Nghị quyết số 111/NQ-CP của Chính phủ về phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8 vừa ban hành, nhấn mạnh về việc sửa đổi luật Đất đai là nhiệm vụ quan trọng, tác động đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước, đời sống nhân dân, cần có phương án giải quyết đồng bộ, nhất là giải quyết sớm những vướng mắc từ thực tiễn liên quan đến chế độ sử dụng đất đối với bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng...
Đối với trường hợp dự án khu đô thị, dự án nhà ở thương mại vừa thuộc đối tượng thu hồi đất, vừa thuộc đối tượng nhận chuyển nhượng (khoản 1 điều 66) cần có quy định cụ thể khi nào thực hiện thu hồi đất, khi nào thực hiện nhận chuyển nhượng. Quan trọng là tới đây, sửa đổi Luật Đất đai cần chú ý các yêu cầu về định giá đất một cách chính xác, phát huy nguồn lực tài chính đất đai một cách hiệu quả hơn, tránh chồng chéo, bất cập và chênh lệch lớn về giá đất tại các địa phương.
“Việc định giá đất đai hiện nay đã phân cấp cho các địa phương đưa ra bảng giá đất công bố 5 năm một lần, biến động ≈ 20% đang rất bất cập, cần sửa đổi. Tiếp đó là bảng giá đất hiện nay cũng rất thấp và các địa phương đang áp dụng tùy tiện, cần sửa đổi cho phù hợp thực tiễn”, chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực phân tích.
Theo PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Luật Hà Nội, các giải pháp phát triển thị trường nhà đất, thị trường BĐS đối với phân khúc nghỉ dưỡng rất có tiềm năng trong tương lai. Tuy vậy, khi sửa đổi các luật liên quan, cần lưu ý về các quy định pháp lý trước tiên. Theo đó, các cơ quan, Bộ, ngành chức năng cần rà soát, điều chỉnh để chính sách khả thi, đi vào thực tiễn tránh bất cập, nhất là loại hình BĐS codontel phát triển “nóng” tại nhiều địa phương nhưng rất khó giao dịch.
“Hiện nay đang thiếu các quy chế pháp lý đố với BĐS du lịch như condotel, quy hoạch kế hoạch như thế nào đang thiếu. Đây là loại hình phát triển từ năm 2016 đến nay sau đợt ảnh hưởng của dịch. Do vậy, lần này cần sử dổi định danh rất rõ các loại hình đất du lịch để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng cần có quy định cụ thể, đòi hỏi như thế nào từ thực tiễn cần làm rõ”, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến đề xuất.
Chính phủ cũng yêu cầu, cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tiếp thu các ý kiến của các Bộ, cơ quan liên quan để hoàn thiện dự thảo luật Đất đai sửa đổi, giải quyết vướng mắc trong thực tế như phân quyền chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, đất rừng; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; bảng giá đất và chế độ tài chính đối với đất đai, để khi Luật hóa được các hoạt động này sẽ giúp thị trường BĐS du lịch, thị trường tài chính đất đai phát triển ổn định, bền vững và thực sự mang lại hiệu quả sử dụng trong thực tế của toàn xã hội.