Tuy nhiên, cuộc họp ngày 12-8-2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại có quan điểm khác. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, chỉ nên có 1 Sở GDCK, đặt tại Trung tâm tài chính quốc gia.
Thực tế, với 64 tỉnh thành trên cả nước, Hà Nội và TPHCM luôn là 2 TP có sự tập trung tài chính vượt trội và lớn nhất, nhưng địa phương nào sẽ trở thành trung tâm tài chính quốc gia vẫn còn nhiều ý kiến.
Kinh nghiệm thế giới
Thực tế cho thấy bất kỳ quyết sách mang tính chất mệnh lệnh hành chính, duy ý chí sẽ không tận dụng được tiềm năng và thế mạnh của các chủ thể, thậm chí còn kìm hãm sự phát triển. Nhìn lại các quốc gia trong khu vực châu Á, dễ thấy sự phát triển thần kỳ của các TP Thượng Hải hay Singapore - những thí dụ minh chứng cho sự đúng đắn trong việc phát triển phù hợp với quy luật kinh tế, quy luật khách quan của thị trường.
Cụ thể, TP Thượng Hải mới mở cửa và phát triển từ đầu những năm 90 thế kỷ trước, nay đã trở thành "đầu" của con rồng Trung Quốc trong phát triển kinh tế. Singapore, từ một nền kinh tế nghèo và nhỏ sau khi độc lập vào năm 1965, nay đã trở thành con rồng châu Á với GDP đầu người đứng thứ 7 trên thế giới.
Cùng với nền kinh tế phát triển nhanh mạnh, Singapore đã và đang trở thành trung tâm tài chính khu vực châu Á - Thái Bình Dương (chỉ sau Hồng Kông).
Quy luật khách quan và thông lệ quốc tế chỉ ra rằng, thị trường tài chính sẽ phát triển nhanh và hiệu quả hơn khi được đặt trong môi trường kinh tế năng động, để từ đó có thể phát huy tối đa tác động tích cực đến tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Tiêu chí lựa chọn để đặt trụ sở chính cho các sở GDCK thường dựa trên các yếu tố, như nguồn nhân lực tài chính dồi dào, môi trường kinh doanh năng động, cơ sở hạ tầng tài chính phát triển, khả năng thâm nhập thị trường dễ dàng, sức cạnh tranh của thị trường cao. Những tiêu chí này hoàn toàn khác hẳn tiêu chí lựa chọn trung tâm chính trị.
Doanh nghiệp đặc biệt
Ðặt Sở GDCK Việt Nam ở đâu, câu hỏi mang tầm quốc gia, khi xem xét mối tương quan giữa HOSE và HNX sau gần 20 năm vận hành của TTCK Việt Nam. |
Nó cần phải được đặt vào một môi trường năng động, cạnh tranh để có nhiều cơ hội phát triển. Cơ quan quản lý thị trường như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cần đặt tại thủ đô để thuận tiện cho việc trao đổi, phối hợp với các bộ ngành trung ương khác trong việc quản lý thị trường.
Có thể thấy các TP, trung tâm kinh tế tài chính năng động như New York (Hoa Kỳ), Frankfurt (Đức), Thượng Hải và Hồng Kông (Trung Quốc) cũng là nơi hình thành nên các sở GDCK hàng đầu thế giới hiện tại.
Tại Hà Nội, định hướng phát triển thủ đô đến năm 2020 tại Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định, phát triển Hà Nội xứng đáng với vai trò là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Trong khi đó tại TPHCM, từ năm 2002, Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị về TP đã xác định việc xây dựng và phát triển TPHCM thành trung tâm tài chính của cả nước và từng bước thành trung tâm tài chính của khu vực (ASEAN).
Tuy nhiên, mọi ý tưởng xây dựng TPHCM thành trung tâm tài chính vẫn còn dang dở, thậm chí vai trò của TPHCM còn giảm dần xét về quy mô thị trường tài chính so với cả nước, như tổng vốn huy động qua định chế tài chính trên địa bàn giảm từ 40% những năm 2000 xuống còn 24% trong năm 2018, xếp sau Hà Nội là 34%.
Dù vậy, hiện TPHCM là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đầu tàu kinh tế của cả nước, là nơi hội tụ nhiều doanh nghiệp lớn, đầu ngành và các hoạt động kinh tế - tài chính bậc cao.
Theo quy luật thị trường, tất cả ngân hàng, tổ chức tài chính, doanh nghiệp lớn đều đặt trụ sở tại TP, hoặc có hoạt động chính yếu trên địa bàn TP vì nơi đây có nhiều dư địa để phát triển.
Theo thống kê của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), TPHCM hiện có khoảng 140.000 doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm 34,5% số lượng doanh nghiệp cả nước, tạo nên môi trường năng động thích hợp cho sự phát triển của thị trường tài chính - chứng khoán. Đó cũng là lý do TPHCM được lựa chọn để trở thành địa điểm đặt trụ sở chính của HOSE, khai sinh TTCK tập trung đầu tiên của cả nước.
Hạ tầng đồng bộ
Hạ tầng đồng bộ
Câu chuyện cốt lõi để thị trường vận hành hiệu quả là TTCK Việt Nam phải xây dựng được nền tảng pháp lý và hệ thống công nghệ có sức cạnh tranh quốc tế. |
Tại thời điểm đầu năm 2019, giá trị vốn hóa của các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE đã đạt trên 3 triệu tỷ đồng, chiếm gần 90% giá trị vốn hóa TTCK tập trung cả nước. Quy mô thị trường cổ phiếu tập trung tại TPHCM cũng là yếu tố quyết định cho việc đặt trụ sở chính. Bởi theo thông lệ quốc tế, cổ phiếu là sản phẩm nền tảng của TTCK, là cơ sở để phát triển các công cụ phái sinh bậc cao khác của thị trường tài chính.
HOSE trở thành hình ảnh của TTCK Việt Nam trong mắt nhà đầu tư quốc tế. Bởi nơi đây luôn là thị trường niêm yết của doanh nghiệp lớn, có giá trị giao dịch cao, có tính minh bạch tốt và là đầu mối của các hợp tác quốc tế song phương và đa phương quan trọng, như Liên kết ASEAN, Liên đoàn các sở GDCK châu Á và châu Đại dương, Liên đoàn các sở GDCK Thế giới, Sáng kiến các sở GDCK bền vững.
Bên cạnh đó, 3 trụ cột chủ đạo về hạ tầng công nghệ của TTCK Việt Nam HOSE đang quản lý, vận hành gồm hệ thống công nghệ thông tin đồng bộ, tòa nhà trụ sở chính Exchange Tower và Trung tâm dữ liệu dự phòng, là những cơ sở nền tảng đáp ứng yêu cầu phát triển của TTCK hiện đại.
Cơ sở hạ tầng đầu tư tại HNX cũng không thể sánh bằng so với HOSE, chưa đáp ứng đủ các tiêu chí phát triển của TTCK hiện đại. Ước tính riêng mức đầu tư cho hệ thống công nghệ mới đặt tại TPHCM đã lên đến 31 triệu USD, chưa kể đến Trung tâm Dữ liệu dự phòng và Tòa nhà Exchange Tower.
Bên cạnh đó, việc xây dựng và phát triển TTCK đầu tiên tại TPHCM, để đến hôm nay thị trường này đã tạo dựng được nền tảng ban đầu khá vững chắc và tiếp tục phát triển.
Hiện tại, chúng ta đang ở thời khắc quan trọng mà quyết sách của Chính phủ sẽ mang tính quyết định cho giai đoạn phát triển tiếp theo của thị trường. Việc hợp nhất 2 sở cần được làm ngay để tạo nên 1 sở GDCK đủ lớn, giảm bớt tốn kém chi phí xã hội và khó khăn cho nhà đầu tư.
Trong đó, trụ sở chính của Sở GDCK Việt Nam là bộ mặt chính của TTCK quốc gia - trụ cột chính của hệ thống tài chính hiện đại. Điều này phù hợp với TPHCM, nơi hội tụ được nhiều doanh nghiệp lớn, đầu ngành, các hoạt động kinh tế - tài chính bậc cao...
Tất cả ngân hàng, tổ chức tài chính, doanh nghiệp lớn đều đặt trụ sở, hoặc có hoạt động chính yếu trên địa bàn TPHCM.