Số hóa xóa cảnh chen chúc ở bệnh viện

(ĐTTCO) - Nhờ áp dụng các giải pháp công nghệ, nhiều bệnh viện công tại TPHCM đã rút ngắn thời gian, thủ tục, tạo thuận lợi cho bệnh nhân mỗi khi đến khám, tái khám, điều trị.

Dứt cảnh chen chúc bốc số từ mờ sáng

Tháng 4/2020, khi việc đi lại, tiếp xúc bị hạn chế do phải giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, chị Dương Mộng Linh (quận 12, TPHCM) cảm thấy lo lắng vì con trai thứ hai của chị cần phải chích ngừa nhiều lần theo lịch nhắc hẹn của Viện Pasteur.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin giúp cho việ c đăng ký khám chữa bệnh của người dân thuận tiện hơn ẢNH: HOÀ I AN

Việc ứng dụng công nghệ thông tin giúp cho việc đăng ký khám chữa bệnh của người dân thuận tiện hơn - Ảnh: Hoài An

Sợ trễ lịch hẹn, chị Linh định đánh liều đưa con đến bệnh viện bốc số thứ tự như từ trước đến nay, nhưng cũng ngại việc phải chờ đợi lâu.

Tình cờ, chị được bạn tư vấn, Viện Pasteur có dịch vụ đăng ký tiêm chủng online trên trang web của viện. Chị vào mục đăng ký, tạo tài khoản và chọn ngày tháng, khung giờ đến chích ngừa. Sau khi đăng ký thành công, chị chỉ việc đến viện theo lịch hẹn. 

“Con trai đầu của tôi năm nay tám tuổi, đã tiêm chủng tại Viện Pasteur. Trước đây, mỗi khi đến ngày chích ngừa, tôi phải đi từ sáng sớm, đến viện bốc số rồi chờ đến lượt, mất cả buổi sáng mới xong. Giờ có dịch vụ đăng ký trực tuyến này, tôi chủ động được thời gian hơn. Trong suốt thời gian dịch vừa qua, lịch tiêm chủng của con vẫn đầy đủ, đúng hẹn” - chị Linh kể.

Cuối năm 2019, sau khi dự tiệc cuối năm ở cơ quan và ra về, anh Hoàng Lâm (quận Bình Tân, TPHCM) không may té xe, bị nứt xương cánh tay trái, phải đến Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM chữa trị.

“Lần đầu đến, không biết khám bệnh ở đâu, tôi chạy đi chạy lại gần 30 phút mới biết được ở bệnh viện này có hai khu vực gồm khám dịch vụ và khám bảo hiểm y tế. Hai khu vực này nằm ở cách xa nhau, khác cổng ra vào. Bệnh nhân đến đây phải điền phiếu đăng ký khám và lấy số thứ tự tại bàn bảo vệ. Mất 3-4 công đoạn, người bệnh mới đến được chỗ đóng phí để khám bệnh.

Lúc đó, ở khu vực chờ lấy số thứ tự, rất đông người chen chúc trong không gian hẹp và phải chờ lâu mới tới lượt mình. Lúc xếp hàng chờ đến lượt khám, một phụ nữ quê ở Vĩnh Long khóc tức tưởi vì bị kẻ gian móc túi lấy sạch tiền” - anh Lâm nhớ lại. 

Tuy nhiên, tháng 5/2020, khi quay lại bệnh viện này tái khám, anh Lâm khá bất ngờ vì khu vực chờ khám được đặt một máy lấy số tự động.

Theo hướng dẫn, bệnh nhân khi đến tái khám, chỉ cần đặt mã vạch sổ khám bệnh của mình vào máy quét, máy sẽ tự động in ra số thứ tự. Bệnh nhân không phải điền thông tin, nộp sổ, chờ gọi đến nhận số thứ tự như trước kia nên không còn cảnh chen chúc đông người.

Những bệnh nhân ở tỉnh lần đầu đến khám bệnh cũng có thể gọi điện vào tổng đài 1080 để đăng ký, đặt giờ khám bệnh trước một ngày để không phải chờ đợi lâu. Điều này vừa thuận tiện cho bệnh nhân, vừa giảm bớt tình trạng móc túi và nạn “cò” lừa đảo. 

Một bệnh nhân tự tra cứu đơn thuốc qua ứng dụng AR trên ki-ốt đặt tại Khoa Khám bệnh Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM

Một bệnh nhân tự tra cứu đơn thuốc qua ứng dụng AR trên ki-ốt đặt tại Khoa Khám bệnh Viện Y Dược học dân tộc TPHCM

Năm 2017, những cơn đau lưng, thoái hóa khớp gối ngày một nặng nên bà Nguyễn Thị Kha (huyện Bình Chánh, TPHCM) thường xuyên đến khám ngoại trú ở Viện Y Dược học dân tộc TPHCM.

Trước đây, có khi bà Kha phải mất một ngày mới khám xong, sau đó mang toa thuốc về. Tháng 10/2019, quay lại viện, bà bất ngờ khi thấy ở khu làm thủ tục, có đặt một cái máy giống máy ATM.

Trên đó, chỉ cần bấm theo yêu cầu, người bệnh dễ dàng đọc được tên từng loại thuốc theo kê đơn của bác sĩ. Chỉ cần chạm vào tên thuốc thì hình ảnh thật của lọ thuốc, thành phần dược liệu, công dụng, liều dùng sẽ hiện lên màn hình. 

Máy này còn hiện tên các vị bác sĩ giỏi của bệnh viện để người bệnh tìm hiểu. 

Bệnh nhân nhàn, bệnh viện giảm tải 

Bệnh viện quận Thủ Đức là một trong hai bệnh viện của TPHCM vừa nhận bằng khen của Bộ Y tế về việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào công tác thăm khám, chữa trị, tạo sự thoải mái, an tâm cho bệnh nhân.

Số hóa xóa cảnh chen chúc ở bệnh viện ảnh 3

Thạc sĩ Huỳnh Mỹ Thư - Trưởng phòng Quản lý chất lượng bệnh viện này - cho biết trước dịch COVID-19, trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận hơn 6.500 lượt bệnh nhân đến khám. Trong năm 2020, số bệnh nhân giảm còn khoảng 5.000 lượt/ngày.

Tại đây, không có tiếng loa gọi tên bệnh nhân như trước do bệnh viện đã áp dụng mô hình “bệnh viện số” từ năm 2019. 

Theo đó, bệnh nhân chủ động lựa chọn nhiều hình thức đăng ký khám bệnh như đăng ký tại quầy, quét mã QR trên thẻ bảo hiểm y tế. Tại các phòng khám của bệnh viện, đều có màn hình hiển thị số thứ tự để người bệnh tiện theo dõi lượt khám.

Người đi khám bệnh không cần mang theo hồ sơ, toa thuốc do các bác sĩ theo dõi lịch sử khám, chữa bệnh đã lưu trong phần mềm máy tính.

Ngoài ra, người bệnh có thể biết chi tiết giá dịch vụ khám chữa bệnh, số tiền cần phải đóng, được công khai ngay trên phiếu chỉ định cận lâm sàng.

Thạc sĩ Huỳnh Mỹ Thư thông tin: “Với hệ thống số thứ tự trung tâm, người bệnh chỉ cần lấy số một lần duy nhất khi đăng ký khám, tất cả số thứ tự khác đều tích hợp trên các giấy tờ cung cấp cho người bệnh (phiếu chỉ định cận lâm sàng, toa thuốc)”. 

Chị Huỳnh Ngọc Lan Chi - chuyên viên Phòng Truyền thông, Viện Y Dược học dân tộc TPHCM - cho biết mỗi ngày, có khoảng 1.000 bệnh nhân khám và điều trị tại đây. Nhằm tạo thuận lợi cho bệnh nhân, viện đã triển khai ứng dụng AR trên ki-ốt đặt tại Khoa Khám bệnh, giúp người bệnh, học viên, nhân viên của bệnh viện tìm hiểu nhanh công dụng, liều dùng của các vị thuốc.

cảnh chen chúc thường thấy ở các bệnh viện khi chưa áp dụng “số hóa” và cải cách thủ tục khám bệnh - Ảnh: T.D.

Cảnh chen chúc thường thấy ở các bệnh viện khi chưa áp dụng “số hóa” và cải cách thủ tục khám bệnh - Ảnh: T.D.

“Hiện nay, viện định danh bệnh nhân bằng mã QR. Bệnh nhân đã từng khai danh tính khi khám ở đây một lần, sẽ được tích hợp thông tin vào mã vạch trên sổ khám bệnh; những lần sau, chỉ cần quét mã vạch thay cho việc điền mẫu khai báo, bốc số” - chị Lan Chi cho biết. 

Không ngừng cải tiến chất lượng dịch vụ

Tại hội nghị tổng kết chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020, chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2021-2030, Sở Y tế TPHCM cho biết, một trong những nỗ lực của ngành y tế là cải thiện dịch vụ công trong công tác khám bệnh, chữa bệnh, nâng cao chỉ số hài lòng của người dân. Các bệnh viện và cơ sở y tế đã không ngừng nâng cao năng lực, triển khai nhiều kỹ thuật chuyên sâu đối với từng loại bệnh.

Từ tháng 3/2020, Sở Y tế TPHCM đã chính thức ra mắt ứng dụng “Y tế trực tuyến” cài đặt trên điện thoại thông minh, giúp người dân dễ dàng phản ánh các hành vi vi phạm pháp luật của các cơ sở hành nghề khám, chữa bệnh. Hiện đã có trên 100 phản ánh của người dân gửi đến Thanh tra Sở Y tế thông qua ứng dụng này. 

Trước đó, từ tháng 5/2017, Sở Y tế TPHCM chính thức triển khai hệ thống ki-ốt khảo sát đánh giá của người dân đặt tại khoa khám bệnh của các bệnh viện, giúp cho các bệnh viện chủ động nắm bắt ý kiến đóng góp của người bệnh ngoại trú sau khi đến khám bệnh tại các bệnh viện, từ đó chủ động tìm nguyên nhân và có giải pháp cải tiến chất lượng phục vụ người bệnh.

Sau hơn ba năm triển khai, ý kiến không hài lòng của người bệnh đã giảm rõ rệt ở tất cả 15 nội dung được khảo sát. 

Sở Y tế TPHCM cũng cho biết, theo kết quả điều tra xã hội về sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các đơn vị cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực y tế, giáo dục năm 2019 của Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, chỉ số hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế tại TPHCM là 80,30%.

Chỉ số này vừa phản ánh chất lượng dịch vụ y tế đang ngày càng được cải thiện, đồng thời cũng là lời nhắc nhở để toàn ngành y tế cần tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa để đáp ứng sự mong đợi của người dân.

Các tin khác