Sẽ hình thành trật tự tiền tệ mới?

(ĐTTCO) - Zoltan Pozsar, chiến lược gia kỳ cựu ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse, từng là cựu quan chức Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), cho rằng hệ thống tiền tệ thế giới theo thỏa thuận Bretton Woods hình thành sau Thế chiến II đã sụp đổ, khi các nước G-7 đóng băng dự trữ ngoại hối của Nga sau khi Nga tấn công Ukraine. 
Biếm họa về vai trò của đồng USD và hệ thống tiền tệ theo thỏa thuận Bretton Woods.
Biếm họa về vai trò của đồng USD và hệ thống tiền tệ theo thỏa thuận Bretton Woods.
Cuộc khủng hoảng hàng hóa toàn cầu diễn ra sẽ làm suy yếu hệ thống Eurodollar, dẫn đến lạm phát ở phương Tây, châm ngòi cho tiến hóa của hệ thống tiền tệ mới.
Nền tảng của hệ thống tiền tệ và vai trò của USD
Để hiểu hệ thống tiền tệ toàn cầu ngày nay, chúng ta quay trở lại chế độ bản vị vàng vào cuối thế kỷ 19, khi các chính phủ ấn định giá trị đồng tiền của nước họ bằng vàng. Điều này trở nên bất khả thi trong thời kỳ Đại suy thoái vào năm 1930, khi các quốc gia lần lượt từ bỏ các cam kết và phá giá đồng tiền của mình.
Năm 1944, các quốc gia Đồng minh đã nỗ lực xây dựng trật tự tiền tệ tại một hội nghị ở Bretton Woods, New Hampshire, Mỹ. Họ đã đưa ra các biện pháp bảo vệ bổ sung thông qua Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), đồng thời chốt vàng làm cơ sở cho USD, còn các đồng tiền khác chốt theo đồng bạc xanh.
Nhưng trong bối cảnh cán cân thương mại sụt giảm của Mỹ và lạm phát trong những năm 60-70, khi tình hình thanh toán xấu đi nhanh chóng, Tổng thống Richard Nixon đã đình chỉ khả năng chuyển đổi của USD thành vàng vào ngày 15-8-1971. Điều này dẫn đến cái mà ông Pozsar gọi là Bretton Woods II, được hỗ trợ bởi “tiền bên trong” hoặc USD, không có ràng buộc với vàng hoặc bất kỳ ràng buộc nào khác. Nhưng giờ đây, nền tảng của hệ thống tiền tệ đã hoạt động gần nửa thế kỷ đang lung lay.
Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga (CBRF) nắm giữ gần 630 tỷ USD dự trữ, nhưng khoảng 2/3 số tiền này đang để ở nước ngoài  và về cơ bản bị cấm vận bởi các lệnh trừng phạt. Việc không được phép sử dụng dự trữ sẽ làm suy yếu nghiêm trọng khả năng ổn định tỷ giá hối đoái và đáp ứng các nghĩa vụ thanh toán quốc tế của CBRF.
Theo ghi nhận của Hội đồng Quan hệ đối ngoại Đức, trong khi Nga đã giảm lượng dự trữ USD xuống chỉ còn 7%, EU vẫn giữ kho dự trữ lớn nhất của Nga, với Pháp và Đức cộng lại hơn 21%. Trong số các khu vực pháp lý thân thiện hơn có thể cho phép CBRF tiếp cận tài sản của mình, Trung Quốc nắm giữ khoảng 14%.
Là một đối tác quan trọng của Nga, Trung Quốc muốn đa dạng hóa dự trữ của mình để thoát khỏi sự lệ thuộc vào các đồng tiền phương Tây và đầu tư vào hàng hóa. Theo ông Pozsar, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đang đối mặt với 2 lựa chọn để bảo vệ lợi ích của mình: bán trái phiếu kho bạc hoặc in đồng Nhân dân tệ (CNY) để mua hàng hóa của Nga.
Theo ông, cả 2 kịch bản này đều có nghĩa lợi suất trái phiếu cao hơn và lạm phát cao hơn ở phương Tây - dẫn đến việc USD yếu hơn và  CNY mạnh hơn nhờ có một rổ hàng hóa hỗ trợ.
Tuy nhiên, các nhà phân tích được nhật báo The Straits Times tham khảo ý kiến, lại cho rằng đánh giá của ông Pozsar là quá sớm. Nhà kinh tế Song Seng Wun của CIMB (Malaysia) chi nhánh tại Singapore, cho biết thực tế USD vẫn là đồng tiền thương mại cho kinh tế toàn cầu.
Ông cho rằng vai trò của USD phụ thuộc nhiều vào ý muốn của các doanh nghiệp và tập đoàn đa quốc gia trong giao dịch. Nếu các bên hài lòng khi thanh toán bằng tiền tệ quốc gia tương ứng của họ và được các ngân hàng trung ương tạo điều kiện thuận lợi, tình hình sẽ không có gì thay đổi.
Theo kinh tế gia cao cấp Irvin Seah của ngân hàng Singapore DBS, về dài hạn sức mạnh đồng tiền của một quốc gia phụ thuộc vào các yếu tố nền tảng kinh tế của quốc gia đó. Nếu Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng với tốc độ bền vững và các yếu tố nền tảng cơ bản của nền kinh tế tiếp tục được củng cố, CNY sẽ tăng trưởng mạnh hơn. Hiện tượng như vậy không phải là mới. Vì vậy, trong khi có thể có một số tác động ngắn hạn, chúng ta không nên, chỉ vì vài sự kiện rủi ro mà dự đoán con đường dài hạn của một loại tiền tệ.

Động thái của Singapore và xu hướng tiền tệ
Những gì đang xảy ra ở Ukraine liệu có khiến Singapore lo lắng về lượng dự trữ của mình, vốn là sự kết hợp của các tài sản vật chất như đất đai, cao ốc, các tài sản tài chính như tiền mặt, chứng khoán và trái phiếu. Bởi dự trữ của Singapore tính đến tiền tệ của các đối tác thương mại, nên tỷ trọng đồng rúp của Nga sẽ rất nhỏ.
Theo ông Song, khi vẫn duy trì nguyên vẹn quan hệ với các đối tác thương mại quan trọng, các vấn đề tiền tệ sẽ không bị ảnh hưởng. Đây không phải là lần đầu tiên dự trữ ngoại hối của một quốc gia bị tạm giữ, chẳng hạn như trường hợp của Iran hay Syria, dù không có quy mô lớn như Nga. 
Tuy nhiên, các nhà quản lý tiền tệ của Singapore sẽ không bỏ qua các tác nhân mới xuất hiện trong trật tự tiền tệ toàn cầu. Chẳng hạn, việc tiền điện tử tăng vọt thời gian ngắn sau khi Tổng thống Biden ký một lệnh hành pháp hướng dẫn chính phủ Mỹ kiểm tra rủi ro và lợi ích của chúng vào ngày 9-3 vừa qua. Lệnh hành pháp này kêu gọi các cơ quan liên bang phối hợp giám sát tiền điện tử, nhưng không đưa ra các quy định cụ thể. Một báo cáo cũng sẽ được chuẩn bị về tương lai của tiền điện tử và hệ thống thanh toán.
Theo ông Chia Hock Lai, đồng Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Singapore, lệnh hành pháp của ông Biden thừa nhận sự cần thiết phải điều chỉnh để bảo vệ người tiêu dùng và tầm quan trọng của vai trò lãnh đạo của Mỹ trong lĩnh vực này. Ông nói: “Tất cả điều này báo hiệu tốt cho việc chấp nhận các loại tiền kỹ thuật số, có khả năng tác động lan tỏa sang các tài sản kỹ thuật số như Bitcoin”. 
Tại Singapore, các quan chức tiền tệ cho biết chưa có ý định phát hành đồng đô la Singapore kỹ thuật số, dù trường hợp này có thể tăng cường nếu các loại tiền kỹ thuật số nước ngoài được sử dụng rộng rãi hơn trên đảo Sư tử. Trong khi hệ thống tiền tệ quốc tế đã chứng minh các giới hạn của nó, sẽ không có giải pháp thay thế ngay lập tức, cũng như khó xảy ra việc USD sẽ không được coi là đồng tiền dự trữ chính.
Ngoài ra, tính hợp pháp của việc đóng băng dự trữ ngoại hối Nga cũng đang được tranh luận. Điều hầu hết chuyên gia nhất trí là các chính phủ đã buộc phải xem xét lại sự phụ thuộc của quốc gia vào một số đối tác thương mại nhất định, đồng thời đẩy nhanh việc đa dạng hóa và tăng cường chuỗi cung ứng.

Các tin khác