Phó Thủ tướng cho biết, thời gian qua, cơ quan chức năng phát hiện người nước ngoài thuê người Việt Nam đầu tư dự án bất động sản dưới nhiều hình thức “núp bóng” đầu tư tại một số địa phương Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang, TPHCM…
Họ thông qua một số cá nhân người Việt Nam để lập doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản; thông qua cá nhân, tổ chức Việt Nam hoặc dùng các pháp nhân nước khác để đầu tư tại các lô đất, vị trí liên quan đến quốc phòng, an ninh có thời hạn sử dụng đất lâu dài để lách Luật Đầu tư và Luật Đất đai, sau đó mua lại phần góp vốn của phía Việt Nam.
Các chiêu thức khác bao gồm: thông qua việc cho cá nhân người Việt Nam vay tiền để thành lập doanh nghiệp, mọi quyết định đều phải thông qua bên cho vay; đầu tư “núp bóng” thông qua việc kết hôn với người Việt Nam, lập doanh nghiệp do vợ hoặc chồng là người Việt Nam đứng tên nhưng thực tế mọi hoạt động điều hành đều do người nước ngoài đảm nhiệm…
Để ngăn ngừa xử lý, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành Luật Đất đai năm 2013 và ban hành theo thẩm quyền các nghị định quy định chi tiết thi hành luật; trong đó đã quy định doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được tiếp cận đất đai thông qua việc Nhà nước thu hồi đất để giao đất, cho thuê đất hoặc thuê lại đất trong các khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế; hoặc nhận chuyển nhượng vốn đầu tư là giá trị quyền sử dụng đất không phải là đất nông nghiệp của các tổ chức kinh tế. Như vậy, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được tiếp cận đất đai trực tiếp thông qua việc nhận quyền sử dụng đất, thuê đất trực tiếp của hộ gia đình, cá nhân.
Mặt khác, Luật Đất đai cũng quy định hành vi bị nghiêm cấm, đó là “không thực hiện đúng quy định của pháp luật khi thực hiện quyền của người sử dụng đất”. Đối với trường hợp sử dụng đất để thực hiện các dự án có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển thì cơ quan có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích khi có ý kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các bộ, ngành có liên quan.
Trường hợp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với nhận chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư thì cũng phải đáp ứng điều kiện lấy ý kiến Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan như đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
Luật Nhà ở quy định tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài đáp ứng điều kiện theo quy định chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư; nếu là nhà riêng lẻ thì trên một khu vực có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 250 căn nhà.
Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, để tiếp tục ngăn chặn và xử lý triệt để tình trạng trên nhằm bảo đảm giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách để quản lý chặt chẽ, nghiêm cấm việc người Việt Nam đứng tên mua nhà, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất cho người nước ngoài theo kiến nghị của đoàn giám sát Quốc hội; chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý hoạt động của các doanh nghiệp, người nước ngoài hoạt động tại Việt Nam ngay từ khâu thẩm định, cấp phép, kiểm tra, giám sát các dự án; rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến năng lực, điều kiện hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài, khắc phục tình trạng dự án “treo”, nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm, chuyển nhượng trái phép.