Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ chiều ngày 3/8, liên quan đến biểu giá bán điện đang được lấy ý kiến hiện nay, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hiện nay, Bộ vẫn tiếp tục lấy ý kiến về biểu giá điện trong tháng 8 và sau tháng 8 trình Chính phủ để sẽ chính thức áp dụng từ đầu năm 2021.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, trong tháng 5, tháng 6 và nửa đầu tháng 7, thời tiết nắng nóng trên địa bàn toàn quốc, nhất là ở Bắc Bộ và đợt nóng kéo dài kỷ lục trong 27 năm vừa qua.
Nhiệt độ trung bình cả nước cao hơn nhiều so với nhiệt độ trung bình của năm 2019. Do vậy, đã dẫn đến tiêu thụ điện tăng cao. Số lượng người dân sử dụng thiết bị làm mát, điều hòa không khí tăng rất mạnh.
Theo số liệu báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hiện có 26 triệu khách hàng trên toàn quốc sử dụng điện; trong đó, có 3,1 triệu khách hàng có mức sử dụng điện trong tháng 5 cao, tăng từ 30% trở lên so với tháng 4.
Đặc biệt trong số này, có 1 triệu khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng đến 50% và có 215 nghìn khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng tới trên 300% so với tháng 4.
So với tháng 5, trong tháng 6 số khách hàng có lượng tiêu thụ cao tăng là 7,6 triệu khách hàng. Tỷ lệ tăng cao nhất là ở Hà Nội, miền Bắc và miền Trung do yếu tố nắng nóng.
Vì vậy, trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều khách hàng đã có thắc mắc về ghi chỉ số điện và hóa đơn tiền điện tăng cao.
“Bộ Công Thương chia sẻ với bức xúc của khách hành có tiền điện tăng cao đột biến và Bộ Công Thương đã đưa ra 5 giải pháp khắc phục,” Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải bày tỏ.
Theo đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN và các Tổng công ty điện lực trực thuộc EVN nâng cao dịch vụ khách hàng. Trước hết, kiểm tra các thắc mắc, kiến nghị khách hàng nêu trên phương tiện thông tin đại chúng.
Đồng thời, yêu cầu EVN xử lý nghiêm khắc các sai phạm về lỗi kỹ thuật hay việc ghi chỉ số và những sai phạm khác.
Cùng với đó, Bộ cũng yêu cầu EVN thông báo hóa đơn tiền điện khách hàng thông qua các phần mềm và triển khai thay thế côngtơ cơ bằng côngtơ điện tử.
Từ đó, phấn đấu đến năm 2025, miền Trung và cả địa bàn quản lý của Tổng công ty sẽ được thay thế 100% công tơ điện tử. Ở những vùng sâu, vùng xa miền núi sẽ được thay thế 50%.
Bộ Công Thương cũng đã thực hiện sửa đổi cải tiến biển giá bán lẻ điện. Bộ đã nghiên cứu sửa đổi biểu giá bán lẻ điện bậc thang; lấy ý kiến các cơ quan từ Quốc hội, hiệp hội ngành hàng và các địa phương.
Thông qua tiếp thu ý kiến của các cơ quan, Bộ sẽ triển khai các phương án để khách hàng có thể lựa chọn áp dụng biểu giá bán điện bậc thang hoặc biểu giá bán điện một bậc.
Từ đó tăng sự lựa chọn cho khách hàng. Hiện nay, Bộ vẫn tiếp tục lấy ý kiến trong tháng 8 và sau tháng 8, Bộ sẽ trình Chính phủ để chính thức áp dụng từ đầu năm 2021.
Bộ Công Thương cũng thực hiện đảm bảo cung ứng điện cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân. “Nói thì đơn giảm nhưng đây là nhiệm vụ khó khăn của ngành điện trong bối cảnh sức tiêu thụ điện tăng cao hiện nay. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là không để thiếu điện trong mọi trường hợp nên Bộ Công Thương phối hợp với EVN và Ủy ban quản lý vốn Nhà nước cùng các địa phương cố gắng thực hiện đúng theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ,” Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng tập trung tuyên truyền về cách thức tính giá điện để có ý kiến với EVN giải đáp những thắc mắc của khách hàng.