Những cụm từ đầy kích thích xuất hiện hàng loạt trong các báo cáo được phát hành cho năm 2021 như “Vượt qua giông bão”, “Thời cơ trỗi dậy”, “Con hổ sẽ thức giấc”, “Những tầm cao mới”, thậm chí là “Hướng tới một năm lãi khủng” (Next big year return) của một quỹ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam...
Từ “FOMO” đến “TINA”
TTCK luôn có rất nhiều thuật ngữ thú vị và năm 2020 đánh dấu hai thuật ngữ phổ biến nhất. Đó là “TINA” (There Is No Alternative – không có lựa chọn kênh đầu tư tốt hơn) và FOMO (Fear Of Missing Out – Sợ nhỡ tàu).
Bất kỳ ai đã “nhúng chân” vào TTCK trong 3 quý cuối năm 2020 đều có thể cảm nhận rõ hai yếu tố này chi phối tâm lý. TTCK Việt Nam chạm đáy cuối tháng 3-2020 với mức sụt giảm hàng chục phần trăm của rất nhiều cổ phiếu (CP). Từ đáy này thị trường tăng liên tục và nỗi lo sợ “nhỡ tàu” đã thu hút một lượng rất lớn nhà đầu tư mới tham gia. Khi hàng loạt chính sách hỗ trợ và kích thích kinh tế được các chính phủ tung ra, Việt Nam cũng giảm lãi suất liên tục khiến các kênh đầu tư an toàn sinh lời rất thấp. Vàng, ngoại tệ, trái phiếu, bất động sản đều sinh lời kém xa TTCK. Một bộ phận lớn người dân không biết đổ tiền vào đâu khác ngoài cổ phiếu. Những kênh đầu tư mới như tiền kỹ thuật số lại không dễ chơi.
“TINA” chính là yếu tố mà ông Petri Deryng, nhà quản lý danh mục đầu tư và thành viên Hội đồng quản trị của quỹ Pyn Elite tại Việt Nam chỉ ra khi trả lời câu hỏi của các cổ đông hồi tháng 12-2020: Lãi suất trái phiếu chính phủ Việt Nam đã giảm mạnh, từ 5% xuống 2,5% trong 2 năm qua. Lãi suất tiền gửi rất thấp. Thu nhập tích lũy thường được đưa vào tiền gửi và thị trường trái phiếu. Do đó thời điểm này, CP hiện đang trở nên hấp dẫn, đặc biệt là so với các khoản đầu tư thu nhập cố định. Trong tương lai, lãi suất ngày càng giảm sẽ hỗ trợ dòng tiền trong nước dịch chuyển từ gửi tiết kiệm sang đầu tư chứng khoán.
Nếu hiểu rõ về hiện tượng “FOMO” và “TINA” thì không khó để lý giải diễn biến kỳ lạ của các TTCK toàn cầu trong năm 2020. Trên thế giới, giai đoạn TTCK tách biệt khỏi diễn biến thực của nền kinh tế từng là câu hỏi hóc búa. Tại Việt Nam, khi lệnh giãn cách xã hội được thực thi thì đó là điểm khởi đầu của một chu kỳ phục hồi ngoạn mục. Khi các nhà đầu tư kỳ cựu lo ngại về mức tăng quá nóng trên thị trường là lúc thị trường càng nóng hơn nữa. Khi những chuyên gia phân tích cảnh báo về mức thanh khoản quá lớn như một dấu hiệu của hoạt động “xả hàng” thì thanh khoản sau đó còn gấp nhiều lần.
Một điểm riêng biệt của TTCK Việt Nam là hiệu ứng “TINA” lần đầu tiên phản ánh rõ nét và có biểu hiện nhìn thấy được trong năm 2020. Giai đoạn 2007 hay 2017, tuy cũng có tình trạng nhà nhà, người người kể về chứng khoán, nhưng lượng vốn vào thị trường vẫn không đột biến (so với giai đoạn trước đó). Năm 2020 mức độ phổ biến của TTCK rộng hơn nhiều, đồng thời số lượng tài khoản mới mở tăng vọt. Điều này có thể xuất phát từ 3 hiệu ứng chính: Thứ nhất là tầng lớp trung lưu trẻ ngày càng tăng và đại dịch Covid-19 không làm ảnh hưởng quá nhiều đến thu nhập. Thứ hai là quan điểm hiện đại đã coi trọng việc tích lũy bằng tài sản hơn là tiền mặt dưới dạng tiết kiệm. Vàng là một lựa chọn của “các cụ”, còn giới trẻ đã tiếp cận phổ biến hơn về TTCK sau 20 năm. Thứ ba, mức độ cạnh tranh về lãi suất ở thời điểm 2020 khác xa các giai đoạn trước.
Việc TTCK Việt Nam hình thành lớp nhà đầu tư mới là một quy luật bình thường. Người dân ở các nước phát triển không chỉ có thói quen giữ tiền, vàng, tiết kiệm mà chọn giữ tài sản bằng cổ phần doanh nghiệp. Ðề án Cơ cấu TTCK và thị trường bảo hiểm Việt Nam 2020 - 2025 đặt mục tiêu 5% dân số mở tài khoản chứng khoán tới năm 2025. Đây vẫn là con số rất nhỏ so với các thị trường phát triển. Chẳng hạn khảo sát tháng 3-2020 của Pew Research cho thấy hơn một nửa dân số Mỹ có đầu tư vào cổ phiếu.
Điều “kỳ lạ” sẽ vẫn tiếp diễn?
Điều “kỳ lạ” sẽ vẫn tiếp diễn?
Hiệu ứng “FOMO” và “TINA” tạo nên sự kỳ lạ trên TTCK năm 2020 vẫn sẽ tiếp diễn trong năm 2021, thậm chí có thể ở mức độ còn cao hơn. Lý do đơn giản là một xu hướng rất khó để đảo ngược, trừ phi xuất hiện yếu tố đột biến đủ bất ngờ. Tất cả các nhà đầu tư trên TTCK đều hiểu điều này. Khi những điều kiện cơ bản của hiệu ứng “TINA” vẫn còn, thì dòng vốn chảy vào TTCK sẽ vẫn tiếp tục.
Quỹ Pyn Elite ngay từ đầu năm 2020 đã vững một niềm tin vào cơ hội cho VN Index tăng tới 1.800 điểm và bất chấp sự sụt giảm trên thị trường do Covid-19, niềm tin này cũng không lung lay. Đến cuối năm 2020, niềm tin càng trở nên vững chắc hơn. Rất khó để đánh giá tại thời điểm này về niềm tin 1.800 điểm, nhưng các phân tích vĩ mô và TTCK đều cho rằng năm 2021 sẽ là thời điểm bùng nổ mạnh mẽ. Tuy vậy điểm nhấn chung nhất lại chính là một thế hệ nhà đầu tư mới đang đổ tiền vào. Đây là biến số khiến việc dự đoán trở nên khó khăn và chính là dư địa rộng nhất tạo nên điều kỳ lạ trong năm tiếp theo.