Trong phiên giao dịch này, VN Index giảm gần 23 điểm và lùi về mức 917,45 điểm. Ngay sau phiên giảm điểm kỷ lục này, CTCK BIDV (BSC) đã đưa ra 4 yếu tố để lý giải cho hiện tượng này gồm: khối ngoại bán ròng mạnh, margin căng thẳng ở một số CTCK do nhu cầu đầu tư tăng cao, tâm lý thị trường chững lại sau phiên đấu giá thoái vốn bất thành của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tại Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), và cuối cùng là thông tin bắt bớ liên quan đến các cựu lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã châm ngòi cho những tin đồn khác liên quan đến nhóm CP ngân hàng.
Theo BSC, xét theo yếu tố lịch sử, đợt giảm điểm này không xấu như các đợt khác khi là đợt điều chỉnh sau một chu kỳ tăng điểm dài. Tuy nhiên, khi thị trường tăng điểm quá nhiều sẽ tạo áp lực giảm điểm nhanh trong thời gian ngắn. Do vậy, thị trường có thể giảm thêm trong khoảng từ 3-10 phiên, với mức giảm khoảng 5% nữa so với bình quân các đợt giảm điểm và xem xét yếu tố chu kỳ.
Thực tế cho thấy, diễn biến các đợt giảm giá trong hơn 3 năm gần đây có những đặc điểm như: độ dài bình quân khoảng 17 phiên, điều chỉnh lâu nhất 29 phiên, cường độ giảm bình quân 10,58%.
Đơn cử như đợt giảm năm 2014 liên quan đến tình hình biển Đông kéo dài 24 phiên với mức giảm 14,1%; đợt giảm năm 2015 liên quan đến sự sụt giảm của nhân dân tệ kéo dài 29 phiên với mức giảm 18,7%, đợt giảm năm 2016 bắt nguồn từ hiệu ứng Brexit kéo dài 14 phiên với mức giảm 6,43%.
Trong khi đó, đợt điều chỉnh hiện tại xảy ra trong một chu kỳ tăng giá mạnh kéo dài. Những thông tin bất lợi và tin đồn đang làm đảo chiều tâm lý, gây áp lực mạnh tại nhóm CP dẫn dắt thị trường. Dù vậy ở một chu kỳ tăng mạnh, những đợt điều chỉnh như hiện tại là cần thiết.