Bước đi bài bản
SJF được thành lập năm 2012 với vốn điều lệ 6 tỷ đồng, mục đích ban đầu là cung cấp các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp có nguồn gốc thiên nhiên (thảo dược hay hữu cơ như Sakura, Ecoparadise) từ các thị trường phát triển đến với người tiêu dùng Việt Nam. Năm 2014, SJF mở rộng kinh doanh và tăng vốn lên 250 tỷ đồng để đầu tư phát triển chuỗi giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững. Cụ thể, cuối năm 2014, SJF bắt đầu triển khai đầu tư xây dựng nhà máy tre ép công nghiệp tại Hòa Bình và Điện Biên sản xuất các sản phẩm nội thất, hàng tiêu dùng hướng đến xuất khẩu.
Đầu năm 2015, SJF thử nghiệm áp dụng một số công nghệ vi sinh tiên tiến của các đối tác Nhật Bản, châu Âu vào lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi, nhằm tìm ra công nghệ thích hợp và hiệu quả nhất cho nền sản xuất nông nghiệp sạch của Việt Nam. Cũng trong năm 2015, SJF tiếp tục tăng vốn lên 660 tỷ đồng để tiếp tục đầu tư vào 2 nhà máy tre ép công nghiệp và chuỗi sản xuất nông nghiệp sạch theo công nghệ sinh học LBF (Lactobacillus Fermentum).
Nhà máy chế biến gỗ của SJF.
Đồng thời, SJF cũng thử nghiệm thành công áp dụng công nghệ bảo quản “cấp đông mềm” của Nhật Bản cho hoa quả (cam, vải, khoai tây), với khả năng giữ tươi lên đến trên 3 tháng không cần sử dụng chất bảo quản.
Tháng 10-2016, SJF thành lập Trung tâm nghiên cứu phát triển Sunstar Smart, với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước. Nhiệm vụ của Sunstar Smart là nghiên cứu phát triển sản phẩm cho hệ thống và mở ra hướng phát triển mới có nhu cầu rất lớn trong hiện tại và tương lai, là các thiết bị thông minh ứng dụng trong gia đình và tự động hóa sản xuất trong các nhà máy. Năm 2017, SJF bắt đầu triển khai hợp tác toàn diện với CTCP Mía đường Lam Sơn (Lasuco) sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ứng dụng công nghệ Nhật Bản, xây dựng nhà máy sản xuất tre công nghiệp công suất 100.000m3/năm tại Thanh Hóa.
Lãnh đạo “lướt sóng”
Lãnh đạo “lướt sóng”
Năm 2016, SJF chính thức trở thành công ty đại chúng với số vốn 660 tỷ đồng, tiến tới minh bạch hóa hoạt động và nâng cao thương hiệu. Đến tháng 7-2017, SJF chính thức niêm yết CP trên HOSE và chốt ngày chào sàn với mức giá 13.900 đồng/CP. Sau thời gian dài giao dịch ở mức giá dao động 13.000-14.000 đồng/CP, SJF bất ngờ có đợt sóng tăng khá mạnh trong năm 2018. Chỉ trong chuỗi tăng giá kéo dài gần 1 tháng, SJF đã vượt đỉnh 28.000 đồng/CP ở phiên giao dịch ngày 24-8-2018. Thời điểm SJF tạo sóng, có không ít CTCK khuyến nghị NĐT mua vào, với nhận định cho rằng đây là mã CP tiềm năng nếu nhìn vào chiến lược đầu tư khá bài bản.
Thế nhưng, ngay khi leo lên đỉnh cao này, SJF rơi vào trạng thái bị bán ra và điều chỉnh mạnh. Thời điểm bấy giờ, nhiều NĐT vẫn cho rằng đây là hiện tượng bình thường, sau khi mã CP này có đợt tăng giá mạnh từ mức 15.400 đồng/CP. Chính vì vậy, SJF liên tục được NĐT mua vào bắt đáy mỗi khi SJF giảm giá, đặc biệt sau khi CP này lùi về dưới mức giá 20.000 đồng/CP (phiên giao dịch ngày 7-9-2018).
Và khi rớt xuống dưới mốc 20.000 đồng/CP, SJF bất ngờ đảo chiều và tăng thẳng lên sát mốc 25.000 đồng/CP (phiên giao dịch ngày 26-9-2018). Sự hồi phục mạnh mẽ của SJF khiến nhiều NĐT lao vào bắt đáy với suy nghĩ mốc 20.000 đồng/CP là ngưỡng hỗ trợ của mã CP này. Tuy nhiên, sau đợt hồi phục này, SJF lao thẳng về mức giá 2.910 đồng/CP (phiên giao dịch ngày 12-6-2019). Xen kẽ các phiên lao dốc là những nhịp phục hồi để lôi kéo NĐT tham gia bắt đáy.
Điều đáng nói, trước khi SJF lao dốc, hàng loạt cán bộ chủ chốt của doanh nghiệp đã nhanh tay bán ra lượng lớn CP đang nắm giữ. Đơn cử, ông Nguyễn Trí Thiện, Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng giám đốc. Theo thống kê, ông Thiện đã bán 1,98 triệu CP trong khoảng thời gian từ ngày 5-7 đến 3-8-2018; trong khi ông Nam bán 1,65 triệu CP từ ngày 30-7 đến ngày 15-8-2018. Sau khi bán ra ở mức giá gần đỉnh, 2 ông lại đăng ký mua vào tổng cộng 6 triệu CP từ ngày 14-1 đến 12-2-2019. Thời điểm này, SJF giảm xuống chỉ còn khoảng 5.000 đồng/CP.
Cổ đông bức xúc
Cổ đông bức xúc
Việc CP lao dốc không phanh khiến ĐHCĐ thường niên năm 2019 của SJF nóng hơn bao giờ hết, với hàng loạt chất vấn từ các cổ đông. Tuy nhiên, lãnh đạo SJF đã bác bỏ nghi ngờ thao túng giá của các cổ đông nội bộ. Theo đại diện lãnh đạo SJF, biến động giá hoàn toàn thuận theo cung cầu mua bán trên TTCK. SJF giảm mạnh trong thời gian qua có nhiều nguyên nhân, trong đó có sự sụt giảm chung của thị trường do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vào thời điểm đầu năm 2018.
Ngoài ra, nguyên nhân có thể bắt nguồn từ kết quả hoạt động kinh doanh không được tốt như kỳ vọng, do hoạt động sản xuất tre ép công nghiệp chưa mở rộng được như dự kiến. Đặc biệt, hoạt động kinh doanh nông sản và phân bón không tốt như kế hoạch, do ảnh hưởng của dịch bệnh đến nhu cầu tiêu thụ phân bón và tiêu thụ thức ăn.
Giãi bày của SJF khiến nhiều cổ đông hết sức bất ngờ và phản ứng gay gắt. Bởi thời điểm đầu năm 2019, khi CP này giảm 80%, chính ông Thiện đã công bố thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn diễn ra bình thường và ổn định. Theo đó, lợi nhuận sau thuế quý III-2018 đạt hơn 42 tỷ đồng, cả năm ước đạt 50 tỷ đồng và hoàn thành chỉ tiêu ĐHCĐ thường niên 2018 đề ra.
Tuy nhiên, trước sức ép của các cổ đông, đại diện SJF đã thừa nhận việc CP bị giảm giá hơn 90%, nhiều khả năng một số cổ đông đã cầm cố CP để vay tiền đầu tư cho hoạt động riêng. Đến hạn trả tiền vay, nhóm cổ đông này không có khả năng thanh toán nên bị ngân hàng bán giải chấp cho khoản vay, không phải giải chấp do call margin.
Quay lại với hoạt động sản xuất kinh doanh của SJF. Theo báo cáo tài chính 2019, doanh thu đạt 666 tỷ đồng (tăng 22%), trong khi lợi nhuận sau thuế 5 tỷ đồng (giảm 88%). Như vậy, SJF không hoàn thành kế hoạch kinh doanh, khi chỉ đạt 95% doanh thu và 9% kế hoạch lợi nhuận 2019. Kết quả kinh doanh năm 2019, cộng với sự tuột dốc thê thảm của giá CP, dự báo HĐQT của SJF sẽ phải đối mặt với mùa ĐHCĐ khó khăn nhất từ trước tới nay.
Dù liên tục mua vào khi SJF phá đáy để quân bình giá, nhưng nhiều NĐT vẫn đang lỗ hơn 90% khi giá hiện tại chỉ còn khoảng 1.200 đồng/CP. |