Với việc Liên minh châu Âu (EU) thông qua gói ứng cứu thứ 2, có vẻ như Hy Lạp sẽ sớm được tái cấu trúc nợ và cầm cự thêm được một thời gian nữa. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu vẫn là nhân tố chi phối các thị trường thế giới. Các nhà quan sát lo ngại Bồ Đào Nha sẽ sớm theo chân Hy Lạp.
Cũng như Hy Lạp, những biện pháp khắc khổ đang nhấn chìm Bồ Đào Nha vào suy thoái. Trong ngày Lễ Tình nhân (14-2), Ngân hàng Trung ương nước này dự báo suy thoái ở Bồ Đào Nha sẽ tệ hơn trong năm nay do gánh nặng của các chương trình khắc khổ.
Kinh tế Bồ Đào Nha chính là “bản sao” của Hy Lạp cách đây hơn 1 năm. Nhà tư vấn chiến lược ở London Nicholas Spiro nhận định Bồ Đào Nha gần như chắc chắn sẽ theo chân Hy Lạp.
Lãi suất trái phiếu thời hạn 10 năm hiện quanh mức 13,4% và cuối tháng 1 đã tăng lên 17,4%, sau khi hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor's hạ mức tín nhiệm của Bồ Đào Nha, khiến một số nhà đầu tư phải bán trái phiếu.
Nhà phân tích John Rubino của tạp chí Financial Sense cho biết dù những vấn đề ở Bồ Đào Nha không nghiêm trọng như Hy Lạp và nợ của nước này cũng ít hơn, nhưng với mức 105% GDP, Bồ Đào Nha thực sự cận kề nguy hiểm.
Điều đáng nói, trong suốt 10 năm qua nước này luôn ở trong tình trạng thâm hụt mậu dịch nghiêm trọng. Để có thể giảm bớt nợ, Bồ Đào Nha cần có thặng dư mậu dịch, nhưng với việc không thể hạ giá nội tệ để khiến xuất khẩu rẻ hơn, việc có thặng dư mậu dịch đối với Bồ Đào Nha quả là giấc mơ xa.
Người Bồ Đào Nha biểu tình phản đối các chính sách khắc khổ. |
Bồ Đào Nha đang cố gắng giải thoát khỏi núi nợ từng buộc nước này phải ngửa tay xin ứng cứu 78 tỷ EUR (100 tỷ USD) hồi năm ngoái để tránh vỡ nợ.
Nhưng nền kinh tế Bồ Đào Nha, một trong những nền kinh tế dễ tổn thương nhất ở khu vực đồng EUR (Eurozone), đang khốn đốn với những gói cắt giảm khắc khổ và làm gia tăng lo ngại của giới đầu tư về cơ hội hồi phục của Eurozone khỏi cuộc khủng hoảng nợ đã kéo dài 2 năm qua. Ngân hàng Trung ương Bồ Đào Nha dự báo kinh tế đất nước sẽ giảm 3,1% trong năm nay, sâu hơn dự báo 2,2% đưa ra hồi tháng 10-2011.
Giống như Hy Lạp, chính phủ Bồ Đào Nha đối mặt với tình trạng tiến thoái lưỡng nan khi vừa phải cắt giảm chi tiêu trong lúc phải duy trì tăng trưởng để có thể cân bằng nợ. Tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên mức kỷ lục 14% và các liên đoàn lao động đã khởi xướng những cuộc biểu tình phản đối, chống lại những kế hoạch tăng thuế và giảm lương.
Bộ trưởng Tài chính Vitor Gaspar nói với các nhà làm luật hôm 14-2 rằng ông không có ý định đưa thêm các biện pháp khắc khổ trong năm nay. Ông nói tất cả quỹ thiếu hụt sẽ được bù đắp thông qua việc bán bất động sản của nhà nước và tô giới trong ngành cờ bạc. Bồ Đào Nha rơi vào suy thoái kép kể từ năm ngoái, với mức giảm 1,6%. Ngân hàng Trung ương cũng dự báo kinh tế năm 2013 sẽ “hoàn toàn đình trệ”.
Cuộc khủng hoảng nợ khiến mức sống của Bồ Đào Nha giảm nhanh chóng. Ngân hàng Trung ương ước tính thu nhập khả dụng của người dân giảm tới 11% trong giai đoạn 2011-2013, là thời gian của thỏa thuận ứng cứu. Dĩ nhiên, sự xuống cấp này đã dẫn đến tình trạng hỗn loạn.
Ngày 11-2, hơn 100.000 người đã nêm cứng quảng trường Palace ở Lisbon trong một cuộc biểu tình lớn nhất chống lại các biện pháp khắc khổ và tình trạng xuống cấp mức sống kể từ khi đất nước phải tuân theo các điều kiện do EU và IMF (Quỹ Tiền tệ quốc tế) đưa ra để đổi lấy gói ứng cứu tài chính hồi tháng 5.
Cuộc biểu tình quy mô lớn diễn ra chỉ 4 ngày trước khi các nhà cho vay quốc tế của Bồ Đào Nha khởi động đánh giá thường quý về việc triển khai gói ứng cứu đối với Bồ Đào Nha. Họ lo ngại Bồ Đào Nha có thể lại cần đến một gói ứng cứu thứ 2 như Hy Lạp, nếu không cũng là một chương trình tái cấu trúc nợ.