Lộ trình chuyển mình
Năm 2005, khi SCIC “chào đời” với chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN và đầu tư kinh doanh vốn nhà nước, nhiều quan điểm nghi ngại về hiệu quả của mô hình này. Nhưng sau 15 năm, hiệu quả hoạt động của SCIC đã khẳng định tính đúng đắn của quyết định này.
So với thời điểm thành lập, doanh thu tăng gấp 54,6 lần; vốn chủ sở hữu SCIC tăng gấp 16,2 lần; tổng tài sản tăng gấp 12,2 lần; lợi nhuận sau thuế tăng gấp 55,62 lần. Số tiền SCIC nộp ngân sách nhà nước tăng 869,12 lần.
Tuy nhiên, song song với kết quả đã đạt được, hoạt động của SCIC còn gặp nhiều khó khăn.
Khi tham gia đầu tư, SCIC sẽ đóng vai trò là người cung cấp “vốn mồi” để thu hút vốn đầu tư từ khu vực tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài, tận dụng những lợi thế sẵn có của SCIC. |
Trong khi đó, giai đoạn 2021-2030, một trong những mục tiêu của SCIC là chuyển đổi mô hình hoạt động, hướng tới trở thành QĐTCP từ sau năm 2025. Lộ trình chuẩn bị chuyển mình trở thành QĐTCP được SCIC nêu rõ trong dự thảo Chiến lược phát triển 2021-2030 tầm nhìn đến 2035 và dự thảo Kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2021-2025 trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đánh giá về dự thảo Chiến lược này, Bộ KH-ĐT đề nghị SCIC đẩy mạnh hoạt động đầu tư kinh doanh vốn nhà nước ngay trong giai đoạn 2021-2025 để tạo tiền đề cho giai đoạn tiếp theo. Từ đó hiện thực hóa mục tiêu trở thành nhà đầu tư của Chính phủ, hướng tới trở thành QĐTCP.
Cùng đó, Bộ Tài chính cũng đề nghị SCIC sớm chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình QĐTCP, chậm nhất đến năm 2026 phải hoàn thành.
Đề xuất giải pháp chuyển đổi
Các chuyên gia kinh tế nhận định, sau 15 năm hoạt động, với quy mô, nguồn lực và kinh nghiệm đã tích lũy, SCIC đang có những điểm tương đồng nhất định với QĐTCP. Đây là điều kiện thuận lợi của SCIC trong việc chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình này.
Tuy nhiên, xuất phát từ đặc thù của Việt Nam, mô hình QĐTCP mà SCIC hướng tới không hoàn toàn giống như các QĐTCP trên thế giới. Trong đó, điểm khác biệt lớn nhất là thay vì tìm kiếm các cơ hội đầu tư tại nước ngoài là chính, SCIC chủ trương tập trung các nguồn lực để tìm kiếm và hiện thực hóa các cơ hội đầu tư vào nền kinh tế Việt Nam và các DN trong nước.
Việc đầu tư vào thị trường tài chính, cơ sở hạ tầng, năng lượng và các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế là hoàn toàn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của SCIC và được thể hiện xuyên suốt từ khi thành lập đến nay. Khi tham gia đầu tư, SCIC sẽ đóng vai trò là người cung cấp “vốn mồi” để thu hút vốn đầu tư từ khu vực tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài, tận dụng những lợi thế sẵn có của SCIC.
Căn cứ trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế về hệ thống pháp lý cho hoạt động của các QĐTCP; phân tích, đánh giá hệ thống văn bản pháp lý hiện hành cho hoạt động của DNNN nói chung và SCIC nói riêng; SCIC kiến nghị cơ quan chức năng ban hành quy định về chức năng nhiệm vụ và cơ chế hoạt động đặc thù của SCIC theo mô hình QĐTCP theo thông lệ quốc tế.
Về nguồn lực tài chính, để đảm bảo quy mô hoạt động của một QĐTCP, SCIC kiến nghị nguồn vốn hoạt động của Tổng công ty có thể được hình thành từ các nguồn: Lợi nhuận sau thuế của SCIC giữ lại (hiện đang nộp ngân sách nhà nước theo Luật 69/2014/QH13); Thu từ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại DN (hiện đang nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp DN); Vốn huy động và các nguồn vốn khác.
Cùng với đó, SCIC sẽ tăng cường đào tạo nguồn nhân lực theo hướng chuyển đổi từ hoạt động quản trị DN sang hoạt động đầu tư kinh doanh vốn theo mô hình QĐTCP (đào tạo chứng chỉ quản lý quỹ, CFA, CPA...); xây dựng cơ chế tiền lương để thu hút chuyên gia có trình độ cao trong lĩnh vực quản lý quỹ đầu tư...
Việc phát triển SCIC theo hướng trở thành QĐTCP phù hợp với định hướng phát triển các DNNN quy mô lớn, hoạt động hiệu quả. Đây cũng là giải pháp thiết thực trong việc tăng cường quy mô và chất lượng danh mục tài sản của Nhà nước do SCIC đại diện chủ sở hữu. Đồng thời, bổ sung nguồn thu quan trọng cho ngân sách nhà nước, góp phần tăng sức chống chịu, bảo đảm an toàn, an ninh tài chính quốc gia.