SHTP dự kiến đạt kim ngạch xuất khẩu 26 tỷ USD năm 2023

(ĐTTCO) - Đây là thông tin được Ban quản lý khu công nghệ cao TPHCM (SHTP) báo cáo với Đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương do ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, làm trưởng đoàn vào chiều ngày 11-5.
Dồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa (thứ 2 từ trái qua) tham quan Khu CNC
Dồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa (thứ 2 từ trái qua) tham quan Khu CNC

Theo đó, qua hơn 20 năm hình thành, xây dựng và phát triển, SHTP TPHCM đã triển khai đồng bộ 7 phân khu chức năng, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển công nghệ cao (CNC). Đến nay, SHTP đã thu hút được 160 dự án, trong đó có 70 dự án sản xuất CNC, 19 dự án dịch vụ CNC, 19 dự án nghiên cứu triển khai (R&D), 9 dự án đào tạo - ươm tạo, 23 dự án công nghiệp hỗ trợ CNC, 9 dự án thương mại - dịch vụ, 11 dự án phát triển hạ tầng.

Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm CNC của SHTP cũng tăng dần hằng năm. Cụ thể, năm 2021 đạt 20,9 tỷ USD, năm 2022 kim ngạch xuất khẩu đạt 23 tỷ USD và dự kiến năm 2023 đạt 26 tỷ USD.

Trưởng Ban quản lý SHTP PGS.TS. Nguyễn Anh Thi cho biết, tính đến nay, có hơn 570 chuyên gia khoa học và công nghệ người nước ngoài và chuyên gia Việt kiều làm việc trong các doanh nghiệp tại SHTP và hơn 20 chuyên gia Việt kiều đã trở về làm việc theo cơ chế cộng tác viên tại 3 đơn vị sự nghiệp khoa học và 5 chuyên gia theo cơ chế chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học đối với lĩnh vực TP có nhu cầu.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa ghi nhận và đánh giá cao hoạt động của SHTP sau hơn 20 năm hình thành và phát triển. SHTP đã chứng tỏ sự đúng đắn của TPHCM trong cách tiếp cận và chọn phương thức tiến hành triển khai dự án, từ đó, đã hình thành một trung tâm CNC quốc gia.

Trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị SHTP cần tiếp tục tạo điều kiện phát triển chất lượng nhân lực từ nguồn nhân lực có sẵn, khuyến khích học tập, nâng cao trình độ chuyên môn; tăng cường hợp tác nghiên cứu và đào tạo với các viện, trường thuộc Đại học Quốc gia TPHCM để đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao theo yêu cầu của các doanh nghiệp; xác lập và triển khai các dự án chuyển giao công nghệ giữa trường đại học với các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, SHTP tiếp tục thuê chuyên gia nước ngoài đào tạo chuyên sâu cho đội ngũ trí thức hiện hữu, hoặc cử đi nước ngoài đào tạo nhằm giúp nguồn nhân lực tại chỗ có thể tiếp cận nhanh công nghệ mới và các công nghệ tích hợp… để đạt mục tiêu đến năm 2030, SHTP sẽ trở thành khu CNC đạt trình độ thế giới, hoạt động theo mô hình của khu công viên khoa học và công nghệ.

Các tin khác