Sóc Trăng: Chuyển dịch theo hướng tích cực

(ĐTTCO) - Năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế tỉnh Sóc Trăng đạt 7,71% (vượt chỉ tiêu Nghị quyết 2,21%). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,07%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 11,13%; khu vực dịch vụ tăng 11,56%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, GRDP bình quân đầu người đạt 54,86 triệu đồng/năm (vượt chỉ tiêu 1,36 triệu đồng).

Nhằm phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19, ngay từ những tháng đầu năm 2022, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo các ngành, các cấp tăng cường, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong đó, tập trung thực hiện tốt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) phục hồi và phát triển sản xuất, nhờ đó sản xuất công nghiệp của tỉnh tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá.

Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2022 của tỉnh tăng 12%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 70.900 tỷ đồng (vượt 18,17% chỉ tiêu, tăng 37,21% so cùng kỳ). Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2022 đạt 4.770 tỷ đồng, vượt 15,86% so dự toán.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, toàn tỉnh xuống giống được hơn 332.700ha lúa, tổng sản lượng đạt hơn 2 triệu tấn. Đặc biệt, sản lượng lúa đặc sản, lúa chất lượng cao chiếm tỷ lệ trên 91,6% tổng sản lượng lúa toàn tỉnh (vượt chỉ tiêu 15,6%).

Tình hình tiêu thụ lúa tương đối thuận lợi, giá lúa tăng so với cùng kỳ, cải thiện thu nhập của người nông dân. Năm 2022, tỉnh Sóc Trăng còn có diện tích cây ăn trái hơn 29.000ha, tổng đàn gia súc 363.800 con, tình hình sản xuất, tiêu thụ thuận lợi, giá cả tăng so cùng kỳ.

Đáng chú ý, lĩnh vực thủy sản, một trong những mũi nhọn kinh tế trọng điểm của Sóc Trăng, tiếp tục có mức tăng trưởng mạnh mẽ. Cụ thể, tỉnh thả nuôi 76.185ha thủy hải sản các loại, (tăng 5,42% so cùng kỳ), trong đó chủ yếu là con tôm nước lợ chiếm 53.800ha. Năm 2022, giá trị xuất khẩu thủy sản, chủ yếu là con tôm, đạt 1,05 tỷ USD (tăng 6,49%), năm thứ 2 liên tiếp Sóc Trăng vượt mốc 1 tỷ USD xuất khẩu thủy sản.

Đặc biệt, ngay khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, ngành dịch vụ vận tải của Sóc Trăng phục hồi và tăng trưởng mạnh. Từ đầu năm đến nay, vận chuyển hành khách đạt 21,5 triệu lượt (tăng hơn 80% so cùng kỳ); vận chuyển hàng hóa đạt 51,49 triệu tấn (tăng 14,29%). Ngành dịch vụ du lịch có nhiều khởi sắc, tổng lượt khách du lịch đến tỉnh đạt 2,14 triệu lượt, tổng doanh thu từ du lịch đạt 840 tỷ đồng.

Tình hình đăng ký DN của tỉnh trong năm 2022 có nhiều khởi sắc, phục hồi tích cực với số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường tăng cao so với cùng kỳ 2021. Cụ thể, trong 10 tháng năm 2022, số DN đăng ký thành lập mới 395 (tăng 29,5% so cùng kỳ), với tổng vốn đăng ký 2.310 tỷ đồng (tăng 13,23%); số DN quay trở lại hoạt động 75 (tăng 41,5%).

Tỉnh Sóc Trăng hiện đang khẩn trương hoàn thành các trình tự, thủ tục “Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050”. Trong năm 2022, tỉnh đã tổ chức thông qua Hội nghị báo cáo cuối kỳ quy hoạch theo quy định, đồng thời trình hồ sơ quy hoạch tỉnh cho Hội đồng thẩm định, do Bộ Kế hoạch - Đầu tư chủ trì theo đúng tiến độ được Thủ tướng Chính phủ giao. Đây là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, mang ý nghĩa chiến lược, định hướng trong phát triển kinh tế, xã hội, nên sẽ được tỉnh đặc biệt quan tâm thực hiện trong thời gian tới.

Ông TRẦN VĂN LÂU,

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh, trong năm có thêm thị xã Vĩnh Châu và 5 xã được công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới, cùng 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh Sóc Trăng có 63/80 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, với 14 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới (Ngã Năm, Mỹ Xuyên, Vĩnh Châu).

Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP), Sóc Trăng hiện có 189 sản phẩm được đánh giá đạt từ 3 sao trở lên; trong đó có 1 sản phẩm đạt hạng 5 sao, 19 sản phẩm đạt 4 sao và 169 sản phẩm 3 sao (vượt chỉ tiêu 2,9 lần so với kế hoạch).

Năm 2022, tỉnh tiếp và làm việc với 150 lượt nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư trên địa bàn, qua đó đã chấp thuận chủ trương đầu tư 8 dự án. Trong đó, có 4 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư 2.434 tỷ đồng.

Ngoài ra, Sóc Trăng đã tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2022, nhân sự kiện kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh. Tại Hội nghị, tỉnh đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 4 dự án với tổng vốn đăng ký 12.078 tỷ đồng; ký kết 18 bản ghi nhớ nghiên cứu, khảo sát đầu tư, với tổng vốn đầu tư 212.000 tỷ đồng. Đến nay, ghi nhận 11/18 nhà đầu tư tham gia ký bản ghi nhớ có đề xuất dự án cụ thể.

Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng 5.217,25 tỷ đồng. Trong đó, kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao hơn 4.500 tỷ đồng, kế hoạch tỉnh giao bổ sung hơn 87,5 tỷ đồng, kế hoạch vốn năm 2021 kéo dài thời gian thực hiện sang năm 2022 là 629 tỷ đồng.

Dù gặp nhiều khó khăn, tỉnh đã nỗ lực triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn. Ước tỷ lệ giải ngân đến hết niên hạn đạt trên 95% vốn trung ương giao. Hoạt động tín dụng trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định.

Đến cuối năm 2022, tổng vốn huy động tín dụng trên địa bàn đạt 38.464 tỷ đồng (tăng 10% so với năm 2021); tổng dư nợ tín dụng 51.787 tỷ đồng, tăng 4.189 tỷ đồng.

Các tin khác