Theo Nghị quyết số 33 của Chính phủ, Chương trình gói tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng cho vay đối với chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp hơn khoảng từ 1,5-2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước trên thị trường trong các thời kỳ.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang có ý kiến với các bộ, ban, ngành về dự thảo Tờ trình, Nghị quyết điều chỉnh nội dung Chương trình 120.000 tỷ đồng tại Nghị quyết số 33/NQ-CP theo hướng giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng mua từ 3-5% (đối với khách hàng là chủ đầu tư thì giữ nguyên mức hỗ trợ 1,5-2%).
Bộ Xây dựng đã có văn bản thống nhất với đề xuất của NHNN, tạo điều kiện cho người tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, cũng như phù hợp với Thông báo 123 của Chính phủ ngày 27-32024, kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy nhà ở xã hội; Nghị quyết 44 của Chính phủ 5-4-2024, phiên họp Chính phủ thường kì tháng 3-2024, Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với địa phương; Công điện 32 ngày 5-4-2024 của Thủ tướng Chính phủ về giải pháp điều hành tăng cường tín dụng năm 2024.
Trước đó, tại họp báo kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng đã cho biết, NHNN đang trình Chính phủ sửa gói tín dụng 120.000 tỷ đồng nhà ở xã hội.
Cụ thể gói tín dụng 120.000 tỷ đồng sẽ được sửa theo hướng tăng mức ưu đãi cho người mua nhà: lãi suất cho vay thấp hơn 3% lãi suất cho vay thương mại dài hạn của nhóm big 4 (hiện tại là thấp hơn 1,5-2%), thời gian điều chỉnh lãi suất định kỳ 3 tháng/lần (hiện tại là 6 tháng/lần).
Sau thời gian ưu đãi 5 năm, ngân hàng vẫn sẽ tiếp tục ưu đãi lãi suất cho người vay với mức thấp hơn lãi vay thương mại tối thiểu 1-2% thay vì quy định thả nổi như hiện tại. Riêng chính sách cho vay với chủ đầu tư sẽ được giữ nguyên như hiện tại.
Phó Thống đốc cũng cho biết, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng có 4 ngân hàng thương mại nhà nước tham gia. Trong đó, BIDV, Vietcombank, VietinBank và Agribank mỗi ngân hàng tham gia 30.000 tỷ đồng. Đồng thời, hiện có một số ngân hàng muốn tham gia với mức đăng ký mỗi ngân hàng là 5.000 tỷ đồng.