Việt Nam hiện đang có khoảng 4,4 triệu ha rừng trồng, trong đó bao gồm hơn 1 triệu ha rừng trồng của 1,1 triệu hộ gia đình. Hàng năm các diện tích này đang cung cấp khoảng trên dưới 30 triệu m3 gỗ quy tròn góp phần quan trọng vào sự phát triển của ngành gỗ và tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các DN có các sản phẩm gỗ xuất khẩu có sử dụng gỗ rừng trồng đang gặp phải khó khăn trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là các ách tắc trong việc xác định nguồn gốc gỗ rừng trồng và tính pháp lý trong các giao dịch ở các khâu trung gian trong chuỗi cung ứng.
Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, xác định nguồn gốc gỗ, đảm bảo tính hợp pháp của gỗ trong các giao dịch của chuỗi giá trị ngành gỗ đang là vấn đề khó khăn cần nhanh chóng tháo gỡ để tạo thuận lợi cho các DN, điều này đòi hỏi phải điều chỉnh các cơ chế chính sách hiện hành, đặc biệt là các quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản và trách nhiệm về thuế trong các khâu trung gian tham gia chuỗi.
“Nguyên liệu gỗ rừng trồng là nguyên liệu chính phát triển của ngành chế biến gỗ, vì vậy cần sớm sửa đổi và triển khai Thông tư mới để tạo điều kiện cho các DN sản xuất kinh doanh theo đúng quy định của pháp luât. Thông tư sửa đổi làm sao truy xuất nguồn gốc gỗ một cách thông thoáng nhưng phải bảo đảm tính pháp lý; kiểm soát được “dòng chảy” của nguyên liệu gỗ nhưng phải bảo đảm được tính pháp lý với sự tham gia của các Bộ, ngành liên quan”, ông Lập nói.
Nhiều ý kiến cho rằng, các cơ chế chính sách mới cần đi theo hướng tập trung kiểm tra giám sát vào các khâu rủi ro trong chuỗi và đơn giản hóa thủ tục tại các khâu ít rủi ro. Cơ chế chính sách mới cần tiệm cận với thực tế hơn, nhằm khuyến khích sự tuân thủ của các bên tham gia.
Theo ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến TP.HCM, giải quyết được những tồn tại này sẽ trực tiếp góp phần thúc đẩy việc mở rộng quy mô rừng trồng, đem lại giá trị tốt hơn cho các hộ trồng rừng và thúc đẩy ngành gỗ phát triển bền vững trong tương lai.
“Các hội viên hoạt động kinh doanh tập trung vào chế biến và sản xuất là khâu cuối của chuỗi, vì vậy nguyên liệu đầu vào là hết sức quan trọng không chỉ về mặt số lượng mà còn cả hồ sơ pháp lý. Ngành gỗ làm sao phải làm rõ chuỗi cung ứng, đặc biệt là tập trung vào khâu rừng trồng và nguyên liệu nhập khẩu. Rừng trồng trong nước còn một số bất cập về trình tự, hồ sơ, mức thuế của người sinh sống bằng nghề rừng. Cần tính đúng về thuế của gỗ dăm, viên nén, gõ xẻ để các hộ nông dân trồng rừng đều tham gia đóng thuế một cách hợp lý, như vậy mới phát triển được nền kinh tế, đồng thời hình thành chuỗi lưu thông hàng hóa, minh bạch trong ngành gỗ”, ông Phương đề xuất.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, trong ngắn hạn, việc tăng lượng cung gỗ rừng trồng nhằm thay thế gỗ nguyên liệu nhập khẩu là một trong những chiến lược có thể giúp các DN trong ngành đạt được mục tiêu về kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản hơn 15 tỷ USD trong năm nay.
Tuy nhiên, để tăng tỷ lệ sử dụng gỗ nguyên liệu từ rừng trồng đòi hỏi nhiều yếu tố, trong đó bao gồm việc người tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chấp nhận thay đổi nhu cầu và sở thích các loại gỗ đang được sử dụng trong sản phẩm sang sử dụng gỗ rừng trồng của Việt Nam. Bên cạnh đó, gỗ rừng trồng của Việt Nam cần đảm bảo là gỗ hợp pháp thậm chí là bền vững và các doanh nghiệp xuất khẩu từ Việt Nam cần có đầy đủ bằng chứng để chứng minh cho điều này.
Ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Lâm nghiệp đề nghị, gỗ khai thác trong nước theo quy định không còn khai thác chín, tuy nhiên vẫn còn một lượng gỗ tương đối lớn trong việc khai thác tận thu, tận dụng cần phải quản lý thật chặt.
“Đối với gỗ nhập khẩu, đặc biệt là gỗ nhập khẩu từ các quốc gia không thuộc vùng địa lý tích cực sẽ tiếp tục được quản lý chặt chẽ theo đúng quy định của VPA FLEGHT và 301 Việt Nam đã ký kết với các quốc gia. Trong triển khai Thông tư tới đây, cộng đồng DN, các Hiệp hội có cơ chế phối hợp trao đổi thông tin cũng như hệ thống báo cáo để phản hồi khó khăn, vướng mắc để các cơ quan Trung ương, các địa phương xem xét, kiến nghị các cấp có thẩm quyền sửa đổi kịp thời nhất”, ông Nghĩa nêu rõ.