Quy định này buộc các NH phải tăng an toàn vốn và kiểm soát chặt hơn các khoản vay có giá trị lớn như cho vay liên quan đến mua nhà. Thông tư này tiếp tục thông điệp giảm dần tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung, dài hạn, với các kịch bản về lộ trình thực hiện, bắt đầu từ 30-6-2020.
Xu thế tất yếu
Xu thế tất yếu
Có thể thấy dự thảo thông tư khẳng định quan điểm kiểm soát chặt tín dụng NH cho bất động sản (BĐS). Theo đó, kênh vốn tín dụng NH cho lĩnh vực BĐS sẽ không còn quá thông thoáng đối với doanh nghiệp BĐS và người vay tiền mua nhà. Điều đó hàm ý là doanh nghiệp và nhà đầu tư BĐS sẽ phải tìm đến những kênh vốn khác, kênh vốn phi NH.
Với doanh nghiệp BĐS, trong những tháng đầu năm 2019, có thể nhận thấy sự quan tâm đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Chẳng hạn, những đợt phát hành trái phiếu để đầu tư vào các dự án BĐS của REE, Vinhomes, Đất Xanh, Phát Đạt… Bên cạnh kênh trái phiếu được xem là “mỏ vàng”, một số doanh nghiệp niêm yết cũng đang tính đến phương án phát hành thêm cổ phiếu để gọi vốn.
Nói như một số nhà phân tích, kênh vốn phi NH chỉ là một dạng thức khác của tín dụng thứ cấp BĐS, từng đánh chìm nước Mỹ trong khủng hoảng tài chính 2007-2009. Khác biệt nó là trái phiếu doanh nghiệp, không phải là các khoản vay mua nhà thế chấp. |
Tín dụng NH sẽ được siết lại theo hướng an toàn hơn, bảo đảm tỷ lệ vốn vay ngắn hạn cho vay trung, dài hạn ở mức hợp lý; những khoản vay có tính dài hạn, đầu tư vào dự án trường vốn và rủi ro sẽ được chuyển bớt qua kênh vốn trái phiếu doanh nghiệp và cổ phiếu. Xu thế này sẽ khó đảo ngược với việc Việt Nam ngày càng hội nhập hơn, sẽ tuân thủ nhiều hơn các quy định quốc tế về an toàn vốn NH.
Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, Việt Nam đang đi vào con đường các nền kinh tế trên thế giới đối mặt: sự mở rộng và thiếu minh bạch của kênh vốn tín dụng phi NH, trong đó nhiều hoạt động nằm ở các NH ngầm (shadow banking). Thuật ngữ NH ngầm dễ khiến người ta liên tưởng đến “tín dụng đen” Nhà nước đang nỗ lực siết lại.
Nhưng thật ra NH ngầm bao gồm tất cả định chế phi NH có các hoạt động cung cấp tín dụng, dịch vụ tài chính nhưng không chịu quản lý của các quy định an toàn vốn ngặt nghèo của NH. Tín dụng đen chỉ là một phần trong đó, phần hoạt động hợp pháp lớn hơn ở các công ty tài chính, trái phiếu doanh nghiệp, quỹ đầu tư và giấy tờ có giá khác.
Ảnh minh họa.
Lợi ích và rủi ro
Tín dụng phi NH có cái lợi là gỡ bỏ gánh nặng cho ngành NH trong việc cung cấp vốn cho nền kinh tế. Đặc thù của NH là nhận tiền gửi tiết kiệm của người dân, nếu tham gia quá nhiều hoạt động cho vay có rủi ro, khi NH đổ vỡ, Chính phủ dù muốn hay không cũng phải tìm cách cứu NH bằng nguồn lực của Chính phủ một cách trực tiếp hay gián tiếp.
Tăng tín dụng phi NH giúp giảm bớt gánh nặng đó, mở đường cho các hoạt động NH an toàn hơn, từ đó cũng giảm bớt gánh nặng giải cứu của Chính phủ.
Lựa chọn siết hay mở kênh vốn phi NH, trước tiên phụ thuộc vào mức độ chấp nhận rủi ro. Nếu muốn nền kinh tế ổn định nhưng không tăng trưởng nóng với rủi ro đổ vỡ nhanh, việc quản lý an toàn kênh vốn phi NH là điều phải tính ngay từ bây giờ. |
Đó là chưa kể đến những định chế đang phát triển mang tính thời thượng dưới tên gọi fintech, cho vay ngang hàng, hay các mô hình tiệm cầm đồ fintech đang phát triển nhanh ở nhiều nước và đã xuất hiện ở Việt Nam. Đây là những xu thế phát triển xuất phát từ nhu cầu thực trong xã hội, khi có nhiều người cần tiền xoay sở có thể huy động vốn nhanh. Tính tích cực của nó là giúp tiền trong xã hội lưu chuyển hiệu quả hơn.
Song mặt trái của nó cũng đang dần hiện ra. Việc cho vay ngang hàng xuất hiện tràn lan, tín dụng tăng nhanh sự sụp đổ của nó cũng sẽ nhanh không kém, nếu các khoản vay bị vỡ nợ quá nhiều. Sự sụp đổ của cho vay ngang hàng tại Trung Quốc gần đây là bài học đắt giá. Nó không khác các vụ sụp đổ NH vì các công ty này cũng huy động vốn của người dân với lãi suất cao, sau đó cho vay lại. Công ty cho vay ngang hàng đổ vỡ, dân mất tiền. Tương tự, doanh nghiệp phát hành trái phiếu đầu tư tràn lan, dự án thất bại, người đầu tư trái phiếu mất tiền.
Ở Mỹ, một mối lo ngại khác đang được cảnh báo khi một số quỹ đầu tư lấy tiền của nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp được đánh giá là an toàn, nhưng thật ra rất rủi ro (thị trường này gọi là cho vay doanh nghiệp đang vay nợ lớn). Các doanh nghiệp vay nợ lớn sẽ phát hành một số loại trái phiếu có độ an toàn cao (senior debts), nhưng thật ra là các điều khoản bảo vệ đã được thiết kế tinh xảo để nó chẳng mấy khi có hiệu lực.
Bài toán đánh đổi?
Bài toán đánh đổi?
Vấn đề ở đây nằm ở 2 điểm. Thứ nhất, các hoạt động NH ngầm như trái phiếu đầu tư vào dự án rủi ro, cho vay ngang hàng, cầm đồ fintech… ít nhiều là dạng cầm tiền của nhà đầu tư, người gửi tiền, đem đi cho vay hay làm dự án. Nếu các công ty này đổ vỡ, dân vẫn mất tiền, nhưng Nhà nước có cứu như với NH không? Nếu không cứu, liệu nó có dẫn đến đổ vỡ an toàn hệ thống không? Thứ hai, nếu phải cứu vì an toàn hệ thống, cần quản lý hệ thống này như thế nào?
Đây là vấn đề không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước còn lúng túng. Bởi vì nó đơn thuần là bài toán đánh đổi. Nếu an toàn quá, cái gì cũng quản lý chặt, vốn sẽ không được sử dụng hiệu quả. Trái lại, chấp nhận mạo hiểm phải chấp nhận trả giá như Trung Quốc đã từng gánh chịu với cho vay ngang hàng.
Không có câu trả lời chính xác cho trường hợp này. Nhưng có một nguyên tắc cần đảm bảo. Nếu đã mở cho nền kinh tế tự chấp nhận mạo hiểm với các hoạt động NH ngầm, cần chuẩn bị tâm lý để họ tự đổ vỡ và không bỏ tiền can thiệp. Nền kinh tế đổ vỡ và đi xuống là chuyện phải chấp nhận và không can thiệp.
Vì nếu không, đó chính là lấy tiền thuế của người không chấp nhận mạo hiểm cứu trợ cho người làm liều và làm giàu nhanh. Có công bằng không khi người làm việc siêng năng tích cóp từng đồng phải đóng thuế để cứu những người liều lĩnh hơn?