(ĐTTCO)-Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ kiểm soát tín dụng vào các dự án bất động sản, dự án dài hơi. Tín dụng tăng mạnh trong năm 2015 là động lực tốt nhưng nếu năm 2016 vẫn cố gắng mà không lường sức sẽ rất nguy hiểm.
Thông tin trên được Phó thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh đưa ra tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành trên địa bàn TPHCM sáng 15-1. Đánh giá về tình hình hiện nay, Phó thống đốc cho cho rằng các ngân hàng đã có thanh khoản tốt không phải lo từng bữa như những năm trước nhất là dịp cuối năm, đồng thời có nguồn lực vốn vào xử lý các tồn tại khác.
Theo Phó thống đốc, năm qua NHNN đã điều hành khá linh hoạt và đạt được những hiệu quả tích cực như kéo giảm lãi suất xuống, tỷ giá được kiểm soát dù cuối năm cũng có vài biến động. Bên cạnh đó, tái cơ cấu ngân hàng, xử lý nợ xấu đạt được kế hoạch trong điều kiện không dùng tiền ngân sách.
Tiếp đến là với sự minh bạch, công khai trong hoạt động ngành ngân hàng thời gian qua đã được cải thiện tốt nên dù có nhiều cú sốc nhưng người dân vẫn tin gửi tiền, và không rút tiền.
Về hoạt động tín dụng, theo Phó thống đốc, kiểm soát tăng trưởng đi đôi với chất lượng là điều tất yếu. Tín dụng năm 2015 tăng trưởng tốt đạt 18%, trong đó có phần của các dự án dài hơi, các dự án bất động sản. Chỉ tiêu tín dụng toàn hệ thống năm 2016 ở mức cao từ 18-20%. Do đó các ngân hàng phải căn cứ vào tình hình nội tại đặt các kế hoạch tăng trưởng phù hợp. Bởi vì những nhà băng nào còn sống bằng tín dụng sẽ không thể tồn tại lâu dài. Thời gian tới, các ngân hàng nên phát triển mảng ngân hàng bán lẻ.
Đồng thời, kế hoạch sắp tới của NHNN sẽ tiếp tục xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, và thực hiện sáp nhập, hợp nhất. Ưu tiên những trường hợp sáp nhập tự nguyện, sau đó NHNN mới can thiệp. Bước đầu tiên, NHNN sẽ cho phá sản các công ty tài chính, tổ chức tín dụng yếu kém. Qua đó để giúp thị trường làm quen với việc phá sản chứ Nhà nước không thể bao bọc mãi được.
Riêng tại TPHCM, Giám đốc NHNN chi nhánh, ông Tô Duy Lâm cho biết, tổng huy động vốn trên địa bàn năm 2015 đạt 1.566.876 tỷ đồng, tăng 16,5% so với cuối năm 2014. Trong đó, vốn huy động bằng VNĐ đạt 1.323.802 tỷ đồng, chiếm 84,5% trong tổng huy động vốn và tăng 16,93% so với cuối năm 2014; vốn huy động bằng ngoại tệ đạt 243.075 tỷ đồng, chiếm 15,5% trong tổng huy động vốn và tăng 14,82% so với cuối năm 2014.
Trong đó tính ổn định nguồn vốn ngày càng tăng, với bộ phận tiền gửi tiết kiệm dân cư tiếp tục tăng trưởng và chiếm tỷ trọng cao trong tổng huy động vốn. Năm 2015, bộ phận tiền gửi này tăng 13,35% và chiếm 52,26%.
Về tình hình cho vay vốn: tổng dư nợ tín dụng đến cuối năm 2015 đạt 1.234.816 tỷ đồng, tăng 15,6% so với cuối năm 2014. Trong đó dư nợ tín dụng bằng VNĐ đạt 1.096.999 tỷ đồng, chiếm 88,8% trong tổng dư nợ tín dụng và tăng 21,44% so với cuối năm 2014; dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ đạt 137.817 tỷ đồng, chiếm 11,2% trong tổng dư nợ và giảm 16,23% so với cuối năm 2014.
Tín dụng đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong năm 5 năm qua, trong khi đó năm 2014 tốc độ tăng trưởng tín dụng 12,06%; năm 2013 là 9,04%; năm 2012 là 11,97% và năm 2011 là 7,74%.
Về tình hình nợ xấu và kết quả xử lý nợ xấu trên địa bàn, ông Tô Duy Lâm cho biết, đến 30-11-2015, nợ xấu trên địa bàn chiếm 4,03% trong tổng dư nợ. Như vậy so với cuối năm 2014, nợ xấu trên địa bàn giảm 15,6%, tương ứng giảm 8.835 tỷ đồng.
Phân tích chi tiết từng ngân hàng thì nợ xấu trên địa bàn tập trung cao vào nhóm chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần có hội sở chính ngoài địa bàn (hội sở tại Hà Nội và các thành phố khác trên cả nước, là các chi nhánh thuộc các ngân hàng được mua 0 đồng). Đây là các khoản nợ xấu rất khó xử lý, liên quan đến vụ án và gắn liền với quá trình tái cơ cấu hoạt động của các ngân hàng này. Vì vậy nếu loại bộ phận nợ xấu này ra, nợ xấu trên địa bàn chỉ còn chiếm 2,3% trong tổng dư nợ tín dụng.