp

(ĐTTCO) - TPHCM sẽ có khu công nghiệp (KCN) mới 668ha tại huyện Bình Chánh, trên cơ sở của Nông trường Phạm Văn Hai. Đây được coi là KCN lớn nhất TPHCM. Đến nay toàn TP có 23/26 KCN và khu chế xuất (KCX) đi vào hoàn động.     

KCN Tân Bình, TPHCM
KCN Tân Bình, TPHCM
Sau hơn 30 năm hoạt động, các KCN này đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, kết thúc giai đoạn phát triển theo chiều rộng (diện tích và nhà xưởng lớn, nhân công đông, công nghệ cũ) chuyển sang giai đoạn theo chiều sâu dựa vào công nghiệp 4.0. Do vậy việc xem xét, đánh giá lại hệ thống này nhằm chuyển đổi sắp xếp hợp lý là điều cần thiết.

Phân tán, lãng phí đất đô thị
Đến nay cả nước có 370 KCN-KCX được thành lập với khoảng 116.000ha, trong đó 58% diện tích được lấp đầy. TPHCM đi tiên phong khi hình thành KCX Tân Thuận từ năm 1991. Sau đó hầu như các tỉnh thành đều có KCN (62/63), nhiều tỉnh thành có số lượng và quy mô các KCN lớn nhất cả nước như  Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang… Và sau mấy chục năm bắt đầu bộc lộ những khiếm khuyết cần nhận thức và khắc phục, chuẩn bị cho giai đoạn mới.
Ở TPHCM hiện nay có 26 KCN-KCX, trong đó có 3 KCN không đưa vào hoạt động được. Các KCN-KCX của TP phân bổ quá tản mát. Nhìn vào bản đồ sẽ thấy 26 KCN-KCX phân tán ra trên địa bàn của 12/24 quận, huyện. Các KCN-KCX đã đóng góp một phần quan trọng trong tiến trình phát triển của TP, nhưng do việc phân bổ này đã hạn chế phần nào thế mạnh của KCN, đặc biệt từ năm 2010 đã bộc lộ những điểm yếu khiến TP lúng túng. 
Do phân tán quá rộng trên nhiều địa bàn nên đất đô thị bị lãng phí. Mỗi KCN dù lớn hay nhỏ, ngoài khu nhà xưởng, kho bãi, khu chức năng trong khuôn viên, còn có vài khu tập trung hay phân tán xung quanh nhà máy là nơi cư trú của công nhân và gia đình làm trong nhà máy, một hệ thống dịch vụ dày đặc với nhiều lĩnh vực như nhà trọ, chợ búa, trường học, nhà trẻ, bệnh viện, cửa hàng tạp hóa, giao thông vận tải, các dịch vụ thiết yếu liên quan đến đời sống thường nhật như may mặc, đám cưới, đám ma, làm đẹp, chăm sóc sức khỏe… 

Ảnh hưởng xấu đến  kinh tế - xã hội
26 KCN-KCX của TPHCM sử dụng quỹ đất rất lớn, nếu gom được về vài điểm sẽ tiết kiệm được đất đô thị - nguồn tài nguyên vô giá. Trong khi việc KCN tập trung một vài nơi sẽ có lợi cho việc xử lý chất thải rắn và nước thải sản xuất, thay vì có hàng chục khu xử lý nằm rải rác, nay chỉ cần vài ba khu là đủ. Dù mức đầu tư cho xử lý rác thải sẽ lớn hơn, nhưng có thể sử dụng các công nghệ hiện đại và thiết bị tiên tiến.
Sau đại dịch sắp xếp lại các khu công nghiệp ảnh 1
Chẳng hạn như nhà máy xử lý nước thải thành nước tái sử dụng, nhà máy phát điện từ các lò đốt rác. Trong 23 KCN của TPHCM đang hoạt động, không phải KCN nào cũng có khu xử lý rác thải hiện đại, nên vẫn còn tình trạng các nhà máy, xí nghiệp trong KCN xả thẳng nước thải chưa qua xử lý ra kênh rạch, khói bụi bay ra môi trường, chất thải rắn không xử lý triệt để, thậm chí mang đi chôn lấp trộm. 
Các KCN quá phân tán sẽ gây bất lợi về giao thông. Thực tế cho thấy vì có nhiều KCN ở các quận, huyện, nên xe tải, xe siêu trường, siêu trọng chở nguyên vật liệu từ bến cảng kho bãi đến các nhà máy trong KCN, rồi chở hàng hóa thành phẩm từ các KCN ra các cảng biển, cảng sông, cảng hàng không, bến xe xuất đi nơi khác, rồi mang hàng hóa đến các kho hàng, đại lý các cấp cho phân phối trong nội thành, nên mới có cảnh xe tải chạy nghênh ngang khắp nơi, gây ách tắc và tai nạn giao thông. Vì thế, KCN tập trung một vài địa bàn, việc vận tải sẽ thuận lợi hơn rất nhiều và các đường xuyên tâm TP cũng sẽ giảm lượng xe tải lưu thông. 
Điều quan trọng, các KCN phân tán sẽ ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế-xã hội. Ở các nước, KCN thường được đặt ở những vùng đất được cho là khó nhằn, như trên vùng đồi cao, thậm chí là sỏi đá khô cằn. Còn ở TPHCM các KCN hầu hết chiếm lĩnh ở những nơi “bờ xôi, ruộng mật”, không chỉ làm người nông dân mất đất sản xuất nông nghiệp, còn ảnh hưởng đến cả khu vực rộng lớn.
Người nông dân muốn làm nông nghiệp cũng không thể vì đất canh tác xung quanh KCN bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nước mặt, nước ngầm bị ô nhiễm nặng, khói bụi, nhiệt độ cao từ các nhà máy thải ra làm cây không tăng trưởng. Đất không canh tác bỏ hoang làm nảy sinh tâm lý không muốn sản xuất nông nghiệp, mà ngồi đợi thời cơ để bán đất.
Kéo theo đó là tệ nạn xã hội phát sinh do dân cư đột ngột tăng lên do lao động nhập cư tự do từ các nơi khác đến, gây ra nhiều hệ quả xấu như tệ nạn, tội phạm tăng cao; quan hệ làng xã truyền thống tan vỡ, cấu trúc văn hóa làng xã gắn với các nghề nông truyền thống biến mất. Thí dụ, Hóc Môn 18 thôn vườn trầu, làng hoa Gò Vấp, làng mai Thủ Đức, làng đúc đồng Gò Vấp đã hoàn toàn bị xóa sạch.
Tái cấu trúc KCN-KCX
Trong bối cảnh hiện nay, TPHCM cần nhận thức lại để tiến hành tái cấu trúc bức tranh KCN-KCX của mình. Thứ nhất, KCN đặt sai vị trí cần được chuyển đi. Thí dụ, địa điểm KCN Tân Bình ở thời điểm xây dựng là khu vực ngoại thành, nhưng nay nằm rất sâu trong nội thành. Nó chính là nguyên nhân gây ách tắc giao thông nghiêm trọng ở hướng Tây Bắc, nhất là tuyến Cộng Hòa, Trường Chinh.
Trong khi KCN Tân Phú Trung là nơi định cư của các nhà máy ô nhiễm nhất TP được giải tỏa di dời từ nội thành ra, nay là một trong các nguyên nhân chính để đô thị vệ tinh Tây Bắc Củ Chi không thể ra đời được, do các nhà đầu tư không muốn ra đây để hứng ô nhiễm từ KCN này.
Thứ hai, các KCN cấp giấy phép từ hơn 12 năm trước nhưng không triển khai được, chủ yếu do chủ đầu tư không có năng lực, cần thu hồi để khai thác quỹ đất vào việc hữu ích hơn. UBND TPHCM vừa có văn bản kiến nghị Chính phủ cho phép TP xóa 3 KCN Bàu Đưng 175ha, Phước Hiệp 200ha tại huyện Củ Chi và Xuân Thới Thượng 300ha tại huyện Hóc Môn. Từ khi được cấp phép đến nay cả 3 KCN này vẫn chưa được triển khai thực hiện, khiến hàng ngàn người dân tại Củ Chi và Hóc Môn bị ảnh hưởng.
Thứ ba, tiến hành di dời hoặc sáp nhập các KCN có quy mô quá nhỏ chỉ vài chục ha vào các KCN có quy mô lớn hơn, có chức năng gần giống nhau có thể thu về một mối như điện tử, điện lạnh, may mặc, da giày, túi xách, hóa chất, nhuộm, chất tẩy rửa, chế biến sản phẩm thủy sản, nông sản… Hiện TPHCM có một số KCN diện tích rất nhỏ 25-27ha.
Những quận, huyện có nhiều KCN như Bình Chánh 8 KCN, Củ Chi 7 KCN… nên sắp xếp lại thành 1-2 khu. Ngoài ra, các KCN hiện hữu không nên gian hạn thuê đất với công ty, nhà máy tiếp tục sử dụng công nghệ cũ, mặt bằng rất lớn và thâm dụng công nhân tay nghề phổ thông. Các KCN mới thành lập chỉ thu nhận các công ty, nhà máy hiện đại. 
 Từ thực tế tại Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan cho thấy các đợt dịch Covid-19 bùng phát mạnh hầu hết là từ các KCN. Ở nước ta là các KCN Bắc giang, Bắc Ninh. Ở TPHCM, các quận huyện có nhiều KCN đều nằm trong vùng phân loại là nơi có nguy cao và rất cao như Bình Tân, Tân Phú, Hóc Môn, Bình Chánh, TP Thủ Đức.

Các tin khác