Sẽ sôi động M&A dự án

Mua bán, sáp nhập (M&A) các dự án không còn là vấn đề xa lạ trên thị trường BĐS những năm qua, đặc biệt trong bối cảnh nhiều dự án BĐS trong nước lâm vào tình cảnh sống dở chết dở. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, 2015 mới là năm sôi động cho hoạt động này với sự đầu tư mạnh mẽ của khối ngoại

Mua bán, sáp nhập (M&A) các dự án không còn là vấn đề xa lạ trên thị trường BĐS những năm qua, đặc biệt trong bối cảnh nhiều dự án BĐS trong nước lâm vào tình cảnh sống dở chết dở. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, 2015 mới là năm sôi động cho hoạt động này với sự đầu tư mạnh mẽ của khối ngoại

DN nội trở lại

Từ nửa cuối năm 2014, hoạt động M&A BĐS trở nên sôi động trên cả 2 miền Nam và Bắc. Điều đặc biệt, không chỉ nhà đầu tư ngoại ra tay thâu tóm các dự án trong nước mà nhiều doanh nghiệp trong nước cũng đã thực hiện những vụ mua bán đình đám. Như tại Hà Nội, FLC Group mua lại 2 dự án với mức sở hữu lên đến 99% là Ion Complex tại đường Phạm Hùng (quận Nam Từ Liêm) và The Lavender (quận Hà Đông).

Dự án Sky Park Residence trên đường Tôn Thất Thuyết (quận Cầu Giấy) cũng vừa mới được chủ đầu tư Công ty Licogi 16 chuyển nhượng cho Tổng công ty Xây dựng Thanh Hóa với giá 143 tỷ đồng. Công ty Hải Phát cũng đang thâu tóm khu đất 5.000m2 mặt đường Nguyễn Xiển, với dự án tháp đôi 27 tầng, tổng mức đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng…

Dự án Ion Complex Phạm Hùng được FLC Group mua lại.

Dự án Ion Complex Phạm Hùng được FLC Group mua lại. 

Tại TPHCM, hoạt động M&A càng diễn ra sôi động với sự bạo chi của hàng loạt doanh nghiệp BĐS tên tuổi trong nước. Điển hình là thương vụ Novaland thu mua 8 dự án gồm The Sun Avenue (quận 2), Lucky Palace (quận 6), Orchard Garden, Garden Gate (quận Phú Nhuận)… với tổng giá trị chuyển nhượng ước tính 10.000 tỷ đồng. Công ty Địa ốc Phát Đạt cũng thu mua lại khu đất vàng trị giá hơn 500 tỷ đồng tại quận 5 của Công ty Đức Khải để phát triển dòng căn hộ cao cấp với thương hiệu The EverRich.

Trong khi đó, Công ty Hòa Bình mua lại 3 dự án Green Park (quận Bình Tân), Soho River View Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh) và Ascent (quận 2) với tổng giá trị hơn 650 tỷ đồng; Him Lam mua lại dự án khu dân cư Đông Nam từ Hoàng Anh Gia Lai trị giá 1.050 tỷ đồng…

Trên đà hồi phục của thị trường, dự kiến hoạt  động M&A BĐS sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2015 với nhiều dự án đang được các doanh nghiệp trong nước thực hiện. Thống kê của CBRE cho thấy từ năm 2011 đến nay, mỗi năm trung bình có khoảng 15 thương vụ M&A trong lĩnh vực BĐS. Đáng chú ý các công ty trong nước vẫn thống trị cả ở bên bán và bên mua. Theo đó có tới 63% bên mua là các công ty trong nước và ở bên bán con số này chiếm tới 54%.

Đánh giá của các chuyên gia BĐS cũng cho thấy, sự hồi phục của thị trường đã giúp hoạt động mua bán, sáp nhập trở nên sôi động hơn, đặc biệt xét về tiềm năng trung và dài hạn. Nhiều doanh nghiệp BĐS trong nước vững về tài chính sẽ không bỏ qua cơ hội thu mua lại các dự án có tiềm năng, có vị trí tốt với giá rẻ để tiếp tục đầu tư chờ cơ hội mới, đặc biệt khi người mua đã chấp nhận xuống tiền.

Chờ lực đẩy khối ngoại

Sau giai đoạn sôi động khoảng vài năm trước với các vụ thâu tóm những dự án đình đám như Park City, Centre Point, năm 2014 doanh nghiệp BĐS ngoại lại tỏ ra khá thận trọng khi mua lại các dự án. Lý giải cho điều này, Tổng giám đốc hãng tư vấn dịch vụ BĐS Cushman & Wakefield, ông Timothy Horton cho rằng các nhà đầu tư nước ngoài thường mất rất nhiều thời gian tìm hiểu thị trường trước khi đưa ra quyết định.

Đối với Việt Nam, nhà đầu tư dường như vẫn còn e ngại vì thị trường chưa được ổn định, danh mục đầu tư chưa được phong phú. Hiện nay nhà đầu tư nước ngoài chuộng xu hướng M&A đối với các công ty đang vận hành tốt bởi sự an toàn dòng tiền và tiềm năng phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi trong năm 2015, khi thị trường BĐS có những dấu hiệu cho thấy sự phục hồi và chính sách dành cho người nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài và Việt kiều trở nên rộng mở hơn.

Thống kê của Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho thấy dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) rót vào lĩnh vực BĐS ngày càng gia tăng. Cụ thể trong năm 2014, vốn FDI đổ vào BĐS đã tăng gấp gần 3 lần so với năm 2013 và con số này dự báo sẽ còn tăng trong năm nay.

Theo ông Richard Leech, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, từ năm 2013 các nhà đầu tư nước ngoài đã quan tâm đến BĐS Việt Nam và đến năm 2014, hàng loạt thương vụ đã được chốt. Theo quan sát của CBRE, những yêu cầu tìm hiểu thị trường để mua lại các tài sản tại Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh. Tại thời điểm này, các nhà đầu tư nước ngoài tìm hiểu mua các tài sản tại thị trường Việt Nam chủ yếu đến từ châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore…

Cũng theo nhận định của ông Richard Leech, các dự án khu trung tâm sẽ được săn đón nhiều trong năm 2015 và giá chuyển nhượng chắc chắn sẽ không hề rẻ. Sự cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước có nhiều kinh nghiệm, lợi thế sân nhà sẽ tiếp tục đẩy hoạt động M&A BĐS trong năm 2015 lên một nấc mới.

Các tin khác