Số phận 'lao đao' của một dự án

(ĐTTCO) - Mới đây, UBND TPHCM đã quyết định chấm dứt dự án Trung tâm Thể dục thể thao Phan Đình Phùng theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT). Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề chưa thể giải quyết, đặc biệt là việc hoàn trả chi phí cho nhà đầu tư.

Sau 14 năm triển khai, dự án Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng vẫn là bãi đất trống.
Sau 14 năm triển khai, dự án Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng vẫn là bãi đất trống.

Tính cấp bách của dự án

Ngày 20-3-2010, UBND TPHCM có Công văn 1203/UBND-ĐTMT về việc báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thực hiện thí điểm dự án xây dựng Trung tâm Thể dục thể thao Phan Đình Phùng (dự án PĐP), theo hình thức hợp đồng BT, nhằm phát triển cơ sở vật chất phục vụ cho thể dục thể thao và để đáp ứng yêu cầu tổ chức ASIAD 2012.

Đồng thời, UBND TPHCM cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chỉ định NĐT là Tổng CTCP Đền bù giải tỏa và Công ty TNHH An Tạo thực hiện. Theo đó, TPHCM sẽ bán chỉ định mặt bằng nhà, đất số 257 Trần Hưng Đạo (phường Cô Giang, quận 1) cho NĐT. Theo phương án này, Nhà nước hoặc NĐT sẽ thanh toán bù khoản chênh lệch giữa giá trị đầu tư dự án (sau khi đã được kiểm toán) và giá trị mặt bằng, nhà đất này.

Ngày 28-4-2010, Thủ tướng Chính phủ có Công văn 686/TTg-KTN, đồng ý cho UBND TPHCM được áp dụng thí điểm hình thức BT và chỉ định NĐT thực hiện dự án; đồng ý về nguyên tắc cho UBND TPHCM được bán chỉ định nhà, đất số 257 Trần Hưng Đạo cho NĐT.

Ngày 30-11-2016, UBND TPHCM ban hành Quyết định 6260/QĐ-UBND duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, NĐT thực hiện dự án PĐP với hình thức chỉ định NĐT. Sau đó, UBND TPHCM phê duyệt kết quả chỉ định NĐT thực hiện dự án là liên danh giữa Tổng CTCP Đền bù giải tỏa và CTCP Phát triển bất động sản Phát Đạt (trước đó Công ty TNHH An Tạo xin rút).

Ngày 18-6-2018, Giám đốc Sở VH-TT TPHCM đã ký bản thỏa thuận đầu tư với liên danh này. Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, hợp đồng BT dự án PĐP chưa được ký kết chính thức.

Vì sao nên nỗi…

Trước đó vào ngày 16-3-2023, UBND TPHCM ban hành Quyết định 908/QĐ-UBND thành lập Tổ công tác giải quyết vướng mắc liên quan đến dự án PĐP. Theo báo cáo của Tổ công tác, do tính cấp bách cần thực hiện nhanh để đáp ứng nhu cầu tổ chức sự kiện thể thao quốc tế ASIAD 2012 tại Việt Nam, nên UBND TPHCM đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương chỉ định NĐT vào năm 2010.

Tuy nhiên, kết quả lựa chọn NĐT lại được phê duyệt vào tháng 1-2018. Do vậy, việc Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương lựa chọn NĐT trước đây có thể không còn phù hợp tại thời điểm năm 2018. Và nội dung này cũng đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định tại Công văn 5181/BKHĐT-QLĐ.

Vấn đề khúc mắc là tại thời điểm UBND TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương, áp dụng chỉ định (năm 2010) cũng đã có sự thay đổi so với thời điểm thực hiện công tác lựa chọn NĐT (năm 2016).

Tại Công văn 5705/VPCP-KTN, Phó Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND TPHCM quyết định và chịu trách nhiệm toàn diện về việc thay đổi NĐT. Công văn 5705 cũng không khẳng định việc chỉ định NĐT, đồng thời không xác định NĐT thực hiện dự án là doanh nghiệp, tổ chức nào.

Đội vốn hơn 2 lần

Tại thời điểm năm 2010, UBND TPHCM trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương thực hiện thí điểm dự án PĐP theo hình thức BT, với tổng mức đầu tư sơ bộ là 988 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm thẩm duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, tổng mức đầu tư là 1.953 tỷ đồng (bao gồm chi phí lãi vay), giá trị tổng mức đầu tư tạm tính tại thời điểm hiện nay do NĐT đề xuất là 2.215 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với số liệu đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin chỉ định vào năm 2010.

Đáng chú ý, quy định pháp luật về đấu thầu khi thực hiện lựa chọn NĐT vào năm 2017, đã có nhiều thay đổi so với khi xin chủ trương chỉ định của Thủ tướng Chính phủ vào năm 2010, dẫn đến việc thực hiện chỉ định NĐT vào năm 2018 không còn phù hợp.

Với một số vướng mắc như trên, việc tiếp tục thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng BT tiềm ẩn nhiều rủi ro về hiệu quả kinh tế, tài chính và pháp lý. Theo đó, UBND TPHCM đã chỉ đạo việc dừng đầu tư dự án theo phương thức BT, chuyển thành phương thức đầu tư công tại Thông báo 426/TB-VP.

Nhiều khoản chi không thể thanh toán

Mới đây, Tổ công tác giải quyết vướng mắc dự án PĐP, có văn bản tham mưu cho UBND TPHCM về phương án, cơ sở pháp luật, hậu quả pháp lý và trình tự thủ tục để chấm dứt thỏa thuận đầu tư với liên danh. Theo đó, chấm dứt thỏa thuận đầu tư dự án PĐP và hoàn trả hơn 171 tỷ đồng theo tính toán của NĐT. Tuy nhiên, UBND TPHCM phải rà soát các công việc NĐT đã thực hiện, xác định chi phí hợp lý, hợp lệ để hoàn trả cho liên danh.

Trước đó, liên danh có văn bản báo cáo tổng chi phí có liên quan đến dự án PĐP là 171,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua rà soát sơ bộ từ hồ sơ, chứng từ do liên danh cung cấp, Tổ công tác nhận thấy có nhiều khoản chi phí do liên danh liệt kê sẽ không thể thanh toán.

Theo Tổ công tác, dự án chưa thực hiện các nội dung về xây dựng, nên về cơ bản chỉ có thể thanh toán các chi phí chuẩn bị đầu tư theo quy định pháp luật (chi phí liên quan việc lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi). Đồng thời, có thể thực hiện thanh toán các nội dung khác cho liên danh nếu đã có chủ trương chấp thuận của UBND TPHCM.

Vào tháng 5, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chỉ đạo dừng đầu tư dự án PĐP theo hình thức BT để chuyển sang đầu tư công.

Do tính cấp bách cần thực hiện nhanh để đáp ứng nhu cầu tổ chức sự kiện thể thao quốc tế ASIAD 2012 tại Việt Nam, nên UBND TPHCM đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương chỉ định NĐT vào năm 2010. Tuy nhiên, kết quả lựa chọn NĐT lại được phê duyệt vào tháng 1-2018. Do vậy, việc Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương lựa chọn NĐT trước đây có thể không còn phù hợp tại thời điểm năm 2018.

Các tin khác