“Cò” thổi giá
Tỉnh Bình Phước hiện có hơn 120 DA bất động sản nhưng có nhiều DA chưa được cấp phép xây dựng, hoàn thiện hồ sơ pháp lý nhưng chủ đầu tư đã vội “bán lúa non”.
Trong vai người mua đất, chúng tôi gọi cho Th., đang làm môi giới tại DA Khu đô thị Phúc Hưng Golden hơn 41ha (xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành), và được giới thiệu là khu dân cư kiểu mẫu đầu tiên của huyện.
Để tạo tin tưởng, Th. cung cấp sơ đồ, tiến độ xây dựng hạ tầng, đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 kèm sổ đỏ, hình ảnh và video giới thiệu về DA 2.400 nền đất. Tuy chưa hoàn thiện hạ tầng và không được phép chuyển nhượng, nhưng cò đất đã rao bán mỗi nền có diện tích 75-100m2 với giá 960 triệu - 1,4 tỷ đồng, tùy vị trí. Chủ đầu tư DA này vừa bị xử phạt 40 triệu đồng do thi công trái phép 60 căn nhà liền kề.
Dọc quốc lộ 14, hàng chục nền đất đã được tách thửa và mặc dù chính quyền đã yêu cầu siết chặt phân lô bán nền, nhưng cũng không làm giá đất “hạ nhiệt”. Hiện giá đất tùy từng vị trí dao động 15-17 triệu đồng/m2, tăng 1-3 triệu đồng/m2 so với thời điểm trước tết, và tại nhiều vị trí được cho là có đường cao tốc đi qua, cò đất còn đẩy giá tăng 10-20 lần.
Anh Phan Duy Hùng (38 tuổi, ngụ xã Minh Thành) cho biết, do dịch Covid-19 đang bùng phát nên nhiều giao dịch khác ngừng trệ, người dân quay sang mua đất đầu cơ cùng với việc “cò” thổi giá làm giá đất vẫn không hạ nhiệt.
Còn tại huyện Hớn Quản, sau cơn sốt đất ảo quanh khu vực sân bay Téc-Ních, “bong bóng” đất động sản bị vỡ, UBND huyện tiếp tục có chỉ đạo thanh tra việc phân lô bán nền trên đất nông nghiệp, đất giao khoán trồng rừng phòng hộ Dầu Tiếng thuộc khu vực xã Tân Hiệp (giáp ranh tỉnh Tây Ninh).
Việc người dân tự ý làm đường giao thông, xây dựng cơ sở hạ tầng (vỉa hè, đường điện hạ thế), phân lô bán nền tại một số khu dân cư thuộc thị trấn Tân Khai cũng đang rất phức tạp, và giá đất cũng rục rịch tăng 1,5-2 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, đa số các hộ mua bán bằng giấy tay nên mất nhiều thời gian xác định chủ sở hữu. Và việc “cò” thổi giá đất lên cao sẽ rất khó thỏa thuận áp giá bồi thường, cản trở việc giải phóng mặt bằng tại khu vực có DA được quy hoạch.
Bóng “ma” Alibaba tái xuất
Giống như Bình Phước, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đang loay hoay với bài toán kiểm soát phân lô tách thửa trái phép trên địa bàn. Trong đó, điểm nóng là tại thị xã Phú Mỹ, nơi tập trung phần lớn KCN và diện tích đất nông nghiệp ở đây còn khá lớn.
Theo chân một thổ địa đến đường 5 ấp 1 xã Tóc Tiên (thị xã Phú Mỹ), hàng loạt khu đất nông nghiệp gần đường nhựa được phân lô vuông vức bằng đường gạch đỏ chói. Xung quanh là các tấm quảng cáo mỹ miều như: DA gần KCN, đường cao tốc, sân bay..., nhưng phần lớn do một công ty hoặc cá nhân đứng ra mua và thỏa thuận với người dân rồi tự chia lô bán nền.
Đại diện chính quyền địa phương cho biết, không có DA bất động sản nào tại những vị trí nêu trên, và cơ quan chức năng đã lập biên bản xử lý các đối tượng làm đường bê tông xung quanh khu đất. UBND thị xã Phú Mỹ đã thành lập các đoàn kiểm tra để xử lý các trường hợp vi phạm.
Qua thống kê, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 3.771 sổ đỏ đất nông nghiệp đồng sở hữu. Cá biệt, TP Vũng Tàu có 125 sổ với số người đồng sở hữu từ 11-50 người và có 8 sổ đứng tên từ 50 người trở lên, thậm chí có sổ đứng tên của 103 người. Điều này không chỉ mang đến rủi ro cho người mua mà còn ảnh hưởng đến việc quản lý quy hoạch, đô thị, trật tự xây dựng, đất đai của địa phương.
Trong năm 2021, tỉnh đã liên tiếp ban hành 3 văn bản yêu cầu các sở ngành, địa phương siết chặt tình trạng phân lô bán nền và có thời điểm tỉnh yêu cầu tạm ngưng giải quyết các thủ tục tách thửa đất nông nghiệp có diện tích dưới 500m2 và có nhiều người đứng tên.