Saudi Arabia đã giảm giá bán dầu giao tháng 11 cho khách hàng châu Á và Mỹ, hãng tin Bloomberg cho biết. Đây được xem là một động thái nhằm giúp quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới giữ khả năng cạnh tranh trong bối ảnh thế giới thừa dầu và nhu cầu tiêu thụ ảm đạm.
Saudi Arabian Oil Co., hãng dầu lửa quốc doanh của Saudi Arabia, giảm giá bán dầu thô loại trung bình giao tháng 11 cho khách châu Á xuống mức thấp hơn 3,2 USD/thùng so với giá chuẩn của khu vực, từ chỗ thấp hơn chỉ 1,3 USD/thùng so với giá chuẩn của khu vực đối với hợp đồng tháng 10.
Theo dữ liệu của Bloomberg, đây là lần giảm giá dầu mạnh tay nhất của Saudi Arabia cho khách hàng châu Á - thị trường xuất khẩu dầu thô chính của nước này - kể từ tháng 2/2012.
Trong vòng 1 năm qua, giá dầu thô Brent - giá chuẩn của thị trường dầu toàn cầu - giảm một nửa. Nguyên nhân chính khiến giá dầu giảm sâu là do Saudi Arabia và các thành viên khác trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) chọn bảo vệ thị phần thay vì giảm sản lượng để tăng giá.
Vào tháng 7/2014, giá dầu Brent ở mức trên 100 USD/thùng. Tháng 9 vừa qua, giá dầu Brent ở mức trung bình dưới 50 USD/thùng.
“Saudi Arabia cần phải giảm giá dầu để giữ khả năng cạnh tranh. Nhu cầu đã giảm xuống một chút, khiến họ phải giảm giá”, nhà phân tích Robin Mills thuộc công ty tư vấn năng lượng Manaar Energy Consulting nhận xét.
Trong đợt giảm giá dầu lần này, Saudi Arabia cũng đưa ra mức chiết khấu đối với giá dầu nhẹ bán cho khách châu Á là 1,7 USD/thùng so với giá chuẩn khu vực, từ mức chiết khấu 1,6 USD/thùng trước đó.
Đối với khách Mỹ, Saudi Arabia tăng mức chiết khấu thêm 0,3 USD/thùng đối với cả ba loại dầu nhẹ, trung bình và nặng giao tháng 11. Theo đó, dầu trung bình của Saudi Arabia được bán cho khách Mỹ với mức giá thấp hơn 0,85 USD/thùng so với giá chuẩn khu vực, mức chênh lệch lớn nhất kể từ tháng 3.
Trong một bài phát biểu hôm thứ Sáu tuần trước ở Istanbul, Bộ trưởng Bộ Dầu lửa Saudi Arabia Ali Al-Naimi nói nước này sẽ tiếp tục đầu tư để khai thác dầu bất chấp giá xuống thấp. Theo ông Al-Naimi, giá dầu biến động ảnh hưởng tới đầu tư, tạo ra một tình thế bất lợi cho các các nhà sản xuất và người tiêu dùng.
Tháng 12/2014 và tháng 6/2015, OPEC quyết định duy trì sản lượng khai thác dầu ở mức 30 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, từ tháng 5/2014 đến nay, OPEC đã liên tục khai thác dầu vượt hạn ngạch sản lượng.
Trong tháng 6, Saud Arabia tăng sản lượng lên mức kỷ lục 10,48 triệu thùng - theo số liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Còn theo dữ liệu của Bloomberg, trong tháng 9 vừa qua, nước này khai thác 10,3 triệu thùng dầu mỗi ngày.
Các nhà sản xuất dầu ở Trung Đông đang cạnh tranh quyết liệt với đối thủ từ Mỹ Latin, Bắc Phi và Nga để giành giật khách hàng tại khu vực châu Á. Mặc dù vậy, các nước vùng Vịnh chủ yếu bán dầu theo các hợp đồng dài hạn.
Giá dầu chuẩn của khu vực châu Á là giá trung bình của dầu Oman và dầu Dubai. Hầu hết các công ty dầu lửa quốc doanh của vùng Vịnh đều bán dầu với giá cao hơn hoặc thấp hơn giá chuẩn này.
Cũng trong đợt điều chỉnh giá bán dầu lần này, Saudi Arabia tăng giá đối với khách hàng ở khu vực Bắc Âu, nhưng giảm giá đối với khách ở khu vực Địa Trung Hải.